Bài đăng phổ biến

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Cây cau

N67 xin giới thiệu một bài thơ của Thày Lê Đức Mẫn, nhân ngày 20-11:
CÂY CAU
Tôi suốt đời cứ kính phục cây cau
Thân mọc thẳng không phân cành trái phải,
Cao mười thước vẫn đàng hoàng vững chãi,
Bão ngang trời vẫn vậy, chẳng lao đao.
 
Tôi suốt đời cứ kính phục cây cau
Hoa thơm thế chẳng hoa nào sánh đọ,
Giữa ban thờ hoa cau trên đĩa sứ,
Ngát ngày này, thơm ngát cả ngày sau.
 
Tôi suốt đời cứ kính phục cây cau
Quả chát vậy mà chia duyên vạn nẻo.
Với trầu cay và vôi nồng têm khéo
Mối tình nào không néo một buồng cau.
 
Cây trên đời muôn vạn loại khác nhau,
Nhưng cau ơi, sao mà cau đẹp thế.
Tôi làm thày bốn mươi năm có lẻ,
Chỉ dạy trò: em nhé – sống như cau.
  LÊ ĐỨC MẪN

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Chắp cánh bay

                                                                                                                              Vũ Trọng Nghĩa
Cánh diều cùng tiếng sáo vi vu tuổi thơ đã không ít lần nâng tôi trong ước mơ có ngày được tung cánh lượn bay. Nhưng cũng không ít lần tôi lại tự giễu mình “Thật hão huyền!”: “Diều bay được nhờ có cánh cốc, cánh tiên, thế còn mi, mi có cánh gì?”
Lớn lên rời làng đi xa. Sau nhiều năm xa cách, một ngày trở về bỗng nghe tiếng sáo diều vi vu, tôi lại nghĩ đến ước mơ năm nào. Suy ngẫm, tôi mỉm cười tự nhủ : “Không, mi đã không hão huyền! Ước mơ ấy đã thành hiện thực!”. “Mấy chục năm qua mi đã bay đấy chứ! Phải, mi đã bay lượn trên bầu trời này, trong cuộc đời này!”
Và trong sâu thẳm tâm tư tôi đã nhận chân ra rằng các thầy các cô giáo luôn bên ta từ những ngày trẻ thơ đến những năm đại học…, chính là những người đã chắp đôi cánh huyền diệu cho ta bay lên và vút xa trong bầu trời-cuộc đời này!
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, cùng các bạn bè N67 xin được bày tỏ lời tri ân sâu sắc tới tất cả các thầy, các cô giáo :
Xin được cảm ơn Thầy Cô
Đã chắp cho em đôi cánh
Cho em bay lên bầu trời
                                    Cho em bay vào cuộc đời
                                    Ngập tràn ánh nắng ban mai
                                    Cùng làn gió xuân tuơi mát.
Xin được ghi ơn Thầy Cô
Bồi đắp cho em đôi cánh
                                    Vững vàng bay trong bầu trời,
                                    Tự tin bay giữa cuộc đời
                                    Bất chấp sấm chớp, mưa sa,
                                    Vượt qua phong ba, bão táp!
Mãi mãi tri ân Thầy Cô
Nối dài cho em đôi cánh
                                    Bay cao hơn trên bầu trời
                                    Bay xa hơn trong cuộc đời
                                    Đầy hạnh phúc, thắm tình người,
                                    Đầy tiếng hát và nụ cười.
                                                                          Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2013
                                                                                            Vũ Trọng Nghĩa

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Trải nghiệm Trường Thành

Xin giới thiệu bài thơ "Trải nghiệm Trường Thành" của bạn Vũ Trọng Nghĩa, gửi gắm những trải nghiệm rất sâu sắc trong chuyến đi thăm Trường Thành tháng 10 vừa qua.

TRẢI NGHIỆM TRƯỜNG THÀNH
Vạn Lí Trường Thành sừng sững đó!
                          Ngạo nghễ ngẩng đầu 
                                      chọc mây xé gió, đón nắng hứng mưa.
                          Kiêu hùng vươn vai
                                     vắt ngang núi đồi,
                                                  xuyên dài năm tháng
                                                                    từ ngàn xưa đến hôm nay
                                                                                                 và đến mai sau.

Ta đứng trên Trường Thành
                        Mắt nhìn khắp hướng.
                                Nhìn trời mây, nhìn cỏ cây,
                                Nhìn sâu dòng quá khứ!
                       Tai nghe muôn phương.
                               Văng vẳng tiếng vọng thời gian
                               Kể bao tích chuyện buồn vui:
                              Nào “Nụ cười nàng Bao Tự” thiêu cháy một Triều Vua,*
                              Rồi những trận chiến khốc tàn
                                                                                     ngập tràn máu lửa!
                                       Từ chuyện Chu Đệ rời đô Nam Kinh
                                                                     về xây thành phương Bắc,**
                              Đến chuyện Chủ tịch họ Mao đề bút danh thơ:
                              “Bất đáo Trường Thành phi Hảo hán!”
Ta đến đây.
                     Đặt bước chân 
                            lên những bậc thang đá cổ
                                                   đã vẹt mòn bởi những bước chân
                                                                               của triệu triệu người đi trước:
                           Từ những chiến binh thời Chu, Hán, Minh, Thanh …,
                           Đến khách thập phương muôn nước trẩy về.
Ta đến đây.
                   Không chỉ để trở thành “Hảo hán”!
                   Còn để cảm nhận và ghi lại trong ta
                   Những chiêm nghiệm mênh mang, bao la
                  Của Thời gian, Không gian trải Rộng, Dài Lịch sử!
Ta đến đây.
                Phải, ta đã đến.
                                Đã tận mắt thấy, đã tận tay sờ
               Một Trường Thành thách đố với thời gian,
               Một Trường Thành
                                                 mang trong mình biết bao ký ức.
                                                                                            VŨ “Hảo hán”   
                                                                                   Mùa Thu Bắc Kinh 2013
*Để làm vui lòng Hoàng hậu Bao Tự, người đàn bà có sắc đẹp lộng lẫy, nhưng rất hiếm khi cười, Vua Chu U Vương (781-771 TCN thuộc Nhà Chu) nghe theo kế của quần thần đã truyền đốt lửa hiệu tại các chòi canh trên Trường Thành. Theo hiệu lệnh quân chư hầu vội vã kéo quân đến ứng cứu, nhưng không thấy giặc đâu chỉ thấy U Vương và Bao Tự đang say sưa rượu chè, đàn hát. Hỏi ra thì biết hiệu lệnh giả, quân tướng chư hầu đành ngơ ngác kéo nhau về. Bao Tự chứng kiến cảnh đó thích chí vỗ tay cười. Vua thấy thế rất thống khoái. Tuy nhiên, sau này, khi quân Khuyển Nhung sang đánh phá, U Vương truyền đốt hiệu lệnh, quân các nước chư hầu đã không kéo đến ứng cứu, vì cho rằng U Vương diễn  trò cũ. Hậu quả là Vua U Vương bị quân Khuyển Nhung giết chết.
**Chu Đệ là con thứ tư của Minh Cao Tổ Chu Nguyên Chương và là vị Vua thứ 3 triều đại nhà Minh. Soán và lên ngôi Vua năm 1402, hiệu Minh Thành Tổ. Sau khi lên ngôi, Vua đã quyết định rời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh.

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Ca khúc Школьный вальс - Điệu valse trường xưa và ca khúc Берёзы - Bạch dương ơi

Xin giới thiệu ca khúc Школьный вальс - Điệu valse trường xưa, biên tập thành clip có thể hát karaoke hai thứ tiếng, tiếng Nga theo nguyên bản và tiếng Việt theo bản dịch của các thày Vũ Thế Khôi, Đức Mẫn và Thái Hà:
 
Còn đây là ca khúc Берёзы - Bạch dương ơi, cũng biên tập thành karaoke clip, phần tiếng Nga có 4 đoạn theo nguyên mẫu, lời Việt do Thày Vũ Thế Khôi dịch năm 1969 có 3 đoạn. Để cho khớp với nguyên bản tiếng Nga,  xin phép Thày cho đảo đọan 2 và 3 và lặp lại đoạn 1 ở cuối bài:
 

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Đài Nghiên Tháp Bút Đình Trấn Ba, thông điệp của các nhà nho thế kỷ 19

Trong chương trình Thông điệp từ quá khứ của VTV mang tiêu đề "Đài Nghiên - Tháp Bút - Đình Trấn Ba, thông điệp của các nhà nho đầu thế kỷ 19" có một phần trình bày của Thày Vũ Thế Khôi.
Xin trân trọng giới thiệu lại tại địa chỉ này trên N67:
Thông điệp từ quá khứ
Sau khi xem chương trình này, các bạn quan tâm tới Đền Ngọc Sơn có thể xem thêm bài viết của Thày Khôi tại đây.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Lên đỉnh Bà Nà - bài của Thày Lê Đức Mẫn

Vừa qua, Thày Lê Đức Mẫn và một số thày cô đã có chuyến đi Đà Nẵng, Hội An với cựu sinh viên N77. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Lên đỉnh Bà Nà" của Thày:
Đỉnh Bà Nà là đỉnh các cao nhân,
Cây số rưỡi bay lên, xuống cũng tròn cây rưỡi,
Năm cây số đường dài, ca bin ngồi mỏi gối,
Cáp treo tám người, thăm thẳm vực trần gian.

Đỉnh Bà Nà là đỉnh để thi gan:
Gió gầm thét trên đầu qua ổ kính.
Cáp treo lắc, người chao, dây chão thép
Trèo trẹo kêu thách đố với du nhân.

Đỉnh Bà Nà là đỉnh của gian truân:
Đứng không vững, gió gào, mưa lã chã,
Rét ghê gớm giữa mùa hè ngạt thở,
Kìa, có người trượt ngã giữa cheo leo.

Nhưng Bà Nà là đỉnh của tình yêu,
Hai đứa dang tay, mây dồn xiêu phía trước,
Ngàn dặm không gian, một lời nguyện ước,
Thề có Bà Nà trọn kiếp chẳng phân vân.

Đỉnh Bà Nà là đỉnh các danh nhân,
Có Nelson Mandela, có Nữ Hoàng Anh quốc *
Quên dưới kia có bao điều ô trọc,
Lên đây một lần được học sống thanh cao.

Tôi với học trò bỏ mặc chốn lao xao
Cố rẽ lối lên bến bờ cao thượng.
Các em ơi!  Dẫu có lần ngã trượt
Thày bám trò, ta lặng bước đi lên.

* Bà Nà có Bảo tàng sáp các danh nhân VN và thế giới.
LÊ ĐỨC MẪN
01-09-2013

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Đền Ngọc Sơn: nơi sĩ phu Bắc Hà lo vận nước



Vũ Thế Khôi

Kỳ 1 - Trung tâm văn hóa - giáo dục của Hà Nội thế kỷ XIX
Khách du lịch trong ngoài nước thường mách nhau rằng đến Hà Nội mà không ghé thăm, dù chỉ trong chốc lát, ngôi đền trên đảo Ngọc soi bóng hồ Hoàn Kiếm và nghe kể câu truyền thuyết “Trả gươm” thì coi như chưa biết Hà Nội.
Tuy nhiên “Trả gươm” là câu chuyện liên quan đến hồ Hoàn Kiếm, còn như về đền Ngọc Sơn thì mọi người thường chỉ được giới thiệu cho biết là nơi phụng thờ “Tam thánh”: Quan Đế (Quan Công), Văn Xương (ngôi sao chủ về văn chương và khoa cử, mà có người đồng nhất với Tử Đồng đế quân trong Đạo giáo, bất chấp việc Thần Siêu từng phản bác điều đó!) và Phù Hựu đế quân (Lã Tổ) và “một thời gian sau” – như có nhà Hà Nội học viết – thì thờ cả Trần Hưng Đạo, nhưng không giải thích tỏ tường ai, vì sao và cụ thể từ bao giờ đưa Hưng Đạo đại vương vào thờ ở đây. Vậy mà đền Ngọc Sơn xứng đáng được tôn vinh là di tích lịch sử - văn hóa hàng đầu của Hà Nội không chỉ vì danh thắng mà còn bởi những truyền thống khai sáng và hoạt động yêu nước.
Căn cứ văn bia vẫn còn gắn trên tường hậu điện thì đền Ngọc Sơn không phải do một cá nhân nào hay một tổ chức tôn giáo nào dựng lên mà do Hội Hướng Thiện với Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) làm Hội trưởng đầu tiên, sáng lập mùa thu năm 1841. Đã có vị GS nọ nhầm Hướng Thiện hội với Thiện hội của người Hoa. Suy diễn này hoàn toàn sai sự thật: trên tấm bia đối xứng với bia Ngọc Sơn đế quân từ ký, dựng ngay sau khi khánh thành việc xây dựng cả tạo Đền vào năm 1842, khắc tên tuyệt đại đa số người Việt, và điều đặc biệt là không chỉ nho sĩ mà còn có các thương nhân, binh sĩ và cả một số quan lại đương chức nữa. Tôn chỉ của Hướng Thiện hội là gì mà tập họp được một thành phần xã hội rộng rãi như vậy? Trên danh nghĩa thì là phụng thờ Văn Xương, vị Thần văn chương - khoa cử, nhưng mục tiêu chính của Hội, như Tiến sĩ Vũ Tông Phan cho khắc trên bia, lại là để “bọn sĩ phu kết bạn với nhau, yêu cảnh này vì mến danh này [tức danh Hướng Thiện, - VTK] mà người trong Hội tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi” và “làm những việc có ích cho mọi người qua đó mà giáo hóa họ”. Tại sao phải “giáo hoá”?
Tại là vì sau hai chục năm nội chiến khốc liệt Tây Sơn – Nguyễn Ánh, lại bị Gia Long và Minh Mạng chủ tâm hạ cấp uy thế cố đô Thăng Long, nhằm độc tôn Thần kinh Huế, tình hình xã hội và văn hóa Hà Nội đã suy đồi đến mức báo động, như ông Nghè Phan, người làng Tự Tháp ven Hồ Gươm, năm 1831 từ Huế ra nhậm chức Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh) tả chân trong bài thơ Đến đầu địa giới Hà Nội:
Quanh thành trộm cướp nổi triền miên,
Một đêm năm lần cháy phố....
Nay đương phát sinh nơi đô thành
Nhiều hạng dân du thực du thủ,
Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho,
Đi buôn chửa giầu đã khoe của,
Cư dân thường túm tụm ba hoa,
Bộ hành áo quần cực diêm dúa,
Sòng bạc tràn lan khắp gần xa
Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối…
Văn miếu - Quốc tử giám, niềm tự hào hơn bẩy trăm năm của sĩ phu Đại Việt, năm 1821 vua Minh Mạng lệnh phải hạ biển Thái học môn, thay bằng cái biển Văn miếu môn (nay ta vẫn thấy), theo quy chế chỉ còn là nơi xuân thu nhị kỳ trấn Bắc thành cúng tế cha mẹ của Khổng Tử, bị triều Nguyễn bỏ mặc cho trở nên hoang phế thành bãi thả rông bò dê:
… Trăm vua hình bóng tàn cây cổ,
Muôn thuở phong văn nát đá bia.
Trở lại thiếu thời nơi trọ học:
Giảng đường cô tịch bóng chiều đi!
(Vũ Tông Phan: Thăm Quốc tử giám cũ)
Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1833 ông Nghè Tự Tháp danh tiếng vừa mới được thăng chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh đã kiên quyết từ quan, trở về thôn Tự Tháp ven bờ tây hồ Gươm, dựng trên mảnh đất vua ban ngôi nhà lá năm gian cạnh gốc đa trong Tòa báo Nhân Dân ngày nay, mở trường dạy học và ngay kỳ thi Hương năm sau Vũ tiên sinh đã có 2 môn sinh đỗ cử nhân, nên trường Hồ đình của “quan nghè Tự Tháp “đệ tử tứ phương mãn” (lời thơ Nguyễn Văn Siêu). Tuy nhiên Vũ Tông Phan hiểu rằng trong tình trạng học phong đã suy đồi, một ngôi trường đại tập đơn độc, dẫu“chất lượng cao”, cũng không thể làm được gì nhiều. Bởi vậy với danh tiếng của người khai đại khoa cho Hà Nội dưới triều Nguyễn và uy tín của vị nguyên Đốc học một tỉnh đứng hàng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ, ông Nghè Tự Tháp đã hội tụ cả một nhóm sĩ phu tài hoa như tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, các cử nhân Nguyễn Văn Siêu (năm 1838 mới đỗ phó bảng), Cao Bá Quát, Trần Văn Vi, Lê Duy Trung (TS 1838), Diệp Xuân Huyên (PB 1838). Trường Hồ đình trở thành nơi họ gặp gỡ luận bàn về nỗi niềm trăn trở chung mà người bạn tâm huyết của ông Phan là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý đã thốt thành lời: “Trung hưng vận nước (nhà Nguyễn tuyên bố như vậy!) mà không chấn chỉnh đạo làm người được sao?”
Họ đã làm gì?
Trước hết họ sáng lập Văn hội Thọ Xương (1832) và nhờ sự tài trợ về đất đai, tiền bạc của thương nhân hằng sản hằng tâm Bùi Huy Tùng ngay 4 năm sau đã xây dựng được Văn chỉ ở Bạch Mai để tập hợp đội ngũ “Nho sĩ bình dân” (chữ của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện), hô hào họ “làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã” (Nguyễn Văn Lý: Văn bia Văn chỉ Thọ Xương, 1838; hiện còn trong ngõ Văn Chỉ - Bạch Mai), “trung với dân” và “lo cho dân” (Vũ Tông Phan: Văn bia trùng tu miếu Thần Hoả, 1841; hiện vẫn trên tường số 30 Hàng Điếu) – những phương châm đã trở thành lẽ sống của kẻ sĩ chẳng những trong Hướng Thiện hội mà cả trong Đông Kinh Nghĩa Thục hơn nửa thế kỷ sau, và một trăm năm sau còn được tiếp nối bởi lớp trí thức “Tây học” có tinh thần dân tộc - dân chủ với lời kêu gọi: “Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!” (báo Thanh Nghị, số tháng 9 - 1941).
Muốn chấn chỉnh đạo làm người thì phải “chính học”, tức xây dựng lại học phong cho đúng đắn: học để làm người quân tử chứ không phải “chỉ cốt giật tiếng Nho” (như ngày nay chỉ cốt lấy mảnh bằng!). Mùa xuân năm 1834 nhóm nho sĩ Hà thành này nhất loạt khai trường. Nguyễn Văn Siêu, đỗ cử nhân từ 1825 nhưng một mực từ chối ra làm quan, ở nhà đóng cửa đọc sách, nay (1834, chứ không phải sau khi về hưu vào năm 1854 như có “nhà Hà Nội học”viết) cũng dựng Phương đình dạy học bên bờ sông Tô (phố Nguyễn Văn Siêu ngày nay). Nhân sự kiện này họ tụ họp nhau trong một tiệc rượu để xướng hoạ về định hướng “phương chính” của học nghiệp và Thần Siêu dường như đã thay mặt bè bạn cùng chí hướng để nguyện: “Cố tri viên thị trí / Nguyện thủ phương vi hình” (Vẫn biết tròn là khôn ngoan / Xin nguyện giữ vuông làm khuôn mẫu).
Các ngôi trường của họ tập trung vùng ven bờ phía tây, phía bắc và phía nam hồ Hoàn Kiếm, theo địa danh ngày nay là các phố Nguyễn Văn Siêu, Hàng Đào, Hàng Gai, Tố Tịch, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Tràng Thi - đầu Bà Triệu… tạo thành hình vòng cung ôm lấy hồ Hoàn Kiếm. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên Vũ Tông Phan trước đó đã khảo sát kỹ các di tích - danh thắng khu vực hồ Gươm từ thời Lý - Trần và sáng tác cả một chùm thơ Kiếm hồ thập vịnh, dường như nhằm minh chứng bề dầy văn hóa của chốn địa linh này. Rõ ràng các Nho sĩ trong Văn hội Thọ Xương và Hướng Thiện hội “chủ trương” (chữ chính họ dùng trên một vế đối trong đền ngọc Sơn) biến khu vực hồ Gươm thành trung tâm văn hóa mới của Hà Nội đầu thế kỷ XIX, thay cho khu Văn miếu không còn là Quốc tử giám nữa, theo quy chế của triều đình buộc phải trở nên hoang vắng!..
Nhà trường không phải là những ốc đảo. Không thể “chính học” trong một môi trường đồi phong bại tục tràn lan. Khi sáng lập Hướng Thiện hội với thành phần rộng rãi hơn nhiều so với các hội Tư văn chính thống, Vũ Tông Phan cùng các đồng chí đã nhắm tới những hoạt động văn hóa - xã hội rộng lớn ở bên ngoài phạm vi các ngôi thục xá. Đây lại là một điểm mới nữa, chưa từng có trong lịch sử sĩ phu đất Việt. Để có trụ sở thực thi “những việc có ích cho mọi người qua đó mà giáo hóa họ”, Hướng Thiện hội đã mua lại ngôi chùa tư gia của các con ông lão Tín Trai, dùng quỹ Hội và tiền thập phương quyên góp (phần rất đáng kể là của các thương nhân và cửa hiệu!) xây dựng cải tạo thành đền Ngọc Sơn. Thường thì đọc câu đối dẫn – câu đối đắp trên hai cột trụ chính giữa ở cổng đền chùa – người ta có thể biết ngay trong đó thờ Phật, hay tiên, hay thần thánh hoặc anh hùng. Câu đối dẫn ở đền Ngọc Sơn không có chữ nào về Phật-tiên-thần-thánh mà lại báo cho khách đồng thanh khí đương thời biết rằng vào đây là để tìm hiểu nguồn sáng vô hạn của văn hóa cổ truyền:
Lâm thuỷ đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang
Nghĩa là: Xuống bến nước (trước 1864, khi Nguyễn Văn Siêu làm cầu Thê Húc, phải vào Đền bằng thuyền), trèo lên non (Ngọc Sơn nghĩa là núi Ngọc), có con đường dẫn dần vào nơi cảnh đẹp – Tìm cội nguồn, hỏi đạo cổ, trong việc ấy vô hạn ánh sáng phong văn.
Liên hệ với câu đối của Vũ Tông Phan ở bái đường Văn chỉ Thọ Xương (vì cả hai nơi này đều do ông Nghè tự Tháp chủ trì!) khách hiểu ra: nguồn cội đó chính là nền văn hiến sáng đẹp của nước Nam xưa (“cựu bang văn nhã”) và cổ đạo nói đây là những chuẩn mực và khuôn mẫu của đạo Nho gốc của Khổng Tử (“cổ đạo nghi hình”), với chữ “Nhân” làm gốc, chứ không phải Tống nho tôn sùng “trung quân”. Và phải kết hợp hai “chủ trương” ấy như hai vế của một câu đối: tìm hiểu văn hiến cổ truyền của dân tộc và học hỏi đạo làm người của chính Khổng Tử - thì mới mong dẫn dắt được mọi người:
Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến
Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh
(Phong văn nước cũ truyền người trước – mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau)
Đền Ngọc Sơn trở thành một giảng đàn truyền bá đạo lý cổ truyền, tiến hành thường xuyên vào mồng 2 và 16 (ÂL) hàng tháng, mới đầu là các bản Thiện kinh truyền thống được diễn Nôm, về sau là kinh “giáng bút” của chư vị thần thánh dân tộc như Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Phùng Khắc Khoan, Liễu Hạnh … răn dạy tu thân theo đạo hiếu, gìn giữ thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Điều cuối cùng này cần nhấn mạnh bởi vì mê tín dị đoan luôn luôn song hành cùng thời buổi suy đồi. Gần như ngay từ đầu trong Đền đã treo (nay vẫn còn trong hậu điện, nơi trước kia thờ Quan đế, nên người ta hay vào bói toán, cầu cúng đông đảo nhất!): Trời nào nói gì đâu? đạo mà hiển đạt đâu quan hệ điều ta bói! – Thần thánh vốn nhất quán: phúc lành khắc đến chỉ do đường đạo thẳng ngay. Đầu năm 1864, khi đã hoàn tất việc tôn tạo Đền, xây thêm Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba (“trấn ba” là chặn các làn sóng tà nguỵ!), Nguyễn Văn Siêu, Hội trưởng thứ hai của hội Hướng Thiện sau khi Vũ Tông Phan mất (1851), tuyên bố rõ ràng: “Thần dựa vào người. Nếu bỏ người mà chỉ tin vào thần thì đó là việc làm của bọn ngu”. Trừ một số ít câu đối được đưa vào đền trong các lần trùng tu sau khi thực dân Pháp đã chiếm nước ta và Hội Hướng Thiện có lúc đã không còn hoàn toàn làm chủ ngôi đền nữa, mới bộc lộ những tư tưởng bi quan, yếm thế và tuỳ thời, còn tuyệt đại đa số hoành phi câu đối trong đền Ngọc Sơn đều thể hiện với “Thế bút chống vòm trời” (“Kình thiên bút thế”) những tư tưởng thanh cao và chí khí “Xoay vận trời cứu đời” (“Hồi thiên độ thế”) của kẻ sĩ chân chính. Có thể nói rằng không ở một đền miếu nào khác của Hà Nội có bộ hoành phi - câu đối lời hay, ý đẹp và tinh thần khoáng đạt như vậy.
Hội Hướng Thiện còn biến đền Ngọc Sơn thành một cơ sở biên soạn, khắc in và tàng trữ sách lớn nhất Hà Nội thế kỷ XIX. Chiến tranh và sự thiếu ý thức của con người đã huỷ hoại mất nhiều, vậy mà đến năm 1966 trong kho vẫn còn 1156 ván khắc. Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện vẫn lưu giữ một danh mục 241 đầu sách được khắc in tại đền Ngọc Sơn. Ngoài sách kinh điển Nho, Phật, Lão, còn nhiều sách thơ văn của các danh gia, sách dạy cách cư xử trong nhà ngoài phố, sách “khai tâm” Nho học và từ điển dùng cho các trường tiểu học trong phường thôn, cả sách dạy vệ sinh mang thai, sinh nở và nuôi con nữa. Đền Ngọc Sơn đã biên soạn sách truyện danh nhân đất Việt Chu Văn An và Trần Hưng Đạo mà nhiều đền miếu ở các tỉnh về sao chép hoặc “thỉnh” về khắc in lại.
… Bóng dáng hàng ngàn nho sinh áo the khăn xếp ngày ngày cắp sách lui tới các ngôi trường tiểu tập, đại tập ven hồ, tiếng các thầy đồ sang sảng giảng sách bình văn sớm hôm, tiếng sĩ tử các trường thi tấu thơ ca trong sân đền Ngọc Sơn những đêm trăng thanh; rồi sau những kỳ thi Hương, thi Hội các môn sinh đỗ đạt bỏ võng lọng ngoài cổng làng, đi bộ tự tay bưng khay lễ đến tạ ơn tác thành của thầy, và cả những buổi tế lễ thầy học đông đảo mà trang nghiêm – tất cả tạo nên một bản sắc văn hóa riêng – Văn hóa hồ Gươm, chưa từng có nơi này trong các đời trước và cũng độc nhất vô nhị ở Hà thành nửa đầu thế kỷ XIX. Hà Nội ba chục năm đầu thế kỷ hỗn loạn, suy đồi là thế, vậy mà khoảng giữa thế kỷ, tức mới chỉ hai chục năm sau, một ký giả báo Le Courrier de Saigon đã có thể nhận xét: “Mặc dù nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn” (dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ).
Trong sự phục hưng ấy “trung tâm văn hóa – giáo dục” Ngọc Sơn với các ngôi trường tư thục ở khắp phường thôn Hà thành của các ông đồ trong hội Hướng Thiện đóng góp phần quan trọng.

Kỳ 2 - Một cơ sở vận động yêu nước của Hà Nội cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Cuối năm 1945, giáp Tết đầu tiên dân ta được đón sau khi giành lại nền độc lập, dẫu tình thế đất nước còn gian nan, công việc còn bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Hội Thiện đền Ngọc Sơn, vấn an cụ Hội trưởng, chăm chú nghe báo cáo về việc giảng thiện của Hội và cuối cùng "xin phép gợi ý": "Tôi nghĩ điều thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ. Điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức. Nay ta có thể giảng công khai như thế. Có phải không, thưa các cụ?" (chúng tôi nhấn).
Mười lăm năm trước đây, dẫn sự việc trên, chúng tôi nêu vấn đề: "Phải chăng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành có được nghe những nhà văn thân cùng chí hướng với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhắc đến hoạt động văn hóa yêu nước của Hội Hướng thiện Ngọc sơn?" Nay đã có đủ băng chứng để khẳng định: Hồ chủ tịch biết rất rõ Đền Ngọc Sơn không phải chỉ là một di tích tôn giáo mà còn là - chủ yếu là - trung tâm hoạt động văn hóa - giáo dục yêu nước của nhiều thế hệ trí thức Nho học, bắt đầu từ cái Hội Hướng Thiện đã sáng lập Đền vào mùa đông năm Tân Sửu 1841, khánh thành xây dựng cải tạo vào mùa thu năm Nhâm Dần 1842. Chẳng những thế, Người còn có mối quan hệ truyền thống về tư tưởng - tình cảm với ngôi "đền văn minh" ("Tụng kinh Độc Lập ở đền văn minh" - thơ văn Đông Kinh nghĩa thục). Xin nêu vài chứng cứ:
- Đêm 30 của cái Tết Độc lập đầu tiên ấy, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng đối với tâm linh Việt, Hồ Chủ tịch đã "vi hành" trở lại Đền Ngọc Sơn, những định thắp nén hương trước ban thờ Đức Thánh Trần, nhưng người hành lễ đông nghịt, không len chân vào được, đành đứng bái vọng từ xa rồi lặng lẽ ra về.
- Từ trước đó, 25 - 9 - 1945, 23 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, đúng ngày Kỵ đức Trần Hưng Đạo 20 tháng Tám âm lịch, theo chỉ thị của Người, Bộ Tuyên truyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm Lễ giỗ tại Nhà hát lớn Hà Nội và trong cả nước.
- Năm 1952, giữa chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp xâm lăng, khai giảng lớp chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp trong Chính phủ, lãnh tụ cộng sản Hồ chí Minh, được coi là (xin nhắc lại: được coi là ) phải lấy đấu tranh giai cấp làm chủ thuyết, lại nói về sự giao tranh giữa cái thiện và cái ác trên toàn thế giới, trong cả nước và trong mỗi con người.
Duyên do sâu xa của những cuộc viếng thăm ấy và những câu chuyện ấy đã được một số nhà nghiên cứu soi sáng. Nhà văn Sơn Tùng, chuyên sưu tầm và viết về Hồ Chủ tịch và gia đình của Người hơn một phần tư thế kỷ nay, từng công bố mươi năm trước đây (trên báo An ninh Thủ đô, số Xuân 1991) rằng hai bạn đồng khoa và đồng chí hướng là Cụ Nghè Ngô Đức Kế và Cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 1903 từng ra Hà Nội gặp gỡ với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và Cử nhân Lương Văn Can tại nhà cụ Vũ Hoành (cũng một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục sau này) ở Khuyến Lương. Trong lần đi ấy, Cụ Bảng Sắc mang theo cả hai anh em Sinh Khiêm và Tất Thành, nhưng giữa đường Sinh Khiêm bị ốm, nên chỉ Tất Thành được "chầu hầu" cuộc đồng chí tương ngộ ở Hà thành.
Vậy không lẽ nào trong cuộc viếng thăm đất cố đô Thăng Long, nhà Nho khoa bảng không đưa con trai đến chiêm bái Văn Miếu và đền Ngọc Sơn, nơi không chỉ thờ Thần văn chương và khoa cử, mà ngay từ khi sáng lập đã trở thành trụ sở của hội Hướng Thiện tụ họp các danh sĩ Hà thành như Thần Siêu, Thánh Quát, các ông Nghè danh sư Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung ... tiến hành các hoạt động chấn hưng văn hóa Thăng Long. Một điều cậu Tất Thành không thể không lưu ý là cũng đúng vào cái năm 1903 ấy, Cụ Cử Lương và Cụ Hoàng giáp Nguyễn cùng nhiều nhân vật khác liên quan trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy tân sau này, đã cùng phả Thiện An Lạc xây dựng "Hoằng thiện kinh đàn" ở ngay bên trái chính điện (nay bị biến thành gian hàng bán đồ lưu niệm!) để giảng bài "Chính kinh" của Đức Thánh Trần (quê hương ở An Lạc!) và các bài kinh giáng bút khác của chư vị thánh thần dân tộc răn dạy giữ lòng trung hiếu, yêu nước thương nòi và bảo tồn thuần phong mỹ tục cổ truyền. Danh tính Lương Văn Can và Nguyễn Thượng Hiền được khắc trên bia "Tu bổ Ngọc Sơn từ bi kí", lập ngay tháng 6 (âm lịch) năm 1903, hiện vẫn gắn trên tường trong Đền, tấm biển lớn "Hoằng Thiện Kinh Đàn", sơn son chữ thếp vàng rực rỡ, niên đại cũng ghi 1903. Bản "Chính kinh" do Đức Thánh Trần "giáng bút" bằng chữ Hán, từng được diễn Nôm giảng tại đàn Ngọc Sơn và các đàn Thiện trong khắp cả nước, mới đây có nhà nghiên cứu phát hiện một bản “Chính kinh” đó từng được "thỉnh" từ Đền Ngọc Sơn về Nghệ An và khắc in lại ở địa phương.
Những cuộc viếng thăm đền Ngọc Sơn của Hồ Chủ tịch, biệt nhãn của Người đối với công cuộc hướng thiện và việc tôn thờ Trần Hưng Đạo nơi đây, sự tham gia trực tiếp vào sự nghiệp văn hóa - giáo dục này của những sĩ phu cùng chí hướng với thân phụ của Người, đồng thời là những yếu nhân của phong trào Duy tân - Đông Kinh Nghĩa Thục, đã soi rọi một ánh sáng mới vào đền Ngọc Sơn và hội Hướng Thiện. Rõ ràng trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các trí thức Nho học chủ trương duy tân, tuy chỉ hoạt động chính thức được chưa đầy 8 tháng, nhưng phong trào mà nhà trường khởi động sở dĩ đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp chính là vì thực ra cơ sở văn hóa - xã hội của nó, cả tinh thần lẫn vật chất (các ông đồ và những ngôi trường làng) đã được hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn bền bỉ chuẩn bị từ hơn nửa thế kỷ.
Năm 2007 là tròn 100 năm mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 - 2007) và cũng là tròn 80 năm mất của Thục trưởng Lương Văn Can (1927 - 2007). Nhân sự kiện này từ ngày 3 đến ngày 5 - 5 - 2007 tại Đại học Aix-en-Provence và Trung tâm lưu trữ hải ngoại CAOM (Pháp) đã tiến hành một Hội thảo quốc tế về chủ đề "Việt Nam, thời khắc duy tân (1905 - 1908)". Mục tiêu đầu tiên trong 3 mục tiêu của Hội thảo, như nêu trong Đề dẫn gửi tới các đại biểu trước mấy tháng, là: tìm hiểu phong trào canh tân (hiện đại hoá) ở Việt Nam về bề dày xã hội, những cội nguồn văn hóa của nó. Tại cuộc Hội thảo nói trên, trong bản báo cáo khoa học (30 tr. khổ A4) "Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hóa - xã hội sâu xa của phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục", bằng nhiều tư liệu văn bia Hà Nội và vùng lân cận, thơ văn và gia phả chữ Hán của một số nhân vật liên quan chủ chốt chúng tôi đã minh chứng những mối liên hệ về nhân sự và tư tưởng của phong trào văn thân yêu nước và Duy tân nói chung, của trường Đông Kinh Nghĩa Thục nói riêng với Hội Hướng Thiện của sĩ phu Hà thành, xuất hiện từ thời Minh Mạng (1836?) và hoạt động hoạt động chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Những mối liên hệ về nhân sự, chúng tôi đã thể hiện cụ thể thành 3 phả đồ và một sơ đồ quan hệ sư phụ - môn sinh. Ở đây chúng tôi xin thâu tóm một số tư tưởng tiến bộ (trên câu đối trong đền Ngọc Sơn gọi là "chủ trương") và phương thức hoạt động cùng cơ sở văn hóa - xã hội của nhóm sĩ phu Hà thành nửa đầu thế kỷ XIX mà chúng tôi đã phát hiện thông qua việc kết hợp tìm hiểu các hoạt động của nhóm sĩ phu Hà thành tập họp trong Hội Hướng Thiện và giải mã lại một số câu chữ trên bi ký, thơ văn chữ Hán tại Đền Ngọc Sơn, một số đền miếu khác ở Hà Nội cũng như các vùng lân cận và trong tác phẩm thơ văn chữ Hán của những danh sĩ liên quan.
- Trước hết, đó là chủ trương "trung với dân" và "nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân" ( "trung ư dân", "quân tử vụ dân chi nghĩa" - Vũ Tông Phan: "Trùng tu Hoả thần miếu bi ký", 1841) và để thực hiện điều đó, họ đã động viên các trí thức Nho học về "làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã" ("vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" - Nguyễn Văn Lý: "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký", 1838). Từ đó, việc đem ánh sáng văn hóa về làng quê - đất căn bản của nền văn hóa Việt - trở thành một lẽ sống đích thực của kẻ sĩ, được chẳng những các Nho sĩ duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục hưởng ứng, mà sau đó cả các trí thức "Tây học" nhưng không vong bản trong nhóm "Thanh Nghị" còn biến thành lời kêu gọi: "Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!". Năm 1969 Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ "Tây học" nhưng uyên bác về văn hóa phương Đông, mẹ đẻ lại đã tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, từng nêu nhiệm vụ cần nghiên cứu về vai trò của các ông đồ (cả bà đồ nữa!) ở các ngôi trường làng trong cách mạng Việt Nam. Nhưng phải chăng vì trên tài liệu ghi phát kiến lớn đó có cộp dấu "Mật", nên ngành giáo dục im lặng về vấn đề đó suốt thời gian qua, và đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ! Vậy mà hàng ngàn ngôi trường làng cùng hàng ngàn ông đồ quân tử ấy từng là cơ sở và lực lượng dự bị, có sẵn, tại khắp các địa phương đã giúp cho Đông Kinh Nghĩa Thục triển khai công cuộc vận động canh tân của mình một cách nhanh chóng và rộng rãi. Kể cả sau khi ngôi trường "trung ương" ở số 10 Hàng Đào - Hà Nội bị chính quyền thực dân Pháp đóng cửa, Thục trưởng Lương Văn Can cùng cả loạt giáo viên bị bắt bớ, tù đày, thì tại các làng quê những ông đồ ấy, tại những ngôi tư thục tồn tại có khi hơn nửa thế kỷ rồi, vẫn mở lớp dạy "rập khuôn trường Đông Kinh Nghĩa Thục". Cũng không ít những ông đồ ấy về sau trở thành Chánh/ Phó chủ tịch, Uỷ viên thư ký của các Uỷ ban Nhân dân lâm thời trong Cách mạng tháng Tám 1945.
- Các nhà Nho sáng lập hội Hướng Thiện chủ trương tập họp Nho sĩ và thương nhân trong một tổ chức cùng hoạt động văn hóa - xã hội: trên các bia trong đền Ngọc Sơn, từ bia đầu tiên năm 1843 đến bia cuối cùng năm 1916, đứng chung tên với Nho sĩ còn có các cá nhân thương gia hoặc các hiệu Nguyên Xương, Hưng Ký, Dụ Hưng, Đồng Lợi ... Khỏi phải nói rằng ở đầu thế kỷ XIX, khi Nho giáo chính thống của triều Nguyễn vẫn "trọng nông, khinh thương", thì đây là một tư tưởng đổi mới thực sự. Vị tiến sĩ Nho học Hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên còn cho trưởng nam của mình là Tú kép Nho học Vũ Như Trâm kết hôn với thục nữ Bùi Thị Dĩnh, cháu họ của doanh nhân Bùi Huy Tùng. Chúng tôi nhấn mạnh không ngẫu nhiên: phả chữ Hán của họ Bùi ngõ Phất Lộc, soạn năm 1866 đời vua Tự Đức, ghi rõ vị tiên tổ Bùi Văn Mạo từ làng Phất Lộc huyện Đông Quan phủ Thái Bình lên Thăng Long năm 1717 để "mưu doanh sản nghiệp". Do tư tưởng "trọng nông, khinh thương" cố hữu chăng mà người đời nay đã biến ông thành "giám sinh Quốc Tử Giám"?! Trong khi đó thành công của ông tổ họ Bùi chính là ở lĩnh vực "mưu doanh", nhờ vậy ông mới để lại cho con cháu một "sản nghiệp" lớn để rồi hậu duệ của  ông là Bùi Huy Tùng, đã hằng sản lại hằng tâm, nên đóng góp tới hơn 10 mẫu ruộng cho Văn hội Thọ Xương - nòng cốt của hội Hướng Thiện xây dựng và duy trì hoạt động của Văn chỉ Thọ Xương. Chủ trương liên kết mật thiết trí tuệ của kẻ sĩ và tài lực của doanh nhân trong công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long ở nửa đầu thế kỷ XIX đã được các nhà Nho trong phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp tục phát huy. Thậm chí, một số nhà Nho còn "sắn tay áo lên", trực tiếp mở hiệu kinh doanh, tuy nhiên, theo Nguyễn Hiến Lê, thua lỗ không ít, vì kinh doanh đâu phải là chỗ mạnh của kẻ sĩ!
- Chính sự liên kết trí tuệ và tài sản đã giúp cho hội Hướng Thiện "làm những việc có ích cho người, mà giáo hóa họ" ("hành phương tiện" - Vũ Tông Phan: bia "Ngọc Sơn Đế quân từ ký") như phục dựng hàng loạt di tích lịch sử - văn hóa đã trở nên hoang tàn sau ba chục năm chiến tranh liên miên (1771 - 1802), biến đền Ngọc Sơn thành một cơ sở khắc in sách lớn nhất Hà Nội hồi nửa đầu thế kỷ XIX (đây là một công việc xưa kia vô cùng tốn kém!): cho đến năm 1966, theo báo cáo kiểm kê của nhà Hán Nôm học lão thành Vũ Tuân Sán, sau bao biến thiên ở Hà Nội, trong kho đền Ngọc Sơn vẫn lưu trữ 1156 cái ván khắc. Rất đáng chú ý là hội Hướng Thiện đã tổ chức khắc in các sách tiểu học để phổ cập chữ Hán, sách truyện danh nhân đất Việt như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo..., sách phổ biến kiến thức thông thường như vệ sinh thai nghén, sinh đẻ và nuôi con. Phương châm làm sách này cũng được Đông Kinh Nghĩa Thục phát huy, và sau ĐKNT còn được một số người tâm huyết với văn hóa dân tộc và sự học của tầng lớp bình dân như cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, con trai thứ của sáng lập viên ĐKNT cử nhân Nguyễn Hữu Cầu, tiếp tục.
- Từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đã bắt đầu hình thức thuyết giảng không phải thuần tuý tôn giáo như xưa, mà đã là thuyết giảng công khai, mang tính tuyên truyền xã hội, dẫu mới đầu chỉ là những buổi tụng giảng kinh đạo lý cổ truyền, đã được diễn Nôm để quảng đại người nghe hiểu ngay. Đông Kinh Nghĩa Thục đã phát huy vô cùng hiệu quả hình thức hoạt động này.
Một điều nữa cũng nói lên mối liên quan tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục với hội Hướng Thiện, đó là: bắt đầu từ đền Ngọc Sơn, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục triển khai mạnh mẽ với đền Ngọc Sơn là một trong những diễn đàn chính, thì sau khi ĐKNT bị cấm, các tư tưởng và hình thức tuyên truyền thông qua diễn thuyết lại trở về đền Ngọc Sơn - đương nhiên, do tình thế mới, trở về dưới vỏ bọc khác là tụng giảng tại "Hoằng Thiện kinh đàn" các bài kinh "giáng bút" của chư vị thần thánh đất Việt, trong đó có "Kinh Đạo Nam " với những đề bài và nội dung không mấy khác các bài giảng ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây, như "Hợp đoàn thể", "Khuyến công", "Khuyến thương", "Khuyến nữ học"... kể cả "Ái quốc ca". Vì thế nên đền Ngọc Sơn mới bị quan lớn Thống sứ thực dân lưu ý bọn mật thám phải theo rõi, Kinh Đạo Nam mới bị cấm, người giảng bị bắt bớ tù đày. Thì lại đến lượt kinh tam giáo "Tâm pháp" được Vân Hương thánh mẫu (Liễu Hạnh) "giáng" và đưa ra giao giảng, dẫu kín đáo hơn, "tôn giáo" hơn, nhưng đây đó vẫn ẩn hiện cái hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục:
Cùng non nước, cùng hình dáng ấy,
Cùng giống nòi tự bấy nhiêu lâu,
Cùng chung khí huyết một bầu:
Tiên - Long ta vẫn trước sau ghi truyền.
Tình nghĩa lúc sinh tiền khôn xiết,
Cùng màu da, xác thịt trước sau,
Kể chi già, trẻ, nghèo giầu,
Vốn là cùng giống với nhau một loài!
____________________________________________
* Bài viết dựa trên cơ sở các báo cáo khoa học và các bài báo trong 15 năm qua của tác giả đã công bố tại các hội thảo trong/ngoài nước và các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Hán Nôm, Xưa & Nay, Thông tin Khoa học Xã hội, Khoa học Ngoại ngữ.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Thày Vũ Thế Khôi động viên N67

Tối 21-8-2013, Thày Vũ Thế Khôi gọi điện cho bạn Mỹ, động viên các bạn N67 đã cố gắng xây dựng Trang N67 thành diễn đàn cho Khóa Nga văn N67. Thày đã đóng góp luôn cho N67 một bài viết giới thiệu 3 ca khúc Nga Xô viết thày đã dịch lời cho các bạn sinh viên hát, cùng một bức ảnh Thày.
Xin thay mặt các bạn N67 chân thành cảm ơn sự động viên quý báu Thày đã dành cho N67 và trân trọng giới thiệu bài viết của Thày:

Hình ảnh Thày Vũ Thế Khôi
Để nhớ lại một thời thanh niên sôi nổi

Hè 1965, trước khi đi Thanh niên xung phong 2 tháng (tình nguyện)
làm cầu đá ngầm, 1 km cách cầu Đò Lèn bị bom Mỹ phá sập

Школьный вальс

Điệu valse trường xưa

Давно друзья весёлые
Простились мы со школою,
Но каждый год мы в свой приходим класс.
В саду берёзы с клёнами 
Встречают нас с поклонами 
И школьный вальс опять звучит для нас. 
Сюда мы ребятишками 
С пеналами и книжками 
Входили и садились по рядам. 
Здесь десять класов пройдено 
И здесь мы слово «Родина» 
Впервые прочитали по складам                                                                                                                                                                     
Bạn ơi năm tháng dầu dãi phôi pha,
Trường xưa yêu dấu dù đã cách xa,
Lòng ta sao mãi nhớ về mái trường tuổi thơ
Vườn xưa, bạch dương rợp bóng xanh tươi,
Ngả nghiêng trong gió cất tiếng reo vui
Với khúc valse xưa tưng bừng đón chào chúng ta!
Ngày ấy xúng xính, ríu rít thơ ngây,
Cặp sách, giấy bút, tay nắm trong tay,
Ta bước vào và cùng ngồi vào gian lớp xinh
Dưới mái trường này bao kỷ niệm rồi,
Ở đây bầy ta hai tiếng “Quê hương”
Lần đầu cùng nhau đánh vần theo cô giáo ta.

                                                                                                         

(Vũ Thế Khôi, Thái Hà & Đức Mẫn dịch năm 1967,
Khoa tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ sơ tán
ở làng Cáp Thuỷ, Gia Lương – Hà Bắc)

*


Берёзы


Bạch dương
1. Я трогаю русые косы
Ловлю твой задумчивый взгляд
Над нами весь вечер берёзы
Чуть слышно о чём-то шумят  

Припев:
Берёзы!
Берёзы!
Родные берёзы не спят

2. Неужто свинцовой метелью
Земля запылает окрест.
И снова в солдатких шинелях
Ребята уйдут от невест

Припев:

                                                                                                                                                                   
1. Anh nâng nhẹ làn tóc thoáng thơm hương say
Anh đón nhìn ánh mắt em sâu thẳm
Rừng bạch dương quanh ta như đang say đắm
Khẽ cất giọng thì thầm cùng trời mây

Điệp khúc:
Bạch dương ơi!
Bạch dương ơi!
Nói đi em, vì sao em thao thức hoài?

2. Không lẽ lửa đạn sẽ cháy lan đất này
Không lẽ giặc lại tới gieo tang tóc?
Lại choàng vội lên vai chiếc áo lính cũ
Vĩnh biệt người thương yêu, vào nơi lửa khói.

Điệp khúc (Bạch dương ơi! v.v…)


3. Nơi chiến trường anh nhớ tóc em thơm hương
Anh hôn thầm đôi mắt em xa vắng
Rừng bạch dương quê hương em sẽ thức trắng
Đăm đắm nhìn tiền phương lửa rực sáng

Điệp khúc, với câu kết:
Nói đi em vì sao em hoài thổn thức!
(Phỏng tác tặng B.H. năm 1969)
                                                                                                       

Подмосковные вечера

Chiều Matxcơva

1. Не слышны в саду даже шорохи:
Всё здесь замерло до утра!
Если б знали вы,
Как мне дороги
Подмосковные вечера.


2. Речка движется и не движется:
Вся из лунного серебра.
Песня слышится
И не слышится
В эти тихие вечера.


3. Что ж ты, милая, смотришь искоса,
Низко голову наклоня.
Трудно высказать
И не высказать
Всё, что на сердце у меня.


4. А рассвет уже всё заметнее
Так пожалуйста, будь добра:
Не забудь же ты
Эти летние
Подмосковные вечера

(Повтор припева
С концовкой на высокой ноте)
                                                                                                                                                                    
Rừng dương đứng lặng im không một tiếng rì rào
Màn đêm đang buông xuống im ắng sao!
Bạn ơi biết chăng là
Chiều ngoại ô Matxcơva
Với tôi sâu nặng tình nghĩa ngày nào


Dòng sông vẫn cuộn trôi hay dừng bước lững lờ     
Bàng bạc trăng suông chiếu sáng đôi bờ
Vẳng trong gió mơ hồ
Bài tình ca tha thiết
Tiếng ngân xa đêm hè lặng như tờ.


Này em gái người Nga sao lặng lẽ mơ màng
Nhìn nghiêng nghiêng mái tóc óng tơ vàng
Làm anh xốn xang lòng
Ngập ngừng không lời nói
Nói chi đây khi lòng chứa chan tình.


Bình minh sắp bừng lên: chân trời nhuốm ánh hồng
a) Người anh thương yêu ơi! Xin ghi lòng
Từng giây phút tâm đồng
Bên rừng dương thanh vắng
Matxcơva đêm hè xuống thanh bình
b) Người anh thương yêu ơi! Xin chớ quên
Từng giây phút êm đềm
Bên rừng dương thanh vắng
Matxcơva đêm hè xuống bình yên…


(Vũ Thế Khôi dịch kỷ niệm 50 năm [1954 - 2004] cùng 100 bạn đến Matxcơva học tiếng Nga)