Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Một bài viết của Thày Vũ Thế Khôi

VỀ ẢNH MÚA
Theo đề nghị của Nguyễn Ngọc Mỹ, N67, tốt nghiệp trở thành cô giáo tiếng Nga ĐH Dược, nay là thành viên nhóm Ca khúc xưa nổi tiếng của chồng cô là Nguyễn Văn Khoa, con trai nhà thơ Thâm Tâm, - tôi xin "giải mã" tấm ảnh quý hiếm, lưu gữ cả một thời trong lịch sử trường ta.
Đó là năm 1967, lần đầu tiên ĐH Ngoại ngữ tự tuyển sinh, lấy vào trường lứa học sinh giỏi và tài hoa ở các trường phổ thông khắp miền Bắc. Cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, tòa nhà D6 của trường ta, nơi 6 ngày trước tổ tự vệ trực chiến nổ súng vào tốp F105 đột kích trinh sát Hà Nội, cũng bị bom đánh sập một nửa, trường sơ tán triệt để về các làng Lôi Châu, Cáp Điền, Cáp Thủy, An Phú và An Trụ huyện Gia Lương tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Khóa chuyên tu 1967 có nhiều văn nghệ sĩ vào học để đi đào tạo ở nước ngoài như các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, đạo diễn múa Ngọc Canh, Lâm Tô Lộc, khóa SV 67 lại tập họp nhiều HS tài hoa, sớm lộ diện ngay trong đem liên hoan khai giảng. Ban chấp hành Đoàn trường, do thày Trần Ngọc Kim, Phó khoa Nga làm Bí thư, quyết định thành lập Đội văn nghệ, giao ủy viên BCH Đoàn trường phụ trách học tập và văn thể Vũ Thế Khôi chuyên trách, thày giáo tiếng Nga Ngô Như Hải làm Đội trưởng, các thày tiếng Nga Lê Đức Mẫn, Đặng Thái Hà cùng phụ trách. Đội có nhiệm vụ phát động ca hát trong toàn trường hưởng ứng phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", phục vụ địa phương để làm dân vận, tham gia Hội diễn văn nghệ không chuyên của các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
Thầy Ngô Như Hải vốn là một diễn viên đơn ca của đoàn Văn công Tổng cục Chính trị QĐND VN, sắn trình độ nghệ thuật, lại nhiệt tình hiếm có với ca hát, ngoài giờ giảng dạy, "lang thang" khắp 4 thôn triệu tập "quân văn nghệ" đến tập. Hình ảnh còn in đậm trong tôi là cái dáng cao kều, choàng tấm ni lông, tay sách cái đèn bão tù mù, bước men các bờ ruộng. Vì cái vóc cao lớn, lại trắng trẻo, cằm lún phú râu, cho nên một lần đúng lúc báo động phòng không, máy bay địch đang oanh tạc ga xe lửa và cầu Cẩm Giàng, thầy bơi qua sông Cầu về trường, bị dân quân tưởng giặc lái nhảy dù, bắt trói giải về Ban giám hiệu!
Nhờ công lao của thày Hải và sự chỉ bảo tận tình của các bác văn nghệ sĩ, trong Hội diễn văn nghệ các trường ĐH và THCN tháng 11/1967, trường ta đoạt 2 huy chương vàng: đồng ca "Tiếng chày trên sóc Bom Bo" và vũ khúc "Bà mẹ miền Nam", 1 huy chương bạc: song ca "Bình Trị Thiên khói lửa".
Tiếc rằng tôi không có ảnh tiết mục đồng ca kết hợp động tác múa giã gạo bằng chày tay, với nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đứng bắt nhịp trong cánh gà sân khấu.
Tấm ảnh vũ khúc "Bà mẹ miền Nam" do cô giáo Phạm Chi Mai cung cấp. Cô Mai cùng các cô Bích Thư, Minh Tâm, Kiều Oanh, thày Ngô Như Hải ...học Khoa Nga ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN, cùng về trường năm 1965. Trong vũ khúc, cô là vai múa chính, tốp nữ múa gồm 2 SV Nga văn Nguyễn Ngọc Mỹ và Trịnh Thị Trân, 2 SV Anh văn Hồng Mai và Ngọc Oanh, SV Đức văn Tố Loan và cô Hoa Kiều viết tiếng Trung ở ấn loát tên là Nhi.
Đến nay tôi vấn nhớ như in cảnh tượng đêm Hội diễn, chúng tôi hát múa thăng hoa,những tràng vỗ tay không dứt tán thưởng 2 tiết mục huy chương vàng của trường ta. Rồi bữa cháo gà liên hoan nửa đêm do đích thân thầy Ngô Ngư Hải và mấy nữ sinh đảm mổ gà, sào nấu, ủ nóng trên bếp để đêm về mừng thành công tại tư gia của cha mẹ tôi (các cụ đã sơ tán theo cơ quan, trao nhà cho chúng tôi toàn quyền ăn ở, luyện tập...) tại 27B Trần Hưng Đạo
Một thời mới trẻ trung tươi vui, ấm áp tình đồng nghiệp và trong sáng tình thày trò làm sao!