Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Truyện ngắn "Tuyết" của Pau-xtốp-ski

Tuyết
Paustovsky

Mùa đông nước Nga - Tranh của Nguyễn Tuấn Khoa
Tachiana Pêtơrốpna dọn đến nhà cụ Pôtapốp được một tháng thì cụ mất. Nàng tiếp tục ở lại với đứa con gái nhỏ là Varia và người vú già.

Ngôi nhà nhỏ, chỉ có ba gian, ở trên một ngọn đồi trông xuống con sông phía Bắc ngay đầu tỉnh lỵ. Sau nhà, bên kia khu vườn đã trụi lá là một rừng bạch dương phơi màu trắng bạc. Ở đó, từ sáng sớm đến lặn mặt trời, lũ quạ kêu quàng quạc,bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trần trụi, báo hiệu trời xấu.

Từ khi rời Maxcơva, Tachiana mãi vẫn không sao quen được cái tỉnh lỵ đìu hiu với những ngôi nhà nhỏ bé, những cánh cửa hàng rào kêu ken két, những buổi tối vắng lặng, nghe rõ cả tiếng ngọn đèn dầu hỏa nổ lép bép.

Mình ngốc quá! Nàng nghĩ, không dưng lại bỏ Maxcơva, nhà hát và bạn bè! Đáng lẽ phải đưa Varia đến với bà vú ở Puskinô, ở đó chưa bị máy bay bắn phá lần nào,còn mình thì cứ việc ở lại Maxcơva. Trời, mình thật ngốc.

Nhưng không thể trở lại Maxcơva được nữa rồi. Tachiana quyết định biểu diễn trong các trạm quân y lưu động – trong thị trấn cũng đã có vài trạm – và thấy trong lòng cũng khuây khỏa đôi chút. Nàng còn thấy thích cái tỉnh lỵ ấy nữa là khác, nhất là khi đông về và tuyết rơi phủ đầy. Ngày lại ngày, êm dịu và xám ngắt. Sông mãi chưa đóng băng, mặt nước màu xanh lá cây bốc khói.

Tachiana quen dần với tỉnh lỵ và cả với ngôi nhà không phải của mình. Nàng đã quen chiếc dương cầm lạc giọng, những tấm ảnh úa vàng treo trên tường, những tấm ảnh chụp những thiết giáp hạm bảo vệ bờ biển cổ lỗ. Trước kia, cụ Pôtapốp làm thợ máy tàu biển. Trên cái bàn giấy phủ dạ xanh của cụ có đặt mô hình tuần dương hạm “Grômôbôi”, mà cụ đã làm việc. Varia bị cấm không được sờ vào mô hình ấy. Và nói chung, con bé bị cấm không được sờ vào bất cứ vật gì.

Tachiana biết cụ Pôtapốp có con trai đang phục vụ trong hạm đội Hắc Hải. Trên bàn, bên cạnh mô hình tuần dương hạm, có bức ảnh của anh. Đôi lúc, Tachiana cầm bức ảnh lên xem, mê mải ngắm nghía rồi nhíu đôi lông mày thanh thanh lại, nghĩ ngợi. Nàng cứ có cảm giác là đã gặp anh ở một nơi nào đó, nhưng đã lâu lắm rồi, trước cả cuộc hôn nhân không toại nguyện của nàng. Nhưng ở đâu? Và khi nào nhỉ?

Anh lính thủy nhìn nàng bằng đôi mắt bình thản, hơi có vẻ chế nhạo, như muốn hỏi: “Thế nào chị? Chẳng lẽ chị vẫn chưa nhớ ra được là chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi hay sao?”

- Không, tôi không nhớ.

Nàng trả lời khe khẽ.

- Mẹ ơi, mẹ nói chuyện với ai thế?

Varia từ phòng bên hỏi to.

- Mẹ nói với cái dương cầm con ạ!

Tachiana cười, trả lời con.

Vào giữa mùa đông bắt đầu có những lá thư gửi cho cụ Pôtapốp, những lá thư do cùng một bàn tay viết. Tachiana xếp những lá thư ấy lại trên bàn.

Một lần, đang đêm nàng chợt thức giấc. Ánh tuyết mờ mờ chiếu qua cửa kính. Con mèo xám Ackhip của cụ Pôtapốp để lại đang ngáy khò khò trên đi văng.

Tachiana khoác áo choàng mỏng vào phòng làm việc của cụ Pôtapốp và đứng một lát bên cửa sổ. Một con chim lặng lẽ bay vụt ra khỏi cây làm tuyết đổ ào xuống.Tuyết bay như một thứ bụi trắng, phủ một lớp mỏng lên mặt kính.

Tachiana thắp ngọn nến trên bàn, ngồi xuống ghế bành và đăm đắm nhìn ngọn nến.Ngọn nến cũng chả buồn động đậy. Sau đó nàng thận trọng lấy từ trong chồng thư ra một bức, bóc phong bì, nhìn chung quanh và bắt đầu đọc:

“Cha yêu quý, thế là con đã nằm bệnh viện được một tháng. Vết thương của con không nặng lắm. Nó đang lên da non. Xin cha đừng lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha đấy!

“Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúngta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở đâu mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng con đường nhỏ dẫn tới phong đình bên dốc đã được sửa sang sạch sẽ và băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm, cuối cùng cũng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrát vào những chân đèn.Và vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn: bản tự khúc của vở nhạc kịch Con ĐầmPích và tình ca Trên Những Bờ Tổ Quốc Xa Xôi. Không biết quả chuông treo ở cửa có kêu không? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con lại được gặp tất cả những cái đó? Chả lẽ rồi con lại được đổ nước giếng trong bình ra mà tắm sạch bụi đường xa? Cha còn nhớ không? Ôi nếu cha biết được rằng ở đây, ở một nơi xa xôi, con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào! Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật đứng đắn rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh. Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì tất cả đất nước mà cả cái góc nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con: tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả những em bé đầu bù tóc rối trong làng ta, cả những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa. Xin cha đừngg cười và đừng lắc đầu cha nhé!

“Có thể là khi ở bệnh viện ra, người ta sẽ cho con về nhà trong một thời gian ngắn. Điều đó chưa chắc lắm. Tốt hơn hết là cha đừng đợi”.

Tachiana ngồi rất lâu bên cạnh bàn, mắt mở to nhìn qua cửa sổ, nơi bình minh bắt đầu hé lên trong một màu xanh dày đặc, và nghĩ rằng sắp tới đây thôi, ngày một ngày hai, có thể sẽ có một người mà nàng không quen biết từ mặt trận trở về ngôi nhà này và người đó sẽ đau khổ khi phải gặp những người xa lạ ở đây và phải trông thấy mọi vật hoàn toàn không giống như ý người đó muốn.

Sáng hôm sau, Tachiana sai Varia lấy xẻng ra dọn con đường dẫn tới phong đình trên bờ dốc. Cái lầu đã hoàn toàn đổ nát. Những cột gỗ mốc meo, rêu phủ đầy,Tachiana tự tay chữa quả chuông con treo trên cửa. Trên quả chuông có một hàng chữ đúc đến buồn cười Ta treo trên cửa - Hãy giật cho vui. Tachiana đụng vào quả chuông. Con mèo Ackhip khó chịu, ve vẩy đôi tai, rồi bực dọc, đi ra khỏi nhà: có lẽ nó cho tiếng chuông vui vẻ kia là càn rỡ.

Trưa hôm đó, Tachiana, má ửng hồng, cười nói ầm ĩ, mắt quầng thâm vì xúc động, từ ngoài phố về, dắt theo một ông lão lên dây đàn, một người Tiệp đã Nga hóa hoàn toàn. Ông lão làm nghề chữa đèn cồn, đèn dầu hỏa, búp bê, ắccoócđêông và lên dây đàn dương cầm. Lão thợ sửa đàn có một cái họ rất buồn cười: “Nêviđan”(Của hiếm). Sau khi lên dây đàn, ông già Tiệp nói rằng chiếc đàn cũ nhưng rất tốt. Không cần ông nói Tachiana cũng biết rõ điều đó.

Khi ông lão về rồi, Tachiana cẩn thận lục khắp các ngăn kéo bàn và tìm thấy một gói to những cây nến hình xoắn ốc. Nàng cắm vào các chân nến đặt trên chiếc dương cầm. Buổi tối hôm ấy, nàng thắp nến lên, ngồi trước dương cầm và tiếng nhạc tràn ngập cả ngôi nhà.

Khi Tachiana ngừng chơi và tắt nến đi thì một làn khói thơm tỏa ra khắp các phòng y như trên cây thông ngày lễ đầu năm.

Varia không im lặng được nữa.

- Sao mẹ lại đụng vào đồ vật của người khác? – Nó nói với Tachiana. - Mẹ cấm con, còn mẹ thì lại đụng vào đủ mọi thứ: nào chuông, nào nến, nào đàn. Mẹ lại đặt những bản nhạc của người ta lên trên dương cầm nữa.

- Bởi vì mẹ là người lớn.

Tachiana trả lời.

Varia chau mày, ngờ vực nhìn mẹ. Lúc này Tachiana không giống người lớn một chút nào. Mặt nàng tươi hẳn lên vì nom nàng giống cái cô thiếu nữ tóc vàng đã đánh rơi chiếc hài pha lê trong cung vua nhiều hơn. Chính Tachiana kể cho Varianghe chuyện cô gái ấy.
*
* *
Ngay từ lúc còn ngồi trên tàu hỏa, trung úy Nikôlai Pôtapốp đã tính rằng anh chỉ có thể ở nhà với cha anh nhiều lắm là hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Hạn nghỉ phép thì ngắn mà cuộc hành trình đã chiếm mất gần hết thời gian.

Tàu hỏa tới thành phố vào ban ngày. Vừa bước chân xuống ga, trung úy được ông lão trưởng ga là người quen cho biết cha anh mất đã được một tháng và hiện giờ một nữ ca sĩ trẻ tuổi cùng đứa con gái của nàng đang ở nhà anh.

- Chị ta người tản cư.

Ông trưởng ga nói.

Nikôlai im lặng và nhìn ra ngoài cửa kính, nơi những hành khách mặc áo bông, đi ủng dạ, tay cầm ấm nước, đang chạy. Anh thấy chóng mặt.

- Vâng, - Ông trưởng ga nói. - Cụ nhà ta người thật tốt bụng. Thế mà cụ chết đi không kịp gặp con trai.

- Bao giờ lại có tàu ra, thưa bác?

Nikôlai hỏi.

- Năm giờ sáng mai. – Ông lão nói, rồi im lặng một lát và tiếp. – Anh lại đàng tôi chơi. Bà lão nhà tôi sẽ pha trà, dọn bữa tối cho anh. Anh về nhà bây giờ cũng vô ích.

- Cảm ơn bác.

Nikôlai trả lời và đi về phía bờ sông. Trên cao là một bầu trời xanh xám. Tuyết lơ thơ, bay chênh chếch giữa trời và đất. Mấy con quạ bước đi bước lại trên con đường có những đống phân ủ. Trời sẩm tối. Gió thổi từ bên kia bờ sông, từ những cánh rừng, làm anh chảy nước mắt.

- Làm thế nào được! – Nikôlai nói. – Ta về chậm quá! Và tất cả: cả tỉnh lỵ này, cả con sông, cả ngôi nhà, giờ đây đối với ta gần như hoàn toàn xa lạ!

Anh ngoảnh nhìn về phía sườn dốc bên kia thành phố. Ở đó, khu vườn nằm trong băng bụi và ngôi nhà ánh lên một màu đen. Khói bay ra từ ống khói của ngôi nhà. Gió đưa khói bay về cánh rừng bạch dương.

Nikôlai thong thả bước về phía nhà mình. Anh định không vào nhà mà chỉ đi ngang thôi, hoặc có thể, anh sẽ ngó qua mảnh vườn xưa, đứng một lát trong cái lầu nghỉ chân cũ kỹ. Anh không sao chịu nổi, khi nghĩ rằng trong ngôi nhà của cha anh giờ đây đã có những người hoàn toàn xa lạ, vô tình đến ở. Tốt hơn hết là chẳng nhìn thấy gì hết để khỏi phải đau lòng, cứ đi đi và lãng quên dĩ vãng.

- Ờ, - Nikôlai nghĩ bụng, - con người mỗi ngày một trưởng thành, mỗi ngày nhìn sự vật chung quanh một cách khắc khổ hơn.

Nikôlai về đến nhà khi trời tối. Anh nhẹ nhàng mở cửa vào vườn, nhưng cánh cửa vẫn kêu ken két. Mảnh vườn như giật mình. Tuyết đọng trên cành rơi xào xạc. Anh nhìn quanh. Trên con đường nhỏ dẫn tới phong đình, tuyết đã được dọn sạch sẽ. Nikôlai vào trong lầu, đặt hai bàn tay lên trên cái lan can cũ kỹ. Đằng xa, bên kia rừng, bầu trời hồng lên, mờ nhạt: có lẽ trăng đã nhô ra sau những đám mây. Nikôlai cất mũ, lấy tay vuốt tóc. Chung quanh anh yên lặng, chỉ ở dưới kia, dưới chân đồi, mấy người đàn bà xách những chiếc xô rỗng kêu loảng xoảng đi lấy nước ở các lỗ băng.

Anh chống cùi tay trên lan can, nói khẽ:

- Có thể nào lại như thế?

Có ai đó nhè nhẹ đặt tay lên vai anh. Nikôlai ngoảnh lại. Đàng sau anh là một thiếu phụ trẻ, có khuôn mặt xanh xao và nghiêm trang, đầu quàng khăn len. Thiếu phụ nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm và chăm chú. Trên mi mắt và trên má thiếu phụ những bông tuyết tan dần. Có lẽ đó là tuyết từ trên cành rơi xuống.

- Anh đội mũ vào kẻo cảm lạnh đấy! - Thiếu phụ nói khẽ. - Mời anh vào nhà. Không nên đứng ở đây.

Nikôlai yên lặng. Thiếu phụ nắm lấy tay áo của anh và dẫn anh theo con đường nhỏ đã được dọn sạch. Nikôlai dừng lại ở bên thềm. Xúc động làm anh nghẹn ở cổ họng, không sao thở được. Thiếu phụ vẫn nói khe khẽ:

- Không sao, xin anh đừng ngại vì ở đây có tôi. Cảm giác đó sẽ qua ngay thôi.

Nàng dậm chân để rũ tuyết bám vào giày. Tức khắc quả chuông trong phòng mắc áo reo lên lanh lảnh trả lời. Nikôlai thở dài thực mạnh, lấy hơi.

Anh bước vào nhà, vừa đi vừa bối rối, lẩm bẩm điều gì. Ở phòng ngoài, mới cởi áo choàng anh đã ngửi ngay thấy mùi khói bạch dương thoang thoảng và nhìn thấy con mèo Ackhip. Nó đang ngồi trên đi văng, ngáp dài. Một cô bé tóc bím đứng bên đi văng và nhìn anh bằng cặp mắt sung sướng. Nhưng nó không nhìn mặt anh mà nhìn mấy viền vàng trên tay áo anh.

- Vào đây, anh!

Tachiana nói và dẫn anh vào bếp.

Trong bếp, anh thấy có bình nước giếng lạnh và chiếc khăn tay gai quen thuộc thêu hình những chiếc lá sồi đã được treo sẵn ở đấy.

Tachiana trở ra. Đứa bé gái mang xà phòng cho Nikôlai và nhìn anh cởi áo, rửa mặt. Nỗi bối rối trong lòng anh vẫn chưa tan.

- Mẹ cháu là ai vậy?

Anh hỏi con bé và đỏ ửng mặt. Câu hỏi đó anh hỏi chỉ để mà hỏi.

- Mẹ cháu cứ tưởng mẹ cháu là người lớn. – Con bé thì thầm với một vẻ bí mật. -Thế nhưng mà mẹ cháu chẳng phải là người lớn tí nào. Mẹ cháu chỉ là một cô bé nhóc còn xoàng hơn cả cháu nữa kia.

- Tại sao? – Anh hỏi.

Nhưng con bé không trả lời, nó nhoẻn miệng cười và chạy ra ngoài.

Suốt buổi tối hôm ấy, anh không sao xua đuổi được cái cảm giác kỳ lạ là mình đang ở trong một giấc mộng nhẹ nhàng nhưng rất vững chắc. Mọi vật ở trong nhà xếp đặt đúng theo ý anh muốn. Vẫn những bản nhạc ấy trên đàn dương cầm, vẫn những cây nến hình xoắn ốc đang cháy, nổ tí tách và chiếu sáng căn phòng làm việc của cha anh. Cả những bức thư anh gửi từ bệnh viện về cũng thấy nằm trên bàn, dưới chiếc địa bàn cũ kỹ ngày xưa mà ông cụ vẫn thường dùng chặn lên trên những bức thư. Sau khi uống trà. Tachiana dẫn Nikôlai ra thăm mộ cha anh ở bên kia rừng. Mặt trăng mờ mờ đã lên cao. Những cây bạch dương lấp loáng một cách yếu ớt trong ánh trăng, ném những bóng nhẹ xuống tuyết.

Đêm đã khuya, Tachiana ngồi trước dương cầm, nhẹ nhàng lựa phím đàn, rồi ngoảnh lại nhìn Nikôlai và nói:

- Lúc nào tôi cũng có cảm giác là tôi đã gặp anh ở đâu rồi.

- Vâng, cũng có lẽ, - anh đáp.

Nikôlai nhìn thiếu phụ. Ánh nến ở bên cạnh soi sáng nửa khuôn mặt nàng. Anh đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng rồi dừng lại, anh nói bằng một giọng trầm trầm.

- Không, tôi không nhớ ra được!

Tachiana ngoảnh lại, sợ sệt nhìn Nikôlai nhưng không nói gì hết.

Nàng đã sửa soạn chỗ ngủ cho Nikôlai trên chiếc đi văng trong phòng làm việc, nhưng anh không sao nhắm mắt được. Mỗi phút trong ngôi nhà này đối với anh thựcquý báu và anh không muốn bỏ mất phút nào. Anh nằm, chăm chú nghe tiếng bước chân rón rén của con mèo Ackhip, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng thì thào của Tachiana với người vú già sau cánh cửa đóng. Rồi những giọng nói im bặt, người vú đã đi, nhưng vệt sáng ở dưới cánh cửa vẫn không tắt. Anh nghe thấy tiếng lật giở các trang giấy loạt soạt: chắc Tachiana còn đọc sách. Anh đoán nàng thức cốt để gọi anh dậy cho kịp tàu. Anh muốn nói với nàng rằng anh cũng không ngủ, nhưng anh không dám gọi.

Bốn giờ sáng Tachiana khe khẽ mở cửa và gọi Nikôlai. Anh cựa mình.

- Anh dậy đi thôi, đến giờ rồi. – Nàng nói – Tôi rất tiếc phải đánh thức anh.

Tachiana tiễn anh ra ga. Hai người đi qua tỉnh lỵ còn đang ngủ im lìm. Sau hồi chuông thứ hai họ từ giã nhau. Tachiana đưa cả hai tay cho Nikôlai và nói:

- Anh nhớ viết thư nhé! Giờ đây chúng ta đã là những người thân. Phải không?

Nikôlai không trả lời, anh chỉ gật đầu.

Mấy hôm sau, Tachiana nhận được một bức thư của Nikôlai viết ở dọc đường.

“Tôi nhớ ra chúng ta đã gặp nhau ở đâu, - anh viết, - nhưng tôi không muốn nói với em khi còn ở nhà. Em còn nhớ Krưm năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy không? Mùa thu. Những cây tiêu huyền cổ thụ. Công viên Livađia. Trời u ám. Biển nhợt nhạt. Tôi đi theo con đường nhỏ tới Orêanđa. Trên chiếc ghế dài bên cạnh đường có một thiếu nữ ngồi. Cô ta chừng mười sáu tuổi. Trông thấy tôi, cô ấy đứng dậy và đi về phía tôi. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi liếc nhìn cô ấy. Cô ta đi qua tôi rất nhanh, nhẹ nhàng, tay cầm một cuốn sách mở rộng. Tôi dừng lại, nhìn theo cô rất lâu. Thiếu nữ đó chính là em. Tôi không thể nhầm được. Tôi nhìn em và cảm thấy rằng có một người con gái vừa đi qua ngay bên cạnh tôi, người đó có thể làm tan vỡ cả đời tôi mà cũng có thể đem lại cho tôi hạnh phúc. Tôi hiểu rằng mình có thể yêu người con gái ấy đến hy sinh cả bản thân mình. Lúc đó tôi đã biết rằng tôi phải tìm em cho bằng được, dù cho có phải trả bất cứ giá nào. Tôi nghĩ như vậy, nhưng lại vẫn cứ đứng lặng. Vì sao? Tôi cũng chẳng hiểu. Từ ngày ấy tôi yêu Krưm và con đường nhỏ, ở đó tôi đã gặp em trong giây lát và mất em vĩnh viễn. Nhưng cuộc đời đã thương tôi và tôi lại được gặp em. Nếu mọi việc đều ổn thỏa và em cần đến cuộc đời tôi, thì tất nhiên nó sẽ là của em. À, tôi đã thấy bức thư của tôi bị bóc ra để ở trên bàn cha. Tôi đã hiểu tất cả và tôi chỉ biết từ nơi xa xôi này gửi lời cảm ơn em”.

Tachiana đặt lá thư xuống, đôi mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ ra mảnh vườn tuyết phủ:

- Trời, mình có ở Krưm bao giờ đâu? Chưa bao giờ! Nhưng lúc này cái đó có gì là quan trọng? Và để cho anh ấy tuyệt vọng làm gì? Và cả mình nữa…

Nàng cười, đưa tay lên che mắt. Bên ngoài cửa sổ, hoàng hôn mờ mờ vẫn còn cháy đỏ, mãi không sao tắt được.
Kim Ân dịch      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét