Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Dậy Thì Chúc Xuân!


                                                                                                    Vũ Trọng Nghĩa
Gần đây, trong dân gian, giữa các bậc cao niên lưu truyền một “Bí Kíp Sống Zai” qua mấy vần thơ “Siêu Nạc Quan Ю Đời”:
“Sáu mươi là tuổi dậy thì!
Bảy mươi là tuổi để đi vào đời!
Tám mươi mới biết ăn chơi!
Chín mươi mới đủ tơi bời gió sương!”.
Xuân Mới đang về, Nghĩa tôi mạo muội có “đôi nhời còmm” mời các Bạn N67 cùng nghe chơi vui:
Mới đầu 6, sao dám nói Già?
Cái dáng, cái vẻ vẫn còn là thanh niên!
Giàu Sang Danh Vọng đã hết phiền,
Vui cùng con cháu, sống Tiên giữa Trần.
Đầu năm lên núi chơi xuân,
Giữa năm xuống biển, nay gần mai xa,
Trời Á, Âu…đang vẫy chờ ta!
Còn đi được, còn chơi được, thì ta cứ mần!
Nhưng chớ quên “túc tắc c_ái ch_ân”!
(Nhắc “khoản ấy” nhớ đỉnh xuân năm nào,
Đỉnh xuân mới sưng làm sao!
Hoa thì thơm, Trái thì ngọt, Nhựa thì trào thỏa thuê!)
Mơ màng… rạo rực… đê mê…
Bỗng nghe tiếng cháu hát kề bên tai:
“Bà ơi bà!, cháu yêu bà nắm…
……………………………………”
Hả hê bà ngắm, bà cười:
Bây chừCại sượng trên đời là cại ni!”
Cháu con xúm xít, đề huề,
Rảnh ra, tụ hội bạn bè vui chơi:
Гулять, пировать, болтать, напевать, хохотать đã đời!
(Bát phố, nhậu, tám, hát, cười!)*bản dịch chính chủ
Thoải cái con gà mái”, thảnh thơi, xá gì!
                    Sáu mươi là tuổi dậy thì,
                      Bảy mươi là tuổi đ đi vào đời,
                      Tám mươi mới biết ăn chơi!”
Thấy chưa? Đầu 6 còn sơi mới già!
Bởi cháu cho lên chức Ông Bà
Chứ ngoài kia khối bé còn ỡm à “kìa…anh!”
Bồng bềnh… bảng lảng… mây xanh!
Giật mình, cháu giục “Nhanh nhanh! Ông à!”
……………………………………
Kìa, Nhâm Thìn đã sắp qua,
Hãy nói không với chữGià”, Bạn nghe!
Quý Tỵ Xuân Mới đang về,
Nhớ: Đầu 6 - Tuổi cập kê, dậy thì!
Nào cùng nâng cốc, cụng ly
Chúc Xuân Quý Tỵ 
muốn gì được nuôn !!!
thích gì nàm nuôn !!!
..…… gì ….. nuôn !!!
                                                                   Hà Nội, tháng 12 năm 2012
Và để thích gì nàm nuôn, bạn Nghĩa đã thử:





Bi Bi các bạn nha ! Tôi đi dự tuyển tiếp viên đây. Mấy ông to con ngon zai như  Bốn, Toàn, Bằng, Huy, Lũy, Bản… đi tuyển cùng tôi nào !
 

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Tài năng Ucraina và Trung Quốc 2011

1. Tài năng Ucraina:
Kseniya Simonova, 24 tuổi, vẽ bằng cát trên mặt kính, mô tả một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc và thân phận con người, với chủ đề “Mãi mãi bên nhau”.
Kseniya Simonova - Mãi mãi bên nhau


Đây là buổi biếu diễn chung kết Superfinal Ukraine's got Talent với chủ đề “Не опоздайте!' (Đừng đến muộn):






2. Tài năng Trung Quốc:

Vũ điệu ‘Tay trong tay” do Ma Li (Mã Lệ) 33 tuổi và Zhai Xiao Wei (Trại Hiếu Vĩ) 25 tuổi trình bày, cả hai đến từ tỉnh Hà Nam,  Mã Lệ mất tay phải vì tai nạn giao thông năm 19 tuổi, Trại Hiếu Vĩ mất chân trái từ nhỏ, là vận động viên khuyết tật. Tiết mục này được khán giả bình chọn nhiều nhất và đoạt huy chương bạc trong cuộc thi nhảy múa của CCTV quy tụ hơn 7000 người thi, phần lớn là diễn viên chuyên nghiệp và lành lặn.
Đây là tiết mục biểu diễn của họ trong “China got talent”:
"Tay trong tay" tại "China got talent"


Xin giới thiệu một số tài năng xuất sắc trong chương trình “got talent” của các nước tại địa chỉ sau:
Một số tài năng trong “got talent” của các nước

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Lá thư của Thày 43 năm trước

Anh Thơ, 30-4-2012

Kỳ nghỉ lễ kéo dài mấy ngày liền. Ông chồng vi vu tận phương trời nào. Con trai cùng bạn gái (có thể coi là vợ vì đã đăng ký và chụp ảnh cưới ) thì đi nghỉ tại một resort ở Sơn Tây. Mình chẳng đi đâu, ở nhà làm Osin, giặt giũ cất dọn đồ mùa Đông và dọn dẹp sách vở. Thật hay tìm lại được lá thư của thầy giáo cũ vô cùng kính yêu thời đại học của mình là thầy Lê Đức Mẫn. Đọc lại vẫn cảm thấy xao xuyến bồi hồi nhớ lại một thời thật đẹp, vật chất nghèo khó chẳng có gì nhưng đầy ắp cuộc sống tinh thần giàu có phong phú đáng trân trọng. Lá thư của thầy là một minh chứng. Một vài điều trong bài phát biểu của thầy có thể không còn hợp thời lắm nhưng đọng lại là tấm lòng người thầy luôn tâm huyết với trò. Cái mình có được ngày nay, một cô giáo luôn được trò yêu mến kính trọng chính là chịu ảnh hưởng từ thầy rất nhiều. Đăng lại bức thư của thầy như một lời tri ân sâu sắc tới người thầy yêu quý mà suốt đời em vẫn là cô trò nhỏ chỉ biết ngưỡng mộ thầy.

Cáp Thủy 22.11.1969
Anh Thơ thân!
Nhận được thư của Anh Thơ hơi muộn nghĩa là sau ngày lễ hai ngày, song điều ấy cũng làm tôi hết sức xúc động bởi một lẽ đương nhiên là chúng ta đã làm việc với nhau nhiều, hiểu nhau và các đồng chí đã nhớ tới tôi. Trước hết cho tôi gửi tới Anh Thơ lời chúc sức khỏe, tiến bộ và hạnh phúc  (không biết chúc thế là sớm hay đã là muộn mặc dù tôi đã cố dùng chữ hạnh phúc ở nghĩa rộng nhất), sau nữa nhờ Anh Thơ chuyển đến các đ/c phụ trách lớp và chi đoàn, các đ/c trong tốp ca nữ cùng toàn thể anh chị em trong lớp lời chúc mừng nhiệt thành nhất. Rất cám ơn Anh Thơ đã lo cho tôi nhiều mặt trong đó có vấn đề sức khỏe. Tôi cũng thấy như vậy và hứa với các đ/c sẽ rèn luyện đều về các mặt.
Năm nay làm việc với anh chị em sinh viên mới, lúc nào tôi cũng nhớ những ngày đã qua, một tình cảm thật sự sâu sắc gắn bó tôi với tất cả các đồng chí, chỉ tiếc rằng khả năng tôi không cho phép theo các đồng chí đến cùng, rồi những công việc hàng ngày kéo tôi vào những suy nghĩ gián đoạn, lẻ tẻ không cho phép để tâm đến tất cả mọi chuyện được. Năm nay tôi chủ nhiệm lớp ba, Học và Vĩnh học tốt hơn trước nhiều, lớp vui và văn nghệ tạm được. Tôi chuyển sang dạy dịch cũng tìm thấy những cái vui riêng, cái vui âm thầm  của những phát hiện nho nhỏ. Tôi vẫn cố gắng học tập, mong mỏi sau này không thua kém các đồng chí nhiều quá.
Hôm kia nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo, Ban Giám hiệu có bảo tôi phát biểu. Tôi cũng viết ra mấy dòng ôn lại những suy nghĩ và thu lượm của mình mấy năm vừa qua. Tiện đây tôi ghi lại nguyên vẹn, âu cũng là một cách tâm sự. Anh Thơ cùng các bạn, nhất là các bạn trong tốp ca nữ, chịu khó đọc tạm vậy, và nếu rỗi rãi thì cho tôi biết suy nghĩ của mình nhé. Tôi muốn hiểu các đồng chí nhiều hơn để từ đó có những suy nghĩ đúng đắn hơn nữa (tôi ghi lại nguyên văn vì muốn giữ lại không khí của một ngày lễ.)

Kính thưa Ban Giám hiệu nhà trường.
Thưa các đồng chí cán bộ công nhân viên các phòng.
Thưa các đ/c đồng nghiệp hôm nay và tương lai của tôi.
Cách đây hai hôm khi dự cuộc họp cho đợt học chính trị của các đ/c sinh viên, đ/c Luân, phụ trách phòng chính trị, hỏi tôi:"Sắp đến ngày 20.11 đ/c nghĩ gì?" Tôi đã trả lời:"Mỗi năm đến ngày ấy mỗi giáo viên chúng tôi lại tự soi lại mình một lần, tự lấy danh hiệu người giáo viên nhân dân đánh giá xem mình còn những mặt gì thiếu sót để làm sao khỏi cảm thấy hổ thẹn, để khỏi vì mình làm xấu xa ý nghĩa của một ngày rất đẹp, để cho một đôi người có thể nói :" Đó không phải là ngày quốc tế các nhà giáo mà là ngày quốc táo các nhà dế." Đ/c hỏi thêm:"Thế đồng chí đã có mấy ngày 20.11 rồi?" Tôi bảo được bốn. Đồng chí bảo tôi rằng suy nghĩ như thế là đúng và gọi tôi là người giáo viên trẻ tuổi.
Tôi dẫn ra cuộc hội thoại ngắn ngủi này chỉ cốt làm mở đề cho một nội dung tiếp theo: Suy nghĩ về ngày 20.11 của một giáo viên trẻ tuổi. Trước khi vào thân bài cho phép tôi được gửi tới các đ/c đồng nghiệp đi trước tôi, đang đi cùng tôi hoặc sắp đi cùng tôi lời chào mừng biết ơn, lời chào thi đua và lời chúc mừng hứa hẹn nhất, xin gửi tới BGH, các đ/c đại biểu các phòng lời chào thi đua và quyết thắng.
Thưa các đồng chí!
Nếu như không vì yêu cầu nghiêm ngặt của một nhà trường sư phạm thì tôi đã đề nghị các đ/c sinh viên gọi tôi bằng một từ đơn giản hơn là "Anh". Trong tiếng Việt Nam chúng ta tiếng "thầy" vốn là một  từ xưng hô dùng để gọi người sinh ra mình, những lãnh tụ xuất sắc cũng được gọi bằng từ đẹp đẽ đó "người thầy của cách mạng". Trong nhiều câu tục ngữ ca dao viết về thầy giáo, các bạn trẻ của tôi thích nhất câu:
                                  Muốn sang thì bắc cầu Kiều
                                     Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Tôi không muốn dừng lại xem chủ ngữ của những động từ "bắc cầu" và "yêu" là ai, tôi muốn các bạn chú ý: chữ thầy ở đây đặt ở cuối câu như một cái gì chắt chiu nhất mà người ta dành cụm từ lúc bắt đầu nói và không thể có một từ nào khác tiếp theo nữa.
Sau bốn năm làm nghề dạy học bây giờ nhắc đến cái danh từ mà người ta đã dành cho mình tôi vẫn cảm thấy bâng khuâng, vẫn thấy có phần nào hổ thẹn, vẫn thấy mình chưa xứng đáng được gọi như vậy.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi về nghề nghiệp của mình là thấy công việc ấy khó khăn quá, đẹp đẽ quá mà tầm vóc của mình hạn chế quá. Nếu như các đ/c sinh viên cho phép tôi được gọi các đ/c bằng "em" (tôi chưa một lần nào dám gọi như vậy) thì tôi tự nghĩ thế này: Các em đến với tôi như những tia nắng, hãy biến tâm hồn mình thành một kính hội tụ thâu đón các em để từ đó tỏa ra sức nóng cho cuộc sống. Nếu các em đến với tôi như những cánh chim bồ câu thì hãy biến mình thành một khuôn cửa sổ cho các em dừng chân để từ đó nhìn thấy màu xanh bát ngát của nền trời, còn các em có lớn lên phần nào trong tôi như những mầm cây thì tôi chỉ dám nhận phần mình như một mảnh vườn ươm, chỉ dám cung cấp cho các em một phần nào chất sống và nước uống để từ đó các em đón lấy chất diệp lục xanh rờn và hơi nóng của cuộc đời xung quanh. Kính hội tụ càng lớn bao nhiêu thì sức nóng tỏa ra càng nóng bấy nhiêu, khuôn cửa sổ càng lớn bao nhiêu thì nền trời xanh càng rộng bấy nhiêu và mảnh vườn ươm càng tươi tốt bao nhiêu thì những mầm cây càng bụ bẫm bấy nhiêu. Cái khó của người giáo viên là làm sao tầm vóc của mình ngày càng phải cao hơn, lớn hơn, nghĩa là con mắt phải nhìn được xa hơn, rộng hơn, tâm hồn phải phong phú hơn, tươi mát hơn. Nói khác đi, người giáo viên phải đứng vừa tầm với tấm bảng đen mà người ta đã treo cao cho các em ngước mắt nhìn lên, phải ngồi vừa tầm với chiếc bục gỗ mà người ta đã kê cao để không bao giờ anh bị khuất bóng.
Ngày xưa người ta ví nghề dạy học như nghề đưa đò, xin nói thêm, đưa đò cho các em đi tới chân trời của chủ nghĩa cộng sản. Các em có thể nhớ tới chúng tôi, có thể quên chúng tôi; nếu nhớ thì chúng ta là những người bạn đồng hành với nhau, nếu quên thì các em hãy coi chúng tôi như những người gặp gỡ chốc lát và chúng tôi đã chỉ cho các em vào một buổi sớm mai con đường đi về phía Đông nơi có Mặt Trời lên.
Nhiệm vụ của người giáo viên không chỉ là giảng dạy, người giáo viên là người sáng tạo những bản tính mới. Găm- da- tốp, nhà thơ và nhà văn lớn Xô-viết, đã kể về ông thầy của mình là A-bu-ta-líp như sau: Một hôm Găm-da-tốp rút hộp thuốc lá mời A-bu-ta-líp. A-bu-ta-líp lặng thinh rút ra một gói thuốc lá vụn và kiên nhẫn quấn. Lát sau ông bảo Găm-da-tốp rằng: Mỗi điếu thuốc của ta có một bộ mặt, ta đã tạo ra chúng từ những mảnh vụn tưởng như không dùng được, còn anh, anh cứ đi tìm hứng thú trong những điếu thuốc bằng sợi dài mà người ta làm ra bằng máy, điếu nào cũng như điếu nào cả.
Về phía sinh viên, chúng tôi mong các em lớn lên như một vườn cây trăm ngàn hương sắc, còn chúng tôi, chúng tôi sẽ cố gắng làm những A-bu-ta-líp Việt nam, những người thợ thủ công chăm chút đẽo gọt những tâm hồn.
Trong tiếng Nga có một câu tục ngữ : Truzaia dusa - patriômki nghĩa là tâm hồn của người khác là một khoảng tối, người kỹ sư tâm hồn là người suốt đời mầy mò trong những khoảng tối để tìm ra ánh sáng và tập trung những ánh sáng ấy chiếu vào cuộc đời. Tâm hồn con người cũng như các sản phẩm vật chất khác, nó không chịu được sự trống rỗng. Nếu ta không giáo dục những tính cách cao cả: lòng yêu Tổ quốc, yêu lao động, yêu của công thì thế nào nó cũng chứa đầy những lòng ích kỷ, lừa dối và xa đọa. Nếu ở đó không phải là cái cao cả thì chỉ có thể là cái hèn hạ, không phải là cái thiện thì chỉ có thể là cái ác, không phải là cái cộng sản chủ nghĩa thì chỉ còn là cái tư bản chủ nghĩa.
Dĩ nhiên, công việc giáo dục không chỉ là việc riêng của người giáo viên, song xã hội đã trao cả tuổi thiếu niên và thanh niên cho nhà trường thì người giáo viên cũng phải gắng sức rèn luyện cho mình  có một phẩm chất đạo đức vững chãi của người cách mạng , một lòng say mê không cùng của nhà thơ và tấm lòng vị tha vốn là bản chất của người mẹ để gánh vác trách nhiệm đó.
Hôm nay nói ra những điều này tôi chỉ dám nói rằng còn lâu chúng tôi mới đạt đến lý tưởng ấy. Song dám nói ra cũng là một điều tốt.
Công việc giáo dục quả là một công việc tỉ mỉ và không dễ ai đã nhìn thấy. Đôi khi trong những câu chuyện với bạn bè ta tự bắt gặp ta muốn nói những điều mà thầy giáo đã nói, trong cách xử thế hàng ngày ta cũng muốn ăn ở như thầy giáo đã làm. Chế lan Viên khi bàn về công việc của những nhà văn Miền Nam đã viết: Phải thấy được ánh đèn dầu hỏa trong hầm sâu dọi vào từng trang giấy viết mới thấy cái ấm nóng của ánh sáng hắt từ mỗi trang giấy ấy vào tâm hồn ta. Tôi cho rằng Chế Lan Viên đã viết về cả nhà giáo.
Nguyễn Tuân cũng viết một ý tương tự: Một hạt cát lọt vào miệng con chai, con chai đã làm một việc gian khổ ghê gớm không ai nhìn thấy: ngày đêm tiết ra một chất dịch bao lấy hạt cát cho khỏi sát lòng để rồi cuối cùng tạo ra một viên ngọc. Các đ/c sinh viên không phải là những hạt cát làm sót lòng chúng tôi đâu, song chất dịch ấy chính là tấm lòng của người giáo viên và công việc vô cùng gian khổ không ai nhìn thấy để tạo thành những viên ngọc kia chính là công việc giáo dục.
Tôi xin nói sang công việc thứ hai của chúng tôi, công việc giảng dạy.
Vấn đề đặt ra để chúng ta suy nghĩ là nhà trường không phải là nơi truyền đạt toàn bộ kho kiến thức của loài người để lại. Vốn kiến thức này vô cùng rộng lớn mà người s/v sau khi tốt nghiệp còn phải để dành toàn bộ cuộc đời mai sau cho việc nghiên cứu và xử dụng. Nhà trường chỉ là nơi dạy các s/v biết đứng vững và biết đi tìm.
Năm ngoái khi trao đổi với các s/v tôi đã phát biểu một ý:  Một giọt nước muốn đổ vào biển cả nó phải đi qua một chặng đường muôn vàn khó khăn, từ những dốc núi heo hút qua những lòng suối trắc trở, suối đổ vào những nhánh sông nhỏ, sông nhỏ đổ vào sông lớn, trăm con sông lớn đổ vào lòng biển cả. Kiến thức là những giọt nước ấy và con đường nước chảy là con đường đi đến đại dương trí tuệ. Người giáo viên giỏi là người biết động viên học sinh của mình chắt chiu những mảnh kiến thức ấy, thâu tóm chúng lại thành một đại dương, chỉ có đại dương mới phản ánh được một bầu trời, chỉ có đại dương mới là nơi tung bay của những đàn hải âu và những cơn bão táp. Chủ nghĩa Mác Lê nin phải chăng là một thí dụ về những giọt nước và biển cả.
Mỗi người sinh viên sau này sẽ có một chân trời riêng. Nhiệm vụ của người giáo viên là biết động viên các em tiến lên không mỏi gối. Ngày hôm nay chân trời ấy còn chìm sau những dãy núi lớn. Kẻ nào trèo được cao chân trời sẽ hiện ra thành một đường thẳng, kẻ nào trèo thấp chân trời chỉ là một đoạn thẳng nối hai đầu của một thung lũng. Hãy mạnh bước đi lên. Dĩ nhiên chân trời là một khái niệm tương đối vì khi ta đến gần thì nó lùi ra xa, người giáo viên giỏi là người biết tổ chức cuộc chạy tiếp sức về hướng chân trời khoa học. Các đ/c sinh viên ngồi đây là những người thầy giáo ngày mai và vì thế trong lĩnh vực giáo dục chúng ta cũng đang chạy tiếp sức cho nhau, trước mặt chúng tôi là những người thầy, người anh đang trên đường băng, sau chúng tôi là các đồng chí, mong rằng chúng tôi sẽ theo kịp những người đi trước và các đ/c sẽ vượt chúng tôi.
Muốn đi đường xa phải có gậy chống. Gậy của chúng ta là sách vở. Đồng chí Trần Việt Phương khi bàn về người cộng sản có nói: Tiêu chuẩn của người cộng sản có hai mặt: vật chất và tinh thần. Về vật chất, người cộng sản lấy mức sống của người dân bình thường làm mức sống cho mình. Về tinh thần, người cộng sản đòi hỏi được hưởng thụ tuyệt đối nghĩa là được đọc sách và suy nghĩ.
Đồng chí Phúc, hiệu phó, khi bàn về học tập chính trị có nói : Điều báo động cho trường chúng ta là anh chị em sinh viên ít đọc sách thư viện, nữ sinh viên lại hầu như không có.
Trách nhiệm của giáo viên chúng tôi là không những biết giảng bài mà còn phải biết gợi ý để các đ/c sinh viên biết tự tìm lấy những cây gậy chống chắc chắn, hợp với tay cầm của mình trên con đường xa. Nói như Ghéc-xen, nhà tư tưởng dân chủ Nga thế kỷ 19:"Sách là lời di chúc tinh thần của thế hệ này truyền cho thế hệ khác, là lời của người già hấp hối khuyên người thanh niên mới bước vào cuộc đời, là mệnh lệnh của người lính gác về nghỉ trao cho người lính gác thay chỗ."
Đồng chí Luân, phụ trách phòng chính trị, có nói:" Chúng ta đang đi sau thế giới 300 năm về khoa học kỹ thuật". Đã đến lúc chúng ta cùng nhau đi những đôi hài ngàn dặm đón đầu khoa học. Tất nhiên chúng ta không được phép coi khinh quá khứ. Nếu chúng ta bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã đại bác vào chúng ta. Điều ấy đã là hiển nhiên.
Song trách nhiệm của nhà giáo còn ở chỗ biết hướng dẫn anh chị em sinh viên đem những kiến thức ấy phục vụ thực tế xã hội. Một con đại bàng không cất cánh bay cao thì không phải là đại bàng, song con đại bàng không hạ cánh xuống mặt đất thì lại càng không phải là đại bàng nữa. Chúng tôi mong sao có nhiều đại bàng khoa học cất cánh bay lên để rồi sải tấm cánh lớn của mình xuống thăm những cánh bèo hoa dâu nhỏ bé trên những cánh đồng Việt nam hôm nay chưa phải là giàu có.
Thưa các đồng chí.
Tôi đã trình bầy những suy nghĩ của mình về công tác giáo dục và giảng dạy của người giáo viên trẻ. Lẽ ra tôi còn phải nói thêm về công tác ngoại ngữ, song hôm nay ngày hội của tất cả giáo viên các môn. Nếu xét về phương diện ngôn ngữ thì xin cho phép tôi trích ra một điều trong cuốn sách "Đaghétxtan của tôi" : Người ta chỉ cần hai năm để học nói nhưng cần tới 60 năm để học giữ miệng". Từ nãy tôi đã nói quá lời, bây giờ tôi xin nghe lời khuyên của anh Việt Phương:" Kẻ biết sống là kẻ biết chết cho đúng lúc". Tôi đã hết lời của tôi. Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe và tiến bộ.
                                                                                                                                                                                                                                   Ngày 20.11.1969.

Thôi tôi không phải nói thêm gì nữa nhé. Chờ thư của Anh Thơ và tất cả các đồng chí. Nhờ Anh Thơ chuyển giúp thư này cho anh Ủy nhé.
                                                                                                      Thân.
                                                                                                Lê Đức Mẫn


Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Thông báo tin vui

Thứ Năm ngày 12 tháng 7 năm 2012 tức ngày 24 tháng Năm năm Nhâm Thìn, lúc 11 giờ, bạn Ngô Anh Thơ cưới vợ cho con trai tại Khách sạn Quốc tế Asean số 8 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội.
Trân trọng kính mời bạn bè khóa Nga văn 67 đến dự.
 Xin cảm ơn.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Một số bài thơ của Thày Lê Đức Mẫn gửi tặng các bạn cựu sinh viên Khoa Nga


               TÌNH BẠN

Ba lăm năm trước tự nhiên đến đây,
Tự nhiên gặp nhau, nhìn nhau lạ hoắc.
Lạ nhau áo quần, lạ nhau nét mặt,
Lần đầu rụt rè hỏi nhau cái tên.
          Thày giáo bước vào, cả lớp đứng lên.
          Thày cũng hiền thôi, … thế mà … cứ tưởng…
          Bài học cũng hay, … thế mà … cứ tưởng…
          Biết bao chuyện đời … cứ tưởng … hóa ra…
Thời gian âm thầm, ngày qua… ngày qua…
Một dạo “anh-tôi”, một thời “cậu-tớ”,
Lúc vui “mày-tao”, lúc đùa “chồng-vợ”,
Tưởng đùa thế thôi,… ngờ đâu… ngờ đâu…
          Suốt ngày miệt mài… từ… ngữ… cú… câu…
          Suốt ngày dịch xuôi, suốt ngày dịch ngược,
          Suốt ngày văn chương, nói… nghe… viết… đọc…
          Biết bao nhiêu ngày quên nghĩ đến nhau.
Khóa học trôi vèo, còn đâu… còn đâu…
Xa bạn, xa thày đã là sự thật.
Bỗng nhiên ngộ ra: cái còn… cái mất…
Tình bạn là gì – bỗng nhiên ngộ ra.
          Ba lăm năm rồi, nửa đời trôi qua,
Nay lại gặp nhau, ngờ ngợ… ngờ ngợ…
Vẫn tếu như xưa “mày-tao”, “chồng-vợ”,
Nhìn lên tóc nhau – nghèn nghẹn đầu môi.
Tình bạn hóa ra… là anh… là tôi,
Là một phần thương kèm thêm chút nhớ,
Là nơi không còn tiền tài, địa vị,
Là nơi chỉ còn “chồng-vợ”, “mày-tao”.
                                                Tặng các em sinh viên Khoa Nga N 67
                                                             LÊ ĐỨC MẪN
                                                                   III/2002

MỪNG TẾT HỌC TRÒ

Tết Giáp Thân này rét dài, rét đậm,
Các em đến thăm, thày cảm động vô cùng.
Thày thì vụng về, các em thì đông,
Chỉ có ấm trà và khay bánh mứt.
Ta nâng chén trà thay cho lời chúc,
Nhớ thơ xưa “bình minh nhất trản trà”,
Thày chúc các em “lương y bất đáo gia”.
Ta hiểu nhau trong hương trà ngào ngạt.
Bây giờ thày mời các em ăn mứt,
Hãy cứ tự nhiên như ở nhà thôi.
Món mứt đầu tiên thày muốn đem mời,
Thơm thảo tình quê gọi là “long nhãn”.
Thày chúc các em mắt càng thêm sáng,
Như mắt rồng để có “trí nhân” cao.
Lời Nguyễn Trãi hô “thay cường bạo” thuở nào,
Chuyện đức độ chớ bao giờ quên nhé.
Món thứ hai chẳng có gì mới mẻ -
Món “mứt sen” đằm thắm vị quê hương.
Thày nhắc các em câu chuyện “gần bùn
Chuyện trong sạch chắc em nào cũng nhớ.
          Món thứ ba mời giữa ngày lạnh giá –
Món “mứt gừng” nóng rát cả toàn thân.
Hãy đừng quên cả “muối mặn” phàm trần,
Chuyện chung thủy đâu phải là chuyện nhỏ.
Món “hạt dẻ cười” nhà nào cũng có
Là món thứ tư thày tiếp các em.
Dễ dàng thôi, một nụ cười duyên
Cho cuộc đời này sức xuân dào dạt.
          Thày không mời các em ăn kẹo ngọt.
          Chuyện “mật mỡ” xưa cụ Trạng dạy rồi.
          Thày kiệm lời chỉ nói vậy mà thôi.
          Ta lại nhấp chén trà chúc thọ.
Thôi, các em về, kẻo mưa dầm, rét đổ.
Cho thày gửi lời thăm tới mẹ cha.
Lúc nào buồn vui hãy nhớ chén trà,
Nhớ mấy món sơ sài nhân dịp Tết.
                             LÊ ĐỨC MẪN
                             30-01-2004

MÓN QUÀ ĐẦU XUÂN

Xin tặng mọi người một câu chuyện nhỏ:
Một người sớm mai mỉm cười trước gương.
Trời bỗng thêm xanh, bạn bè thêm thương.
Một nụ cười – mười thang thuốc bổ.

Sách xưa dạy rằng lo âu là khổ,
Quẳng gánh lo đi vui cuộc đời này.
Hãy cười trước gương vào lúc sớm mai,
Một nụ cười – mười thang thuốc bổ.

Có ai không qua cuộc đời dâu bể,
Yêu khổ đường yêu, tài khổ đường tài.
Hãy cười trước gương vào lúc sớm mai.
Một nụ cười – mười thang thuốc bổ.

Ai chẳng qua cầu trở trời, trở gió,
Mải chuyện làm ăn, tóc đã thôi đen.
Buổi sáng soi gương và hãy cười lên.
Một nụ cười – mười thang thuốc bổ.

Người xưa dạy: cười với đời trước đã,
Rồi cuộc đời cười lại với ta sau.
Buổi sáng soi gương hãy tập cười lâu.
Một nụ cười – mười thang thuốc bổ.

Món quà của tôi – một trang giấy nhỏ,
Gửi tặng mọi người nhân dịp đầu xuân.
Xin tâm sự rằng sáng nay trước gương
Tôi đã uống xong mười thang thuốc bổ.
                                        LÊ ĐỨC MẪN                   
                                        01-01- 2004

НОВОГОДНИЙ ПОДАРОК

Это мой подарок всем – рассказ похвал достойный:
Человек однажды утром перед зеркалом стал улыбаться лишь один.
Вдруг заметил он, что небо синее и мир спокойный.
Понял он: улыбка – самый лучший витамин.

Всем из книг уж видно, что раздумья – настоящее несчастье.
Выплесните чашу полную страданий. Это худшая из всех картин.
Улыбайтесь перед зеркалом, сказав, что счастье
В том, что поняли: улыбка – самый лучший витамин.

Кто же не испытывал падения и взлеты жизни.
Этому любовь, талант – страшнейшая из всех причин.
Улыбайтесь утром перед зеркалом, об этой забывайте неприязни.
 Помните: улыбка – самый лучший витамин.

Кто же не страдал от прихоти природы.
Год от года и терял он силы и грустил от появления седин.
Улыбайтесь утром перед зеркалом и говорите, чтобы
Все узнали, что улыбка – самый лучший витамин.

Нас отцы и братья учат так: улыбнись жизни прежде.
Жизнь улыбнется тебе, лишит тебя морщин.
Улыбайтесь утром перед зеркалом, держитесь вы в надежде,
Что все будет славно, ведь улыбка – самый лучший витамин.

Ну, подарок от меня – так малая страница со стихами.
Вы, пожалуйста, примите как мой самый искренний привет.
Говорю, что утром перед зеркалом сегодня, между нами,
Принял я доз десять витамина. Колебания, конечно, нет.

          Стихи и перевод на русский ЛЕ ДЫК МАНА

EM CÒN NHỚ HAY EM ĐÃ QUÊN
(nhạc và lời Trịnh Công Sơn, nhớ về Sài Gòn.
 Tôi viết lời Nga đ hát chơi)

Ты помни, не забывай
Наш Сайгон в летние дни.
Те улицы не забывай,
Где всю ночь деревья спят,
По вечерам идут дожди.

Ты помни, не забывай,
Наш сосед заходит к нам,
Приглашая нас на чай.
Ты его не забывай.

Ты от нас уж далеко.
Знаешь ты, как тяжело.
Мы тебя помним всегда,
И разлука нам горька.
                   Русские слова ЛЕ ДЫК МАНА

HÓA THÂN
 (Quảng Nam Online)
Thứ sáu, 28 Tháng 11 2008 20:47

                 Hóa thân
Thày kể em nghe câu chuyện mặt trời
Cái nắng theo mưa hóa thành cây cối
Nụ cây âm thầm nghe ong bướm gọi
Một buổi mai hồng tự biến thành hoa.
Thày kể em nghe câu chuyện con suối xa
Cứ ôm ấp nước hóa thành sông biếc
Sông ôm bầu trời hóa thân thành biển
Nghe gió vỗ về biển hóa ra mây.
Thày kể em nghe câu chuyện của thày
Ngọn đèn xuyên đêm hóa thành giáo án
Viên phấn trở mình hóa ra bài giảng
Quyển sách sang trang thành ngôi sao xanh.
Có người ra đi hóa thành con tem
Các em hóa thân thành ra đất nước
Thày cũng hóa thân mỗi giờ mỗi phút
Thành một phần tâm thức của từng em.
                  LÊ ĐỨC MẪN
Ngân vang trong một âm điệu trữ tình, Hóa thân của Lê Đức Mẫn là bài thơ về người thày giáo và nghề dạy học với tất cả tình cảm và sứ mệnh cao đẹp. thày kể em nghe câu chuyện..., câu thơ mở đầu như một lời tâm sự, đã chuẩn bị cho người đọc một cách cảm nhận bài thơ Hóa thân trong mối liên hệ với thực tiễn dạy và học của con người. Đạt tới các sắc thái tình cảm và ý nghĩa rất lớn của nhân cách và công việc của thày giáo được kể thật hàm súc, bài thơ Hóa thân gợi lên trong cảm thụ của người đọc niềm xúc động chân thật và sâu sắc.
Thầy kể em nghe câu chuyện mặt trời/ Cái nắng theo mưa hóa thành cây cối/ Nụ cây âm thầm nghe ong bướm gọi/ Một buổi mai hồng tự biến thành hoa.  Những tín hiệu tu từ được Lê Đức Mẫn sử dụng khá thành thục, giá trị hiệu dụng của sự nghiệp trồng người ấm sáng như ánh nắng mặt trời, tươi xanh như cây cối và đẹp như hoa lá. Với thủ pháp nghệ thuật này, Lê Đức Mẫn tiếp tục khắc họa phẩm chất đạo đức và năng lực sư phạm của người thày giáo: thày kể em nghe câu chuyện con suối xa/ Cứ ôm ấp nước hóa thành sông biếc/ Sông ôm bầu trời hóa thân thành biển/ Nghe gió vỗ về biển hóa ra mây. Một cách tự nhiên, trong sự thụ cảm của người đọc sáng dần lên ý nghĩ về quá trình khôn lớn, trưởng thành của bao nhiêu thế hệ học trò theo sự dạy dỗ, vun đắp tình cảm yêu thương của thầy, cô giáo. Lê Đức Mẫn đã dùng các động từ chỉ sắc thái tình cảm âu yếm của con người để xây dựng linh hồn của tứ thơ này - ôm, ôm ấp, vỗ về -  và điều thú vị hơn cả là ở đây, hình tượng người thày giáo ẩn trong sự hình thành của các thực thể tự nhiên nên có tầm vóc rộng lớn.
Trong những câu chuyện đang được Lê Đức Mẫn kể bằng thơ ấy, hình tượng người thày giáo tương ứng với khách thể thẩm mỹ và đã trở thành chủ thể thẩm mỹ của khổ thơ giàu âm điệu tình cảm xúc động: thày kể em nghe câu chuyện của thầy/ Ngọn đèn xuyên đêm hóa thành giáo án/ Viên phấn trở mình hóa ra bài giảng/ Quyển sách sang trang thành ngôi sao xanh. Sự hóa thân của người thày giáo bộc lộ thật rõ trong những câu thơ đi thẳng vào tâm hồn người đọc khá chân phương. Ở đây, hình tượng người thày giáo sáng lên trong ánh đèn soi trang giáo án, dưới ngôi sao xanh gom ánh sáng từ những trang sách dạy chữ, dạy làm người. Đặc biệt, viên phấn trở mình là một hình ảnh đẹp về sự truyền thụ kiến thức của người thày giáo đạt hiệu ứng nghệ thuật sâu xa là gợi lên tình cảm thánh thiện, trong đó có lòng biết ơn “Chữ tốt gieo trong người/ Nở ra đời bát ngát” (Hoài An).
...Các em hóa thân thành ra đất nước, sự chuyển tiếp bên trong của tình cảm mà người thày giáo dành cho học trò đã trao cho Lê Đức Mẫn phong cách sáng tác thiên về những ngữ nghĩa mang âm điệu trìu mến kết hợp với giọng thành thực tin tưởng, quý trọng. Trong mối liên hệ với mục đích sư phạm của người thày giáo, ý nghĩa rèn luyện của học sinh, Lê Đức Mẫn đã khái quát được giá trị cao quý nhất của mối quan hệ dạy và học. Đất nước - sự hóa thân đẹp nhất mà học trò có thể làm được sau bao nhiêu cố gắng tiếp thu và thực hành những điều thày giáo dạy bảo. Được hình thành dưới tác động của đối tượng sáng tác và tư liệu hiện thực là người thày giáo hối nhân bất quyện (dạy người không mệt mỏi), bài thơ Hóa thân là một tác phẩm thơ ca của niềm tin của người thày giáo đối với học trò của mình trong quá trình đào tạo, trong đời sống và trong tương lai của đất nước. Niềm tin ấy không ngoài hiện thực học trò sẽ trở thành những con người đem tài năng và đạo đức phục vụ nhân dân, xây dựng và đưa đất nước mình sánh vai cùng các quốc gia hùng cường trên thế giới. Góp tâm sức chuẩn bị cho sự hóa thân ấy của học trò, làm nên hiện thực ấy của đất nước, người thày giáo tận tụy vì nghĩa lớn là truyền đạt tri thức, uốn nắn nhân cách giúp học trò nên người có ích. Vì lẽ sống ấy, thày cũng hóa thân mỗi giờ mỗi phút/ Thành một phần tâm thức của từng em.
                                                       NGUYỄN BỘI NHIÊN
                                                 (xem trang mạng: Lê Đức Mẫn - Google)


LÊ THĂNG 258
Tâm trạng: Vui vẻ
Đăng ngày: 03:41 28-01-2010
Thư mục: Tổng hợp
Quan trọng
Nay xếp lại đống giấy tờ mới ngỡ ngàng thấy lại bài thơ của thày dạy tiếng Nga năm xưa. thày tên là Lê Đức Mẫn. thày trước đây nguyên là giám đốc của trung tâm dịch thuật và công chứng bên đại học ngoại ngữ. Bài thơ mình đọc nhiều lần rồi, càng đọc càng thấy xúc động về hình ảnh những người thày tâm huyết, hiểu trò, thương trò hết mực.
Êkip dạy tiếng Nga năm đầu tiên (gọi là năm dự bị) cho bọn mình tại ĐHGT Hà Nội bao gồm thày Ngọc Hùng (trước đây là phó hiệu trưởng trường đại học ngoại ngữ) Cô Thư (vợ thày Hùng) thày Vị (trước đây là trưởng khoa Nga đại học ngọai ngữ) và thày Lê Đức Mẫn.
Ngày trước ĐHGT (sau khi mời được các thày cô dạy) đã rất tự hào vị có thể mời được những người thày có uy tín hàng đầu về tiếng Nga trong nước như vậy. Các thày cô cũng đã từng đào tạo tiếng Nga cho các vị như TBT Nông Đức Mạnh khi ông sang Nga học. Hiện tại ai cũng tuổi cao lắm rồi.
Sắp về VN mình tự cảm thấy xấu hổ với các thày cô vì cho đến hiện tại tiếng Nga của mình vẫn kém quá. Các thày dạy đã có thương hiệu, duy chỉ có trò là lơ đễnh học hành.
Riêng về thày Mẫn là một người rất giỏi, ông không được đào tạo bài bản bên Nga nhưng nói và dịch tiếng Nga thì như người bản xứ. Ông là đồng tác giả dịch thuật cuốn Những người thích đùa đầu tiên tại VN (của Azit Nexin nhà văn Thổ Nhĩ Kì) chắc nhiều bạn đã đọc.
Mình chép lại toàn bộ bài thơ của thày Mẫn (có cả phần tiếng Nga nhưng mình chỉ đưa lên phần tiếng Việt). Bài này thày nói thày viết khi chia tay với sinh viên bên ĐHDL Phương Đông hay Đông Đô gì đó. Cũng là nỗi niềm chung đối với từng lớp sinh viên đã học qua thày:

THÀY TRÒ TÔI

Thày trò mình dắt nhau qua mấy mùa hoa:
Hoa dâu da ngỡ ngàng phơn phớt trắng
Tưởng dễ quên mà hương hoa thầm lặng.
Nhập hồn chua vào quả đến say lòng.

Rồi hoa trạng nguyên rực rỡ ngang đường,
Cái mũ trạng đỏ au phơ phất gọi.
Mùa thi đến, cả cuộc đời rực chói,
Cứ nôn nao náo nức khắp sân trường.

Ngẩng đầu lên, hoa phượng đỏ chang chang.
Cả khóa học cháy vèo trong sắc lửa.
Thế là hết chia tay là thế đó!
Hoa rụng rồi,sắc đỏ vẫn còn nguyên

Các em trong lòng thày, thày bên các em.
Hoa bằng lăng nở lúc nào không biết.
Nhắm mắt lại vẫn cái màu da diết,
Tím một chiều biền biệt lúc xa nhau

Cái Thắm ngồi bàn đầu, cái Ngọc cứ lau chau.
Cậu Hoàng Vân rụt rè không dám nói.
Vớ vẩn thế, mà giờ sao nhức nhối
Những Quỳnh, Quyên, Hằng, Phúc với .... vân vân...

Đã có một ngày thày giận các em,
Có lúc các em có điều để bụng,
Thôi xí xóa! Giận hờn thì cứ giận
Mà thương thì... trăm giận đổ ra sông

Gậy “Như ý” này của Tôn Ngộ Không
Dĩ bất biến ứng vào vạn biến.
Quê hương còn gian nan, cuộc đời còn lận đận,
Thày tặng mỗi em một chiếc để lên đường.

Thày cũng là người, cũng khóc, cũng buồn thương.
Thày xin các em vòng “Kim cô” thay mũ,
Để đau đáu cứ mỗi mùa hoa nở
Giữa sân trường lại ngó: “Các em ư?”.

Lê Đức Mẫn
20-06-2005
(Tôi tình cờ thấy bài này trên mạng. Tôi cóp lại và thêm bản tiếng Nga để bạn nào thích thì đọc chơi và góp ý cho tôi.)

РАССКАЗ ПРЕПОДАВАТЕЛЯ

Все четыре года мы цветов четыре рода замечали:
Беленькие зауза неприметные, чуть ароматные.
Их забыть легко ли? Нет, покоя нас те ягоды не дали,
Опьяняют душу как нельзя сильней, ведь кисловатые.

А цветение второе первый доктор, такова вот кличка.
Алые лепестки как будто манят всех вас тут как тут.
Время сессии экзаменов настало и студент как спичка.
Ясно, что волнение охватило весь институт.

Нет нет да и мы поднимем голову, цветы хоафыонгви видно.
Дни студенческие якобы сожглись дотла на их огне.
Это всë и это показало, наше расставанье близко,
Но цветы хоафыонгви опадают, красный цвет охран вполне.

Ну давай оглянемся, тогда мы друг от друга неразлучны,
Не заметили, что будет день, когда цветëт бангланг везде.
Хоть закрыв глаза, мы всë же видим лиловый знак разлуки,
Что напоминает о прощанья недалëком тихом дне.

Помнить буду Тхам за первой партой, Нгок, кто мило суетлива,
Вана, парня тихого, застенчивого пуще девушки.
Эх, пустяк какой, увы, теперь меня терзает торопливо,
Да ещë Куен, Куинь, Ханг, Фук и другие однокурсники.

Были дни, когда я почему-то вами недоволен.
Были дни, когда утаивали вы уныние своë.
Ну, давай со всем покончим. Разум наш к тому вполне способен.
В реку зло выплëкивать мы будем, чтобы было лишь добро.

Я хотел бы в день прощанья каждому из вас подарок сделать -
Палочку-всевыручалочку, как из легенд, волшебную.
О стране гораздо бедной и о жизни трудной надо думать,
Помогать народу ею и давать всем силу дивную.

Человек-то я земной, умею горевать и плакать тоже.
Я хотел бы получить от вас терновый дар-венец,
Чтобы мучиться всегдашней жгучей памятью о вас, похоже,
Во дворе нередко первых встречных спрашивать “не вы ль ко мне?“.

Перевëл ЛЕ ДЫК МАН


CÔ GIÁO TÔI
(tặng một cô giáo Nga)

Cô giáo ngồi đối diện với tôi,
Kể chuyện nước Nga những ngày trứng nước.
Ngoài đường tuyết bay gió hun hút buốt,
Ở trong này ấm êm.

Cô kể chuyện tháng Mười, kể chuyện chiến tranh,
Những binh đoàn xông lên, những người ngã xuống.
Chuyện cô kể là chuyện đời có thật,
Chuyện tôi nghe là chuyện thần tiên.

Sau lưng tôi là nước Nga đói rách, ưu phiền,
Là tiếng súng gầm lên quyết sống.
Trước mắt tôi một con người như nắng,
Giọng nói như chim.

Có gì ngỡ ngàng như thể khó tin,
Giữa giá rét năm xưa với căn phòng ấm cúng,
Giữa lửa đạn đầy trời với con người nhỏ nhắn,
Giữa khói pháo cay nồng với nước hoa thơm.

Tôi đến đây từ đất nước Việt Nam,
Nghe chuyện thế đêm về không ngủ được.
Cứ trăn trở cùng câu thơ thao thức:
"Như trong lòng bão tố có bình yên" (*)

(*) Thơ Lermontov

LÊ ĐỨC MẪN

МОЯ УЧИТЕЛЬНИЦА
(Посвящаю моей бывшей русской учительнице)

Предо мной моя учительница,
Сказывающая о прошедших днях тугих.
Во дворе метель, и колет вихрь как спица,
А в зале воздух всё блажен и тих.

Вот Октябрь, мол, вот и воин,
Вот войска в атаку, кто-то вот погиб.
Сказ её весь правда - всяким ценен,
То, что слушал я - вся сказка прошлых лет.

За моей спиной - Русь бедная, лихая,
Где снаряды грохотали за спокойный быт.
Предо мной - учительница обоятельная,
У кого красивый лик и голос, что и мёд.

Что со мной случилось? Нечто спутанное
Между колющим былым и ангельским лицом,
Между бомбами и залом преуютным. Что такое?
Между порохом и существом благим.

Я приехал из далёкого Вьетнама.
После встреч бессоница была густой.
Вся душа преполнена услады гама
Лермонтова - "Будто в бурях есть покой".

Перевёл на русский ЛЕ ДЫК МАН

CHÂN TRỤ

(Trận quyết đấu giữa Chelsea và M.U. tranh giải Cup C1 năm 2008 phải phân định bằng đá luân lưu.
Trời mưa. John Terry, đội trưởng Chelsea đã ngã, bóng đập xà ngang ra ngoài, dẫn đến thất bại của Chelsea).

Tôi ngồi xem trước màn hình.
John Terry cúi đầu chạy.
Tôi quát: - Này mưa to đấy!
Terry không ngoái đầu nghe.

Tôi nhìn bước chạy Terry
Nước tung lên hình bom nổ.
Tôi quát: - Này, sân trơn đó!
Tôi và Terry xa nhau.

Đầu lao tới, chân theo sau.
Kìa, chấm phạt đền trước mắt.
- Chân trụ đâu rồi? - Tôi quát.
John nào biết tôi là ai.

Mưa trên màn hình vẫn rơi.
Cỏ trên màn hình vẫn ướt.
- Hỏng rồi! Thế nào cũng trượt.
John đâu có nghe lời tôi.

Chân phải đã vung lên rồi.
Chân trái chưa tìm chỗ đứng.
Tiếng bình luận viên tức ngực:
- Terry ngã rồi! Terry…!

Bóng dội xà ngang bay ra.
Terry vẫn ngồi thảng thốt.
- Chân trụ hỏng rồi! - Tôi quát.
Dường như Terry có nghe.

Điều này tôi hơn Terry,
Biết chân trụ là chân trái.
Cái chân ngỡ là rất phải
Oai hùng, nhưng ra gì đâu.

Tóc tôi giờ bạc trên đầu,
Mới biết mình là chân phải.
Lặng lẽ vợ mình bên trái.
- Chân trụ đâu rồi, Terry?

LÊ ĐỨC MẪN
7/2008

BIỆT LY

“Biệt ly, nhớ nhung từ đây” (*)
Bài hát tưởng như hát cho người khác,
Trong lời ca có tiếng rơi xào xạc
Chiếc lá khô heo hút cuối mùa đông.

“Đưa người ta không đưa qua sông”, (**)
Cái nghĩa biệt ly bây giờ mới biết.
Câu thơ ấy cứ như là ta viết,
Khi bỗng nghe tiếng sóng ở trong lòng.

Trường cũ giờ này vẫn nắng dênh dang,
Chỉ có lớp học trò là đổi khác.
Các thày vẫn thế thôi, tóc thêm phần bạc,
Tiếng trống trường ngơ ngác vẫn như xưa.

Dường như có ai gọi trường trong mơ,
Cho người “Phương Đông” nhớ người tứ xứ.
Thôi đừng hỏi cho mắt già bớt ứa,
Biết đến hôm nao chúng nó mới thăm trường.

Rồi ta cũng phải quen với cuộc đời thường,
Phải quên vợi cả mình đi để sống.
Đàn rùa con quên cả bờ cát nắng,
Đại dương kia rồi, lạch bạch chúng ra đi.

Gà mẹ lại sinh một đàn gà ri,
Lại đá cầu trong sân, lại ăn quà giữa lớp.
Nhưng sợ lắm, có một ngày bất chợt,
Nao nao lòng người cũ nhớ người xưa.

Thôi, viết thế thôi, viết nữa là thừa.
Các em giữa hộ thày một kho sách vở.
Khi cần đến, gọi “Vừng ơi! Mở cửa!”
Chắc có thày thấp thoáng ở bên trong.

Thày giữ hộ các em kho kỷ niệm trong lòng,
Góc hy vọng màu xanh, góc tình yên sắc đỏ.
Rồi có lúc nhớ một ngày xưa cũ
Thày cũng gọi “Vừng ơi!” – chắc thấy các em về.

Tặng các em trường “Phương Đông” ngày ra trường.

----------
(*) Bài hát của Dzoãn Mẫn
(**) Thơ Thâm Tâm

LÊ ĐỨC MẪN
01 - 10 - 2002

TẤM BẰNG TỐT NGHIỆP

Tấm bằng này như đoạn đường bến sông,
Thày đưa em đến đây rồi em đi tiếp nữa.
Thày phải quay về thôi, lại chuyến đò dang dở.
Phía trước tấm bằng rộng mở cuộc đời em.

Tấm bằng này như cửa khải hoàn môn,
Phía đằng sau có mồ hôi và nước mắt.
Phía đằng trước nghe như là tiếng hát,
Gọi em hoài, hãy dấn bước đi lên.

Tấm bằng này là chiếc nhẫn tìm duyên,
Thày làm vốn cho em, em mưu cầu hạnh phúc.
Món quà nhỏ thôi, một tấm bìa vuông vức,
Như lòng thày vuông vức thế, nghe em!

Tấm bằng này chỉ viết có tên em.
Tên thày ở đằng sau không ai nhìn rõ chữ.
Cốt sao em nên người, còn thày thì khỏi sợ,
Hạnh phúc vốn lặng thầm, đâu lộ ở nơi tên.

Tấm bằng này là một lá bùa thiêng,
Thày làm phép cho em trước con đường vạn dặm.
Câu thần chú “xin vì đời…” thiêng lắm.
Phút băng ngàn, vượt mặn nhớ đem ra.

Tấm bằng này là khúc hát chia xa,
Thày đã hát một phần, phần sau em hát nốt.
Nhưng thôi em… dở dang mà lại tốt.
Ta lặng hát trong lòng, khúc hát sẽ theo ta.

LÊ ĐỨC MẪN

CÓ LÚC TÔI NHẦM

Dũng, Thúy, Ngọ, Vinh đâu, đâu những Long, Cư…
Đâu những người tôi quen, đã một thời duyên nợ.
Nhớ tự ngày xưa sân trường xao xác lá,
Nhớ ngày hè về ve lả những trưa say.

Tuổi học kèm tuổi yêu như gió kèm mây,
Các em vào trường, hành lang giăng tiếng hát.
Rồi tuổi làm ăn, tuổi vợ chồng bất chợt
Cuốc các em đi, cỏ dại lút sân trường.

Giờ các em đâu, ai xa, ai gần,
Đứa nào đông con, đứa nào lương thấp.
Cũng có em tôi nhìn còn nhớ mặt,
Có đứa đã chìm trong những chấm vân … vân…

Ấy thế mà có lúc cứ bâng khuâng,
Khi danh vọng, tiền tài vô nghĩa hết.
Lòng chỉ nặng mối tình đời da diết:
Các em càng xa, nỗi nhớ thêm gần.

Hóa ra ngày xưa có lúc tôi nhầm -
Nhất quỉ nhì ma - khổ ơi là khổ!
Giờ thèm lắm có một ngày xưa cũ,
Được ngồi cùng cái lũ … nhất … nhì … ba…

LÊ ĐỨC MẪN

CÂU ĐỐ MỘT VẦN

Đố câu đố gì, đố không phải đố.
Đố câu đố gì học trò phải nhớ.
Đố câu đố gì mẹ cha nhắc nhở.
Đố câu đố gì bạn bè khuyên nhủ.
Đố câu đố gì nếu quên là dở.
Đố câu đố gì có thày không đố.
Đố câu đố gì mới nghe không tỏ.
Đố câu đố gì càng già càng rõ.

Đố câu đố gì không đố mà đố.
Đố câu đố gì “giáng xong là đổ”.

LÊ ĐỨC MẪN
(không thày đố mày làm nên)

THIÊN ĐƯỜNG CỦA TÔI

Thiên đường này là bốn bức tường vôi,
Tấm bảng trên cao và ghế bàn trên bục.
Bình thường thôi, mấy ngọn đèn trắng đục,
Một dãy bàn dài ngay ngắn bên trong.

Tôi suốt đời ngồi đây cùng với tháng năm,
Cùng với các em, chúng ta là tất cả.
Không thề thốt, nhưng mà yên lặng quá,
Dưới ánh đèn trăm ánh mắt trầm tư.

Những cuốn sách dày ở giữa chúng ta.
Trang sách mở, những thiên thần đứng dậy.
Hào quang lung linh, sao mà trang trọng vậy,
Hương trầm bay ngào ngạt khắp nơi nơi.

Bỗng ào ào sấm sét và xối xả mưa rơi.
Ta thoát xác nơi đây. Đất trời tinh khiết quá!
Ta bay lên trong thiên đường trí tuệ,
Cả thiên hà chữ nghĩa ở xung quanh.

Ngày mai có em nào trong số các em
Từ thiên đường này lại bước vào trang sách.
Lại một lớp người xin vào đây thoát xác,
Lại ào ào sấm sét với mưa rơi.

Thiên đường này là bốn bức tường vôi.
Tôi ngồi đây suốt một đời lặng lẽ.
Bình thường thôi mà sao yêu đến thế
Tấm bảng … ngọn đèn … bàn ghế ở bên trong.

LÊ ĐỨC MẪN

CHUYỆN CON ONG

Có những ngày tôi thấy những con ong
Bay lạc đến đập đầu vào cánh cửa.
Rơi xuống đất lại bay lên lần nữa,
Lại đập đầu, rơi xuống, lại bay lên.

Ong qua đời trong miệng kiến bâu đen.
Không về tổ, sợ làm ô uế tổ,
Thiêng liêng quá là cuộc đời ong thợ -
Sống vì đời, đến chết vẫn quên.

Tôi cứ bận lòng những chuyện lăn tăn,
Cứ vướng víu những kiếp đời bé mọn,
Cứ đem kể cho học trò những chuyện
Chẳng ra gì, chẳng biết có ai nghe…

LÊ ĐỨC MẪN

CHUYỆN THƯỜNG THÔI

Muốn đi tìm cuốn sách ở trên cao,
Tôi phải ngước nhìn lên chút ít.
Chỉ vậy thôi. Giữa tầng cao chật hẹp
Cuốn sách cần đã hiện giữa tầm tay.

Lại cần thêm cuốn nữa. Tính sao đây?
Tôi phải kiễng chân lên chút đỉnh.
Cuốn sách náu như ông già thiền định
Bỗng trở mình rũ bụi bước ra luôn.

Lại vẫn cần một cuốn sách cao hơn.
Tôi lại phải vươn tay mà với lấy.
Tưởng rất khó mà nhẹ nhàng thế vậy.
Tưởng xa vời mà sách đấy, gần thôi.

Chuyện cuộc đời là vậy, bạn tôi ơi!
Ngước mắt, kiễng chân, vươn tay phía trước.
Cái rất khó mà sao ta đạt được?
Chỉ dướn mình đôi chút nhẹ nhàng thôi!

LÊ ĐỨC MẪN


CÂU CHUYỆN CUỐI CÙNG

Thày tôi hấp hối buổi tàn đông
Lá trút, mây giăng, gió não nùng.
Chúng tôi cả lũ ngồi canh giấc,
Nghe chuyện thày tôi - chuyện cuối cùng.

Chuyện rằng dưới đáy biển mù khơi
Có con trai há miệng ăn mồi.
Trai đâu biết trời đang cuộn bão,
Sóng dựng, non nghiêng, cát dập vùi.

Một hạt cát lọt vào miệng trai
Sắc như dao cạo, nhọn hơn gai.
Xót xa mà đẩy không ra được,
Đau đớn mà kêu - biết thấu ai.

Trai lặng lẽ một đời chịu đựng,
Ngày qua ngày tiết dịch bao quanh,
Cho hạt cát đỡ phần sắc nhọn,
Cho bớt đau, bớt xót trong lòng.

Chất dịch ấy ngày đêm cứng lại,
Sáng long lanh như ánh ban mai.
Trai đâu biết ấy là hạt ngọc
Dâng cho đời sau những chua cay.

Thày đã đi rồi giữa tiết đông
Để lại trong tôi chuyện cuối cùng.
Đời thày nhang nhác đời trai ấy.
Hạt ngọc thày trao - sáng lạ lùng.

LÊ ĐỨC MẪN
20-XI-2006