Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Chúc mừng năm mới


Chúc mừng năm mới 2012
с Hовым годом
Happy new year
Nhân dịp năm mới 2012, xin gửi đến tất cả các bạn N67 và gia đình lời chúc sức khỏe, thành đạt và nhiều may mắn. Rất mong nhận được sự quan tâm và đóng góp của các bạn, để diễn đàn của chúng ta ngày càng đông vui, nội dung phong phú, hình thức cải tiến hơn nữa.
Địa chỉ liên hệ: nnmy7749@yahoo.com


Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Giới thiệu một số tác phẩm của bạn Hoàng Xuân Bản


 Trở lại nước Nga

Hoàng Xuân Bản - trước cổng trường ĐH Lômônôxôv, Matxcơva – 6/2003

Cũng chỉ tại mình
Sau chặng bay dài hơn 10 giờ, máy bay chở chúng tôi đáp xuống sân bay Seremextevo - Matxcơva để vào Nga. Không chỉ riêng ai, hễ là dân Việt Nam (VN) tới sân bay này, đều ca thán về cách hành xử của hải quan nơi đây. Họ giở đủ các trò làm tiền, mặc dù khách có các giấy tờ hợp lệ. Cảm giác khó chịu đầu tiên ấy hẳn sẽ còn lưu lại trong mỗi người khách tới thăm Nga, nơi mà cách đây không lâu đã được ca ngợi đủ điều, thậm chí có người còn nói quá lên và coi là thiên đường của CNXH.
Chúng tôi cũng vậy, bị giữ hết giấy tờ, hộ chiếu, vé máy bay, và bị “chờ” vô cớ. Do được chuẩn bị tinh thần từ trước, chúng tôi chỉ im lặng, cố ý lỳ lợm và không nói nhiều (mặc dù đoàn dầu - khí 5 người của chúng tôi khá sõi tiếng Nga và cũng đã nhiều lần tới Nga), sốt ruột nhưng có phần an tâm vì sẽ có người của cơ quan mời tham gia hội nghị ra đón. Sau gần một giờ bị chờ, do có người đón và thấy chúng tôi có lý, họ đành thả cho ra. May có anh bạn người Nga (cùng cơ quan) trước đó đã qua cửa hải quan và giúp thu gom đồ đạc, nếu không, chắc hẳn là chúng tôi bị mất hết quần áo, tư trang đã gửi. Tuy buồn nhưng vừa ra khỏi sân bay, chạy xe trên những chặng đường tháng 5 - mùa hạ với cỏ cây xanh mướt, được điểm xuyết bởi những cánh hoa vàng li ti của cây bồ công anh, ai cũng vui trở lại và đành tự an ủi “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” hoặc “chúng mình là dân bị vạ lây”. Đoàn của chúng tôi, may sao đã gặp đoàn công tác của thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và cùng chia sẻ một tâm tư như vậy.
Nước Nga trong ký ức của chúng tôi, là một vùng đất rộng lớn mênh mông, màu mỡ phì nhiêu và rất giàu dầu mỏ và khoáng sản. Người Nga hiền lành, chất phác, tài ba, rất cần cù trong lao động, anh dũng trong chiến đấu, mà nhiệt tình có phần thái qúa mỗi khi dự đình đám, tiệc tùng. Hơn 20 năm về trước, hồi còn là sinh viên chúng tôi rất được người Nga yêu quý, tôn trọng. Có lần dã ngoại tôi đã xin được cả một giỏ táo đầy cho bạn bè thả sức no nê. Bây giờ thật khó mà xin. Buồn do không xin được gì cả thì ít, nhưng nỗi buồn day dứt sẽ còn đeo đẳng cả đời khi biết rằng “lỗi ấy” cũng là tại dân Việt nhà mình.
Trước năm 1980, người VN ở Liên Xô có chừng vài chục ngàn, chủ yếu là số lưu học sinh, nghiên cứu sinh. Họ là những người có trình độ, giỏi tiếng Nga, chỉ lo học tập nghiên cứu nên đạt được nhiều kết quả cao. Điều đặc biệt là họ không hề biết buôn bán, vào lúc ấy quan hệ Việt - Xô là quan hệ xin - cho.
Hiệp định lao động và hữu nghị Việt-Xô được ký kết vào 1981, theo đó công nhân lao động VN ào ạt sang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên khắp lãnh thổ Liên Xô, khi cao điểm có tới 200 ngàn người, kéo theo là nạn hàng giả. Cần phải nói ngay rằng, đại đa số công nhân VN là những người lao động chân chính, đã được các cơ quan, tổ chức trong nước chọn lựa, có trình độ trung cấp, có sức khỏe và ít nhiều biết tiếng Nga. Tuy nhiên, trong số họ có một ít người đem hàng xách tay sang bán như: bột nghệ, đồng hồ, kính dzởm, áo thun, quần jean với số lượng không nhiều. Người Nga vốn thật thà, chất phác, nên đã bị đánh lừa. Dần dà, một số ít dân VN làm ăn bất chính ở Matxcơva, Kraxnôdar ... đã sản xuất quần jean dzởm và cũng đã bán khá chạy. Điều này đã tác động xấu đến những người làm ăn chân chính, lôi kéo họ, khiến không ít người bị mờ mắt trước ma lực của những đồng tiền kiếm được do buôn bán hàng dzởm. Rồi thì cướp giật, tranh khách, trấn lột nhau xảy ra như cơm bữa giữa dân VN với nhau, khiến trong mắt người Nga mất đi cái hình ảnh cao đẹp của những chàng sinh viên VN thuở trước.
 Sau khi Liên Xô tan rã, các nhà máy bị giải thể, lao động dư thừa. Các cơ quan chức năng không đủ khả năng trả tiền lương, tiền vé và tiền bảo hiểm cho công nhân VN. Nhiều người không có tiền mua vé về nước, đành lưu lại làm ăn, sinh sống bất hợp pháp, chủ yếu là buôn bán nhỏ ở các thành phố. Hàng chục ngàn dân VN làm ăn ở Matxcơva đã phất lên khi chính sách thị trường tự do được ban bố vào tháng 10/1992. Từ VN, nhiều người xin đi du lịch sang Nga rồi ở lại làm ăn luôn, dù không hề biết tiếng và vì sợ, cũng không dám ra đường. Vậy mà hàng dzởm do họ sản xuất ra, được bầy bán đầy ở khắp các ki-ốs, ấy là chưa kể một lực lượng đông đảo lưu học sinh tranh thủ giờ nghỉ để “đi củi”- mang hàng vào tận các hang cùng ngõ hẻm để trao đổi và bán rong. Hàng dzởm bán được, vì hàng tiêu dùng của Nga thiếu trầm trọng, nhất là vào những năm sau cải tổ, và vì người Nga chấp nhận mua hàng giá rẻ, cốt sao có để dùng. Liên Xô, trước đây và nay là Nga chỉ chuyên tâm phát triển công nghiệp nặng, nên trong nhiều năm liền bị đồ dzởm VN đánh lừa. Chính những người VN làm ăn gian dối, không có giấy tờ tùy thân, không hề biết tiếng Nga đã làm hư hỏng cả một thế hệ trẻ hải quan, cảnh sát người Nga. Hễ cứ gặp cảnh sát là họ sợ và dúi tiền. Trên đường gặp cảnh sát - tiền, dưới đường ngầm metro gặp cảnh sát - tiền, ra chợ gặp cảnh sát - tiền. Lúc đầu, cảnh sát Nga hổ thẹn, sau cũng quen dần trong hoàn cảnh đồng lương eo hẹp. Và cái sự quen dần này, theo thời gian càng trở nên tồi tệ, khi mà cả hải quan lẫn cảnh sát Nga đều cho rằng việc moi tiền của bọn đầu đen (ám chỉ dân VN tại Nga) là sự đương nhiên, nếu không được thì cứ thẳng tay mà đập, để đến nỗi nhiều người Việt chân chính phải xấu hổ kêu lên “tệ hại quá, mình chỉ là công dân hạng 4”. Có những đám cưới VN, đang tập trung phô trương tại quảng trường Đỏ để chụp hình, bị cảnh sát Nga quây lại, vòi tiền. Có những Ông lớn là Tổng - phó tổng giám đốc Công ty, XN này nọ có tiếng ở VN sang nhận Huân chương do nhà nước Nga trao tặng, khi đi ngang quảng trường Đỏ cũng bị cảnh sát bắt úp mặt vào tường và lột hết tiền nong, đành phải ngậm bồ hòn mà khen nước Nga tươi đẹp. Đại sứ quán VN tại Nga hầu như không lên tiếng khi dân mình bị trị, hoặc có chăng cũng quá yếu ớt và muộn mằn. Cho mãi tới gần đây, do đánh nhầm vào một số đầu đen người Hoa, cảnh sát Nga ở chợ Vòm mới bị trị lại bằng vài miếng võ Tàu. May nhờ vậy mà dân VN ở Matxcơva mới có cơ lên tiếng để mà đòi nhân quyền.
Chung quy là cũng chỉ tại mình . . .

Khoảng cách
Nhìn về quá khứ không xa, Matxcơva đã từng là trung tâm của thế giới, chí ít ra là của phe XHCN, trong suốt thời kỳ Đảng cộng sản Liên Xô cầm quyền.
Sau cải tổ, những công trường dang dở như bị đình trệ kéo dài. Cứu cánh dầu mỏ với giá dầu tăng mạnh đã phần nào vực dậy chàng khổng lồ chân đất sét. Những công trường lại bừng lên sức sống, lan tỏa trên khắp nước Nga, mà điển hình là khu ngoại vi Matxcơva. Hai bên đường từ sân bay vào trung tâm thành phố dài chừng 50 km, xen giữa cây xanh bạt ngàn trong tháng 5 kỳ diệu của Nga, đã và đang mọc lên những ngôi biệt thự mới (đa-tra), xen những nhà dịch vụ điện thoại, chợ xe ôtô, rồi hàng ăn uống. Vành đai thứ 3 quanh Matxcơva nổi lên như một minh chứng về sự thay da đổi thịt của Matxcơva thời hậu cải tổ. Một Matxcơva khác lạ với những công trình to lớn, bề thế đang mọc lên như nấm.
Trong lúc giao thời, những thế lực kiểu “nhà nước riêng” thi nhau vơ vét, tham nhũng và giầu lên nhanh chóng. Người dân lương thiện sống khổ ải quá mức so với thời talôn (tem phiếu) chỉ còn biết kêu trời, đành góp từ số tiền lương lương thiện ít ỏi, đại tu nhà thờ lớn - Đấng cứu thế Cơ đốc giáo (khram khrixtôv xpaxichenlêy), những mong được đấng bề trên phù hộ độ trì. Họ biết khối những chuyện tham nhũng và cũng đã nhiều phen phản đối, biểu tình, mà dẫn đầu là các vị cựu chiến binh. Tuy nhiên, tình hình không thể khá lên được nếu không có cứu cánh dầu mỏ với giá dầu tăng mạnh. Nga là nước xuất khẩu dầu lớn không thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ Thế giới (OPEC), với sản lượng dự tính 8,4 triệu thùng /ngày trong năm nay, tăng khoảng 800.000 thùng /ngày so với 2002, với giá xấp xỉ 30 USD/ thùng. Dần dần, đời sống chung được nâng lên, dân chúng dễ thở hơn, nên lòng tin vào chính quyền cũng đã dần trở lại, tuy chưa hoàn toàn.
Theo thời gian, khoảng cách giầu - nghèo ở Nga đã cách xa đến mức không thể nào tưởng tượng nổi, dễ đến cả trăm lần. Có những kẻ giàu, nắm dăm ba trăm triệu USD, trong khi lương bình quân của người lao đông chưa nổi 500 rup (chừng 250 ngàn VNĐ). Anh lái xe Bôrixôv nói, lương tháng không nổi 50 ngàn rup. Một chị tên là Mzia bán hàng mỹ phẩm nơi tầng trệt của khách sạn trung tâm du lịch, nói rằng “tôi chỉ là người làm thuê, mỗi tháng được trả 20 ngàn rup. Do phải nuôi con đang học đại học một mình, tôị phải chạy chỗ bán hàng ở 2 nơi”. Một bà già trực cầu thang lầu 20 khách sạn - bà Xvetlanna nói với chúng tôi: “lương tháng của tôi được 15 ngàn rup, vậy mà có những thằng choai choai mua áo bành tô tới cả 10 ngàn USD. Thì đấy, buổi hòa nhạc tối nay (21/5) của Paul Mc.Cartney (Beatles) sẽ có cả V. Putin tới dự, vé đã bán hết từ tuần trước, mà giá có mềm đâu, chí ít cũng 300 đến 500 USD”.
Sau giờ làm việc buổi chiều, chúng tôi được mời đi thăm quan Matxcơva một vòng bằng xe ôtô. Matxcơva mênh mông quá! có đường kính hơn 30 km, rộng gần một ngàn km2 với khoảng 14 triệu cư dân. Chúng tôi kịp thăm quan trường đại học tổng hợp Lômônôxôv trên đồi Lênin, tượng đài Chiến thắng, quảng trường Đỏ. Các vị khách trên xe, phần lớn là người thuộc các nước cộng hòa (trước đây đều gọi chung là Liên Xô), nhưng chưa có dịp thăm Matxcơva, bởi vậy ai ai cũng đều hớn hở. Trong đoàn 30 người thì có tới 1/3 không nói sõi tiếng Nga, thậm chí có chị người Xibir còn lạc đoàn ngay giữa quảng trường Đỏ do không tìm hỏi được, đành phải quay trở về chỗ chờ xe một mình. Thời tiết mát mẻ, 8 giờ tối mà nơi đây vẫn còn sáng ánh ngày vàng nhạt trên những mái nhà, trên những ngọn cây cỏ xanh rờn. Ngay trước quảng trường, bộ phận dịch vụ đang xếp ghế cho khách xem chương trình biểu diễn ngoài trời của nghệ sỹ Paul. Đông vui và tấp nập quá chừng, dễ đến cỡ vài chục ngàn người. Mới biết dân chúng hâm mộ tài ba của nghệ sỹ Paul đến thế! Nhưng rồi nghĩ lại, cái giá vé trời ơi bằng đến cả lương một năm của người dân lao động bình thường nơi đây, mới thấy giật mình về khoảng cách qúa xa của những người dân cùng chung một nước.
Không biết mai ngày rồi sẽ ra sao?
Bà Xvetlanna có lần tâm sự với chúng tôi, đã khen tổng thống V.Putin: “thông minh, mạnh tay, không tham ô, không rượu chè, cờ bạc... nghĩ mà thương cho Ông ấy vất vả trong khi đất nước có quá nhiều thế lực, nhất là bọn xây dựng và quản lý đô thị”. Người Nga là thế đấy, biết chỉ ra được cái sai (và tôi biết chắc họ sẽ quyết không để cái sai tồn tại). Dù sao vẫn phải cần thêm một thời gian nữa.
Buổi hòa nhạc vẫn vui vẻ, náo nhiệt và có phần ầm ỹ thái quá. Đằng sau những buổi hòa nhạc như thế này, chắc chắn những tâm tư, những suy nghĩ mong muốn cho một nước Nga hùng mạnh, tươi đẹp sẽ còn trăn trở hơn nhiều.

TP HCM sẽ xây Trung tâm thương mại tại Matxcơva
Ngày 27/5/2003, thành phố St Petersburg tưng bừng lễ kỷ niệm 300 năm ngày thành lập, kể như Petersburg sinh đôi cùng tp. Sài gòn, và chí ít cũng già hơn Hợp chủng quốc Hoa kỳ tới cả trăm năm. Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải đã chủ trì chuyến thăm lịch sử này. Đang là tháng 5  - mùa hè Nga. Mùa hè nước Nga là mùa rực rỡ nhất trong năm với đủ mọi gam màu xanh: xanh nõn nà, xanh mượt mà, xanh biêng biếc... xanh đến rưng rưng cảm động tưởng không còn nơi nào xanh hòa bình hơn thế, nhất là tại St Petersburg. Vùng đất sình lầy 300 năm trước đây được Ông Vua Pie đại đế, tay dài - chân ngắn (hiện còn nơi tượng đồng trong vườn thượng uyển Petersburg) xây nên cung điện mùa Đông, mùa Hè với không biết bao nhiêu là thắng cảnh, mà kể như đi cả đời người cũng chưa cảm nhận hết được, trong đó có viện bảo tàng Êrmitas. Petersburg là nơi Vladimir Ilich Lênin đọc lời tuyên ngôn thành lập nhà nước Xô viết đầu tiên tại cung điện mùa Đông vào năm 1917 và cũng là quê hương của Tổng thống Nga hiện nay, Ông V. Putin.
Sau chuyến thăm St Petersburg, Matxcơva và tỉnh Sverdlovsk, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Hải cho biết các mục tiêu đề ra đều vượt dự kiến. Thành phố sẽ xây dựng một trung tâm thương mại tại Matxcơva và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giao thông đô thị. ông Lê Thanh Hải: ''Doanh nghiệp Nga sẽ tham gia phát triển vận tải công cộng tại TP HCM''. Trong lĩnh vực giao thông đô thị, chúng ta chỉ đặt yêu cầu là tìm kiếm cơ hội đầu tư, lại đạt được 3 thỏa thuận ghi nhớ cụ thể giữa chính quyền TP.HCM và Matxcơva. Đó là hợp tác sản xuất phụ tùng lắp ráp xe buýt để phục vụ vận tải hành khách công cộng; phát triển hệ thống monorall (đây là công nghệ mới chạy bằng điện từ) nghiên cứu khả thi đề xây dựng hệ thống metro nhẹ (tức là hệ thống metro chạy trên cầu cao). Đoàn tiền trạm của thị trưởng Matxcơva sẽ đến TP.HCM vào đầu quý III/2003 để hai bên cùng tiến hành những bước thỏa thuận cụ thể hơn. Trên cơ sở chuẩn bị đó, cuối quý III/2003 này sẽ có những ký kết hợp tác chính thức giữa chính quyền hai thành phố.
Ông Phạm Hảo Hớn - Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP HCM “Cơ hội đưa hàng tiêu dùng vào Nga”. Ở Nga chỉ chú trọng phát triển ngành công nghiệp nặng, còn sản xuất hàng tiêu dùng phần lớn còn bỏ ngỏ. Đây là cơ hội cho những mặt hàng thế mạnh của VN như: gạo, cà phê, cao su, chè, thực phẩm chế biến từ nông lâm thủy hải sản, gia vị, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo may sẵn, nhựa gia dụng... Ngoài ra, VN cũng có thể nhập từ Nga thiết bị máy móc công nghiệp, nông nghiệp, sắt thép, kim loại màu, gỗ, máy móc thiết bị, công nghệ xây dựng, các phương tiện vận tải. Hiện nay, trên thị trường Nga đa phần là hàng của Tàu (TH), Thổ Nhĩ Kỳ, còn hàng VN chiếm tỷ lệ không đáng kể. Trong chuyến đi này có 41 bản ghi nhớ được ký kết.
Ông Đặng Thành Tâm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần khu công nghiệp Tân Tạo: ''Sẽ xây khu liên hợp đa năng tại Matxcơva''. ở Nga giá đất rẻ, nhưng giá nhà quá đắt. lm2 xây dựng thô ở thành phố là 2.000 USD, ở ngoại thành là l.000 USD, cao gấp 5-10 lần ở VN, trong khi giá đất ở TP.HCM lại đắt hơn ở Matxcơva. Hiện nay, chúng tôi đã có 5 đơn vị trong đó có l tại Nga, và l ngân hàng tại VN sẵn sàng tham gia vào liên doanh để thực hiện các dự án xây dựng khu liên hợp thương mại đa chức năng và khu biệt thự. Vốn đầu tư khoảng trên 100 triệu USD cho khu liên hợp và khoảng trên 15 triệu USD cho khu biệt thự.
Ông Nguyễn Đức Thống - giám đốc Công ty điện tử Tiến Đạt: “sẽ xây nhà máy sản xuất đầu DVD ở Nga”. Sản phẩm điện tử nghe - nhìn ở Nga chủ yếu là ngoại nhập và phần lớn là các thương hiệu nổi tiếng của Nhật, một phần ít là hàng Tàu với chất lượng không ổn định, hầu như không có hàng điện tử sản xuất trong nước. Nghĩ lại mà giật mình, khi ngày xưa phải vất vả tăm mọi ngả để mua bằng được cái đài quay đĩa Rigonda cao bằng bàn làm việc, chiếm đến nửa thùng đồ mang xách về VN, mà nay ....
Ông bạn cùng phòng khách sạn với tôi là chuyên gia dầu - khí Trần Xuân Nhuận thì than thở “đi công tác mà phải ở khổ hơn nhà mình, mà giá có rẻ đâu”. Quả thật, khách sạn được xây từ những năm 1970-1980, cửa không có khóa tay cầm, nên phải dùng chốt; tường hoen ố, trần đổi mầu không đều, cả đến chiếc tivi Elêctrônic cũng đã cũ với những mảng màu nhòe nhoẹt, hiếm thấy ở VN: vặn tay mà chẳng còn lấy một chiếc núm... Tại sao VN không nhận các hợp đồng tân trang các khách sạn cho Nga nhỉ?
Bà Lê Hải Liễu - giám đốc Công ty gỗ Đức Thành: “còn vướng mắc về thanh toán” tuy có trên 10 đối tác quan tâm đến sản phẩm đồ dùng trong nhà bằng gỗ cao su của Đức Thành. Đã có một Công ty bàn với Đức Thành về việc tổ chức Hội chợ chuyên ngành hàng đồ gỗ VN tại Matxcơva; một số doanh nghiệp thì đề cập đến việc sản xuất đồ dùng bằng gỗ ngay tại Nga. Vấn đề khó khi xuất khẩu sang thị trường Nga là thanh toán, do vậy chỉ hy vọng chọn được đối tác có uy tín lớn để mở chi nhánh.
Tóm lại, TP.HCM sẽ xây dựng một trung tâm thương mại tại Matxcơva. Điều này không chỉ khẳng định quan điểm của Đảng ta coi Nga là bạn bè, là đối tác quan trọng của VN, mà còn thể hiện rõ hướng làm ăn lâu dài của TP.HCM, góp phần làm rõ, làm đẹp bức tranh VN tại Matxcơva, bớt đi cái nhìn VN là đồ “ăn cháo đá bát”. Và biết đâu cùng với các Công ty thương mại VN, trong đó có Bến Thành đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao, Trung tâm thương mại VN này sẽ góp phần xóa đi những cảnh giống chợ Vòm với hàng ngàn công (theo cách gọi của báo Thị trường, đăng tại Nga - container) dựng tạm, xóa cái sự “đi làm ăn bất hợp pháp” của không biết bao người Việt tại Matxcơva.
Những trăn trở và hy vọng
Chúng tôi công tác trong ngành dầu - khí, chính xác hơn là tại XN Liên doanh dầu - khí Việt - Xô, một trong những XN đang làm ăn có hiệu quả. Chuyến công tác của chúng tôi tuy ngắn ngày, nhưng đã đạt được kết quả mong đợi.
Với dầu khí, vẫn còn nhiều nan giải, ví như Nga đã rút khỏi XN khai thác mỏ Đại Hùng, do “tốn nhiều vốn và đầu tư không hợp lý”. Được phát hiện năm 1988 bằng những vỉa cát sạch chứa dầu dày tới hơn 10 m, mỏ Đại Hùng có một số phận khá long đong. Sau các tập đoàn lớn như BHP (Australia), Total (Pháp), Petronas (Malaysia) và Sumitomo (Nhật) thay nhau dứt áo ra đi, nay đến lượt Zarubezhneft của Nga. Ví như trước đó, tháng 12 năm 2002, cũng chính Zarubezhneft đã rút khỏi liên doanh xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau khi hai bên không thống nhất được về các hợp đồng xây dựng.
Tuy nhiên, ngoài mỏ Đại Hùng thuộc loại nhỏ, khó đạt hiệu quả kinh tế, chúng tôi đã và đang cùng Nga khai thác dầu - khí ở các mỏ Bạch Hổ và Rồng. Đứng vững trên đôi chân của mình bằng việc khai thác cả trên 100 triệu tấn dầu, chúng tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm cả trong tìm kiếm lẫn thăm dò và khai thác dầu - khí.
Nhưng dầu - khí VN còn quá nhỏ so với tiềm năng dầu - khí to lớn của Nga, và vì nó chỉ là những con số khô khan (mỗi năm Nga thu về từ dầu - khí VN chừng 400 triệu USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng VN sang Nga tới cả tỷ USD). Chắc không phải dầu - khí, mà chính là cái hình ảnh Trung tâm thương mại to đẹp, đàng hoàng của VN mọc lên ngay giữa Matxcơva cứ ngày đêm thôi thúc, day dứt tôi và có lẽ không chỉ riêng đối với tôi, nó đang làm phấn chấn không biết bao nhiêu người VN, nhất là những người đã từng ăn bánh mỳ - muối ở Nga, cũng có nghĩa là đã từng “ăn cháo” của Nga. 
May mắn thay, tôi trở lại Nga trong khi nước Nga cũng đang trở lại với chính mình. Dám chấp nhận cái mới, cái đúng, mặc dầu để đến được phải vượt qua không biết bao nhiêu là rào cản và lề thói hành chính hủ lậu. Hãy nghe lời tâm sự của Anh hùng Liên bang Nga - Xecgây Xômôv, một trong những người đã sang VN đào tạo phi công đánh Mỹ: “Những đổi thay xảy ra trên đất nước chúng tôi, thật đáng tiếc, không theo chiều hướng khả quan... Những cải cách dân chủ vội vàng, thiếu suy nghĩ chín chắn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, đã mang lại không ít tiêu cực, làm đau lòng nhân dân, nhất là những cựu chiến binh - những người đã làm nên nhiều chiến thắng vĩ đại. Trong quá khứ, nhân dân Nga đã trải qua bao nhiêu chiến công và thất bại, nhưng chúng tôi luôn luôn tạo ra cho mình sức mạnh. Và ngày nay, chúng tôi vẫn đầy hy vọng và tin tưởng rằng nước Nga sẽ có lại đầy đủ sức mạnh để trở thành một cường quốc phồn vinh.”
Khi tôi viết những dòng này, là lúc VN vừa tổ chức thành công tại Matxcơva Hội chợ hàng VN chất lượng cao với hàng trăm mặt hàng của 30 Công ty góp mặt. Đang trở lại trong tôi niềm hy vọng và niềm tin, rằng nước Nga rồi sẽ phồn vinh.
  Tháng 6 năm 2003


Tập thơ Thêm một khoảng trời

Hai pha của một dòng chảy
       "Thêm một khoảng trời" là tập thơ viết về đề tài dầu khí của tác giả Văn Bản. Tập thơ gồm 41 bài, có thể chia ra làm hai "pha", theo cách gọi của các nhà địa chất - địa vật lý trong công tác khảo sát dòng: chủ đạo và đồng hành.
Pha chủ đạo là các bài viết về con người và các hoạt động tại cảng dầu - khí, trên các tàu hoặc giàn khoan ngoài biển khơi, cách Vũng Tàu hơn trăm km về phía Đông. Giữa bề bộn dựng xây, ngổn ngang sắt thép, giữa những công việc cụ thể - bình thường, chỉ những người yêu nghề mới có thể cảm nhận và nhìn ra những nét nên thơ:
Anh say sưa mỗi công việc đang làm
Đãi mẫu vụn chai sần bàn tay trẻ
Em đo gió và chiều cao sóng bể
Nâng tầm nhìn từ những giàn khoan
    (Thành phố niềm tin)
Họ đã chọn chỗ cho mình giữa biển khơi - trên những giàn khoan có mặt sàn bảy chục mét chiều dài, bốn chục mét chiều rộng - “nơi trái đất chưa một lần lộ mặt”:
Biển với trời dệt màu xanh bát ngát
Tự ngàn năm vẫn sóng gió hoang sơ
        (Chỗ đứng)
Giữa biển trời bao la đó, nỗi nhớ dường như cũng không có bến bờ:
Anh gửi về em không phải giọt sao chiều
Mang nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa 
Xin gửi về em qua lời biển cả
Một khoảng trời - không bến xôn xao.
 (Thêm một khoảng trời)
Cùng ở trên biển, nhưng chỉ những người trong cuộc mới nhận ra:
Vầng trăng đung đưa mắc võng
Trên tháp khoan tàu Mir-chin
    (Đêm trên tàu khoan)

Và niềm vui nổ mìn khơi dòng dầu mới cũng chỉ có thể có được ở những người làm công việc “mở vỉa” đầy nguy hiểm trong ngành dầu khí:
Đất liền ơi! Ai đó còn thức ngủ
Hãy cho tôi chia sẻ phút vui này
Mìn nổ rồi!
Khơi dòng mới hôm nay
Có động biển trong bờ kia sóng vỗ?
     (Niềm vui ca đêm)
Mỗi bài viết đều là một phác thảo mang tính ký sự, âm thanh mới lạ "cần khoan va vào nhau loàng đoàng, những sợi cáp chạm nhau lanh canh" (Đêm và ngày), rất mang tác phong công nghiệp mà vẫn đượm tình người lao động giữa Thành - phố - nổi "Không một màu xanh cỏ cây, hoa lá". Trong không gian ấy, thật bất ngờ khi ta thấy tác giả  "Nhớ mưa. . .":
Màu lá xanh khan hiếm đã đành
Khổ nhất - khi không còn nước ngọt
Thèm một tiếng chim trời thánh thót
Vài giọt mưa lộp bộp phía sau nhà...
(Nhớ mưa trên đất liền)

Pha đồng hành là các bài viết về tình cảm của những con người đang làm việc tại cảng dầu - khí, trên các tàu hoặc giàn khoan gửi cho người thân, người thương ở tận một miền quê nào đó. Trong "pha" này, những bài viết nhẹ nhàng hơn, trữ tình hơn:
Hoa cải cúc vàng mơ trước ngõ
Giọt mưa thu tí tách sau nhà
                (Gửi …Hưng Yên)
Hay nỗi xốn xang mà nhân hậu trước một Thị Mầu:
Nghe xốn xang rộn rã nhịp trống chèo
Nghe rạo rực nỗi phông màn khép mở
Người xuất hiện - những trận cười nghiêng ngả
Chiếc quạt hồng, câu hát thắm chao theo.
          (Thị Mầu)
Có lúc lại như là hờn ghen bóng gió, xa xôi:  
Chiều Xuân Hương, ai đó về tình tự
Gió thoảng thôi, cũng động biển Vũng Tàu
   (Đà Lạt)

Và nỗi nhớ Hà Nội của của họ cũng ngọt ngào đầy vơi đến lạ:
Hà Nội ơi! Rét ngọt đến lạ lùng
Gần nhau đấy và cũng xa nhau đấy.
Má hồng ơi! Dẫu xa nhau mãi
Vẫn nhớ về ánh mắt biếc Hồ Gươm.
(Từ Vũng Tàu nhớ Hồ Gươm)
Hai "pha" của tập thơ - công việc và tình yêu - đã bổ sung cho nhau, quyện vào nhau, tạo nên một tập thơ hoàn chỉnh, vừa có tác phong công nghiệp vừa thấm đượm tình người. Điều này có thể làm ta liên tưởng đến Dầu mỏ và Khí đốt - hai pha của cùng một dòng chảy đã và đang thắp sáng lên niềm tự hào của dân tộc, góp phần chấn hưng nền kinh tế nước nhà.
Thiết nghĩ, đây là một tuyển thơ ký sự, có ý nghĩa không chỉ đối với những người làm dầu - khí "say bao ước mơ làm giàu cho Tổ Quốc Việt Nam chúng ta" - như lời bài hát “Về với Vũng Tàu” của tác giả.
Mùa xuân, 2006
                                                                              Lê Huy Mậu         

Về với Vũng Tàu*

                                 Tặng Hà Quốc Quân
I.
Em đi cùng anh
Ta về với Vũng Tàu
Tiếng máy khoan dầu vang vọng biển xa
Đây những giàn khoan đang tìm kiếm tới tầng sâu
Rồi khơi lên những mạch dầu dâng Tổ Quốc
Gian khó bao nhiêu, chúng ta vẫn cùng bên nhau.

Ơi! Những giàn khoan đang vẫy gọi ta giữa biển xa
Ơi! Biển biếc ngàn năm ẩn dấu tài nguyên vẫy gọi ta
Đời gian lao địa chất say bao ước mơ
Làm giàu cho Tổ Quốc Việt Nam chúng ta.

II.
Bao đêm ngày qua đi tìm kiếm mỏ dầu
Những chuyến lộ trình xao động lòng ta
Ơi! Những người con đang từng phút lấn thời gian
Vì tương lai những công trình sẽ mọc lên
Đất nước, quê hương vẫn đang mong chờ tin vui

Ơi! Những giàn khoan đang vẫy gọi ta giữa biển xa
Ơi! Biển biếc ngàn năm ẩn dấu tài nguyên vẫy gọi ta
Đời gian lao địa chất say bao ước mơ
Làm giàu cho Tổ Quốc Việt Nam chúng ta.
___________
Hà Nội, 04/1983
* Bài hát “Về với Vũng Tàu” (nhạc: Quốc Quân, lời: Văn Bản)
        

                     Thành phố niềm tin
                                     Thân tặng Nguyễn Quyết Thắng
                  
Em bây giờ ở phía bình minh
Anh ở phía hoàng hôn về lặn
Hai đứa - hai giàn khoan trên biển
Mấy ngày đường một gang nước, ơi em?
                                           
Mỗi sáng anh nhìn phía mặt trời lên
Thấp thoáng giàn khoan - người yêu ta đó!
Mỗi bận chiều buông trên vùng biển cả
Em đứng lặng nhìn về phía hoàng hôn.
                                         
Điện sáng bừng một vùng biển thâu đêm
Biển thao thức tựa lòng người trăn trở
Những tầng sâu gọi người tìm dầu mỏ
Giữa biển khơi và gió giật, sóng gầm.
                                         
Anh say sưa mỗi công việc đang làm
Đãi mẫu vụn chai sần bàn tay trẻ
Em đo gió và chiều cao sóng bể
Nâng tầm nhìn từ những giàn khoan
                                         
Thành phố này em chưa biết đặt tên
Không một màu xanh cỏ cây, hoa lá
Nhấp nhô giàn khoan giữa trời và biển cả
Giữa nắng mưa nở sáng mặt con người
                                           
Anh nhớ em, khi chiều đã xuống rồi
Thành phố biển sáng bừng cho cá bầy tìm đến
Ta sẽ bắc những chiếc cầu thương mến
Đưa nhau về thành phố - của - niềm tin.
                      ________________________
                      MSP4 - Mỏ dầu Bạch Hổ, 03/1986.
                     

Lâu đài trên biển
                                  
Lâu đài của chúng tôi dẫu còn dang dở
Tháp chọc trời trên biển cả mênh mông
Gió mặn mòi thổi khắp bốn phương
Biển thức trắng, nên người không ngủ được.

Chúng tôi đón bình minh sớm nhất!
Khi vầng đông đội mặt biển lên trời
Đêm ca ba, ai đã thức trọn rồi
Cho ngày mới lâu đài thêm rực rỡ.

Lời ai hát bồi hồi con sóng vỗ
Gợi nhớ màu xanh cây cỏ, đất liền
Ngọn gió đồng quê, hương vị mùa màng
Những công trình và từng gương mặt người thân…

Ngày và đêm nơi đây cứ tiếp liền
Cho mũi khoan xuyên địa tầng tìm mỏ.
Bỗng sáng nay bừng cháy lên rồi ngọn lửa
Trên lâu đài - dầu mỏ - giữa biển khơi.

Nắng ở đây nhuộm màu vàng tươi
Từ ngọn lửa dầu thô ngời lên rực rỡ
Không phải nắng hè bập bùng hoa phượng đỏ
Không đỏ sắc hoa hồng, hoa lửa bay bay.

Mùi dầu thơm xen hương biển mặn mòi
Đã thắp sáng tình yêu Tổ Quốc.
Lâu đài của chúng tôi thành bông hoa mơ ước
Nở trên xanh thềm lục địa bao la.
_______________________
MSP1- mỏ dầu Bạch Hổ, 03/1986

Thị  Mầu
                                                             Tặng TT.
Ngàn năm sau rồi vẫn cứ Thị Mầu
Vẫn vị táo ngọt ngào chua chát
Vẫn miệng cười và đong đưa ánh mắt
Vẫn con người vươn tới một tình yêu.
                                          
Nghe xốn xang rộn rã nhịp trống chèo
Nghe rạo rực nỗi phông màn khép mở
Người xuất hiện - những trận cười nghiêng ngả
Chiếc quạt hồng, câu hát thắm chao theo.
                                              
Người thật lòng khao khát một tình yêu
Đem trái tim đặt nơi đầu cửa miệng
Người bất chấp mọi thói đời tai tiếng
Những giận hờn nguôi lặn, hóa thương thương.
     
Trống vẫn gầm lên bao khát vọng thiêng liêng
Thị Mầu đó, để ai thương - ai giận.
Những xích xiềng mấy ngàn năm phong kiến
Vỡ tan rồi trước một Thị Mầu yêu.
________________
Vũng Tàu,16/06/1986
 
Những điều em chưa thấy

Em thấy vầng trăng non
Hiện qua tán lá mềm
Em thấy những ngọn đèn
Ngoài khơi xa gọi cá.

Những con tàu tránh gió
Về đậu bến Tầm Dương.
Lặng lẽ những cánh buồm
Biển thanh bình Bãi Trước.

Ngọn gió lành man mác
Phố đông vui bao người
Dòng đời hối hả trôi
Tấp nập và vội vã. . .

Em biết ngoài biển cả
Có một thành phố - vui  
Nghe anh kể chuyện hoài
Mà chưa hình dung nổi

Ấy là vầng trăng lên
Trên biển thềm lục địa
Biển sáng bừng bốn phía
Lăn tăn gợn sóng vàng…

Ấy là những giàn khoan
Nhấp nhô trên biển sóng
Trạm - rót dầu - không bến
Xôn xao một góc trời...

Ngày mai anh đi rồi
Về chân trời thương nhớ
Những điều anh chưa kể
Chắc sẽ còn vui hơn.            
_______________
Vũng Tàu, 06/1986
Hạnh phúc ở chân trời
                              Tặng Đặng Ái

Có phải thế không em?
Ta đã hát suốt một thời tuổi trẻ
Đất nước ta biển bạc, rừng vàng
Để bây giờ tóc bạc phải băn khoăn?

Đi, ta đi khai phá rừng hoang
Bao lớp trẻ lên đường không trở lại
Đất Tây Bắc giầu tình người là vậy
Ai đã lên, không biết lối quay về
Dốc Mường Cun, anh đứng đợi em qua
Sau xa cách những đêm dài Phong Thổ
Bụi vàng sau xe như nấm mây rực rỡ
Nghĩ thương em - môi nứt nẻ nụ cười. . .
Rồi qua miền Trung - cát trắng giợn chân mây
Đồng bằng mảnh tựa bàn tay gầy guộc
Thương mẹ già như thân cau xơ xác
Chạy từng bữa ăn - nắm rau má, cọng khoai
Đất Nam bộ chua, phèn - mặn ngấm sạm tay
Thóc chưa đủ nuôi dân cày qua vụ
Anh lặn lội xuống biển tìm châu báu
Dăm chục mét chiều sâu nước ngập trên đầu
Những mỏ vàng đen ẩn tận thẳm sâu
Bao kỷ nguyên địa tầng trầm tích
Ba ngàn mét, rồi khoan năm ngàn mét
Dòng dầu lên cũng nức nở, sụt sùi
Những giàn khoan trụ giữa biển khơi
Có công sức bạn bè ta xây lắp
Bao sóng gió và nắng mưa, bão táp
Để dâng về triệu tấn dầu thô
Chưa đủ thắp đèn và xát gạo, chà ngô
Dân còn đói, còn mong chờ hạnh phúc . . .

Hạnh phúc ở chân trời
Xa tít tắp, anh vẽ hoài chưa được
Đừng dài quá - xin làm manh áo cộc
Đừng ngọt ngào - hãy là bát cơm khoai
Nhớ nghe em: chùm khế ngọt nhỏ nhoi
Không chia khắp cho triệu người thất bát

Em có nghe cơn gió nồm man mác
Cũng nhắc về hạnh phúc phía trời xa?
Anh tự hào đứng giữa biển bao la
Thấy hạnh phúc gần hơn em một chút.
_________________________
MSP1- mỏ dầu Bạch Hổ, 06/1987


Thơ trước biển
                                                                                                   
Có một lần trước biển
Lòng xao xuyến, bồi hồi
Nghe tình yêu trỗi dậy
Khi tay mình trong tay

Lời em vang đâu đây
Và nồng say ánh mắt
Cầm tay em sần chai
Biết tình yêu chân thật

Trên đường đời tất bật
Ta đã gặp nhau rồi
Một đêm hè Bãi Trước
Hai đứa mình sóng đôi

Vài giờ của cuộc đời
Mình trẻ ra mấy tuổi
Trẻ lại những vần thơ
Từng long đong chìm nổi

Em khóc nữa mà chi
Nỗi đau buồn xưa cũ
Hãy tin ở con người
Và tình yêu rạng rỡ

Trước mặt là biển nhớ
Sau lưng - núi chờ mong
Hai đứa mình ở giữa
Hương tình yêu nồng nàn

_______________
Vũng Tàu, hè 1987


Bài thơ viết từ Tiền Cảng
                                    
                                            Tặng Hồng Tiến

“Một nhánh san hô gợi nhớ chiều biển cả…”*
Câu thơ anh tự bao giờ vẫn trẻ
Để chiều nay, tôi tìm đến Vũng Tàu.
                      
Thành phố thanh bình
Như con tàu vừa kịp buông neo
Bốn bề gió, ba bề trông ra biển
Rộn rã công trường, khắp nơi xây dựng
Những cánh tay cần cẩu vươn dài
Ta sẽ đi lên từ Tiền Cảng hôm nay!
                     
Những chân đế giàn khoan
Những tháp trụ và rất nhiều ống chống
Những khối thép nặng cỡ trăm ngàn tấn
được tay người nâng bỗng tới trùng dương
                       
Từ Tiền Cảng này
Những con tàu cặp bến ngày mai                            
Sẽ cho ta dầu thô
Cho Tuy Hạ - Đồng Nai sáng lên ngành công nghiệp
Khu lọc - hóa dầu cho thuốc men gấm vóc
Sẽ nở bừng tương lai
                          
Bài thơ viết từ Tiền Cảng hôm nay
Chiều dần xuống, điện sáng bừng bốn phía
Thành phố đẹp bên bờ biển cả
Như con tàu vừa kịp buông neo.
_____________
Vũng Tàu, 1987                                   
* Trích bài thơ “Suối say” của Trần Hồng Tiến


Nhớ mưa trên đất liền

Mây vần lên ở cuối chân trời
Biết trong ấy mùa mưa đã đến
Ngoài biển vẫn một vùng quang vắng
Ước lưng trời dù một áng mây qua
                        
Mặt biển lặng im giống tựa mặt hồ
Từng gợn sóng hắt ánh ngày nóng bỏng
Nắng đến cháy lưng trần đen sạm
Trên giàn khoan, tiếng máy vẫn vang vang

Màu lá xanh khan hiếm đã đành
Khổ nhất - khi không còn nước ngọt
Thèm một tiếng chim trời thánh thót
Vài giọt mưa lộp bộp phía sau nhà...

Cứ tưởng gần, mà vời vợi cách xa
Đất liền ơi! Có nhớ về phía biển?
Trong ấy mưa - cho ngoài này xao xuyến
"Mưa có mùa..."
                           Lòng dịu lại qua đêm
_________________________                                                                                                                          MSP4 - mỏ dầu Bạch Hổ, 10/04/1987


Giấc mơ
                 Tặng Thùy Mai

Em nghe thầy giáo kể
Ngoài biển có giàn khoan
Trong giấc ngủ mơ màng
Cứ ngỡ mình say sóng

Ước làm con chim én
Về đậu xuống giàn khoan
Ngắm mặt biển mơ màng
Trong ánh trăng huyền diệu

Ước làm đám mây lành
Dâng bóng râm êm ả
Chú thợ khoan vất vả
Áo đỡ bạc hai màu

Dầu lên! Ôi có dầu!
Em vỗ tay vui sướng…
Mẹ ôm chầm âu yếm
- Mai ơi! Con mơ gì?

Thời gian cứ chao đi
Như cánh buồm lộng gió.
Những điều thầy giáo kể
Nay đã hiện trong đời.
_______________
Vũng Tàu, 03/11/1986.


Gửi cô gái bán rau - hoa quả

Nghe em kể chuyện thời đánh Mỹ
Bom rơi đạn xoáy những cung đường.
Những mất mát ngày nào em chịu
Anh nghe hoài mà lòng vẫn thương thương.
                      
Em đã từng ra Bắc vô Nam
Đã trụ giữa Sài Gòn lửa khói
Mà sao mắt em giờ bối rối
Giữa quầy hoa - quả chiều nay ...
                      
Yêu cuộc đời, em nâng giữa bàn tay
Những sắc thắm màu xanh hoa lá.
Mỗi chuyến xe từ xa về vất vả
Có rau xanh thêm mát những căn nhà.
                              
Mỗi bận tàu về, em gửi đảo xa
Từng mớ rau thơm, từng cân hoa quả
Vị chanh chua và ngọt ngào xoài, dứa...
Có tình em, đảo nhỏ bỗng vui thêm.
                             
Từ giàn khoan về anh đến tìm em
Cô gái nhỏ cửa hàng rau - hoa qủa.
Giữa bề bộn công việc làm vất vả
Ta giành cho nhau một thoáng gặp ban chiều.
                                  
Sau cơn mưa, thành phố nắng trong veo
Người trăm mối ngổn ngang thành cuộc sống.
Anh đi rồi, thênh thang trời - biển rộng
Nỗi nhớ dồn như sóng hướng bờ - em.
  ____________
  Vũng Tàu, 05/1985


Tạm biệt trên tàu khoan

Người con gái Nga
Mơ màng nhìn biển biếc
Mái tóc vàng óng ả
Nụ cười đốt lửa
Mắt xanh mơ
Đôi má em chín lựng dưới nắng hè
Gợi nhớ quê hương em
Cra - xnô - đa, mùa táo chín
                    
Em reo lên, bảo tôi nhìn xuống biển
Mấy con cá măng đùa giỡn lang thang ...
Tôi nhìn xem, không giấu hết nỗi buồn
Chiều nay xa, biết nói gì em hỡi?
                     
Em là cánh chim trời bay mãi
Tới phương xa
Những lần thay ca
Sao ngắn ngủi!
Mà chiếc tàu khoan cứ bồng bềnh thêm mãi
Để trong tôi man mác sóng u buồn
                       
Em ngước nhìn lên, ôi! Sắc nắng bâng khuâng
Cứ tan mãi trong mắt em, tan mãi ...
Lời chưa nói, đành hẹn ngày gặp lại
Thêm một lần “tạm biệt” nghe em.
________________________________                           
Tàu khoan dầu Mi-kha-in Mir-chin, 05/04/1987


Hướng chân trời

Chỉ có chúng tôi mới nhận rõ chân trời
khi đứng trên giàn khoan ngoài biển.
Hai gam màu đậm nhạt
cùng pha từ mực xanh.
Trưa tháng sáu bình yên
đường ranh giới biển - trời thẳng tắp.
Bốn phía biển - chân trời thành qũy tích
của hai màu giao nhau
Phía chân trời xôn xao
tàu Krưm - trạm rót dầu không bến
nhô lên lừng lững giữa biển khơi.
Những tháp khoan in trên nền trời
là biểu tượng của con người chiến thắng.
Người bạn Nga lưng trần rám nắng
mắt dõi nhìn xa xăm.
Trời về chiều, mặt biển mù sương
ngọn lửa sáng trên giàn khoan khai thác.
Bao chắt chiu từ ngàn năm mơ ước
cho hôm nay bừng sáng hướng chân trời
                             
Và ngay khi chúng mình đã xa rồi
Giàn khai thác vẫn là chân trời sáng.
____________
MSP1, 06/1987

Đêm trên tàu khoan

Đêm xuống trên boong tàu khoan
Sao trời sà ngang trước mặt
Biển thẳm ì ầm không ngớt
Từng đàn "hổ trắng" vây quanh.

Điện sáng một vùng chung chiêng
Thợ khoan lưng trần, mặt nhọ
Làm khỏe, cười vui cũng khỏe
Như chưa từng có đêm về.

Gió qua đất liền trong kia
Nhắn giúp ai còn thao thức
Chiều sâu trên ba ngàn mét
Mũi khoan cần mẫn quay vòng

Cứ như chơi trò bập bênh
(Tàu có cần khoan làm trụ)
Bên ấy dềnh lên nỗi nhớ
Bên này dâng mỏ "vàng đen".
                    
Đêm vui ngắn chẳng đầy gang
Gió biển mấy lần đổi hướng
Tàu quay như kim địa bàn
Hướng nào cũng chỉ giàn khoan

Bẵng quên đi rồi nỗi nhớ
Người thân yêu ở đất liền
Vầng trăng đung đưa mắc võng
Trên tháp khoan tàu Mi-chin.
_______________________________
Tàu khoan dầu Mi-kha-in Mir-chin, 14/04/1987


Trên cầu Tiền cảng

Tôi về đây giữa âm vang Tiền cảng
Chiếc cầu nối đất liền và biển.
Ôi! Phải chăng trước biển mênh mang
Mà ý nghĩ bỗng dâng tràn ngọn sóng?
Thềm lục địa đã thành niềm khát vọng
Cho những ai đang mỏi mắt say tìm ...
Sáng lên trong lặng lẽ ánh lửa hàn
Khối chân đế giàn khoan đang lắp ráp.
Sẽ thêm nhiều những lâu đài sắt thép
Trên biển thềm lục địa Việt Nam.
Những người con từ sông Hồng - Cửu Long
Mang áo lính nửa cuộc đời đánh giặc
Tổ Quốc gọi lên đường làm công nghiệp
Đi tìm dầu, khoác áo thợ màu xanh.
Một ngày kia
Cầu Tiền cảng sẽ dài thêm
Như cánh tay trần vươn ra biển cả
Chỉ hướng bình minh
Cho hạm đội Lam Sơn­ (*)
Cho những con tàu từ nước bạn xa xăm
Tới giúp sức xây hòa bình đất Việt.
Ngoài ấy - những giàn khoan
Những ngọn lửa thử dầu - thay ánh ngày rực sáng.
Tàu Krưm - Trạm rót dầu không bến
Mỗi ngày qua nặng thêm mấy dầu thô?
Anh công nhân tóc sáng màu Nga
Cùng bè bạn Việt Nam nói cười ồn ã
Nụ cười thắp lửa
Chỉ có ở người yêu biển đến mê say.
Năm năm qua đi tựa một ca dài
Tôi bỗng thấy mình như trẻ lại
Tôi bỗng thấy một điều chi trọng đại
Đang tới gần giữa nhộn nhịp dựng xây.

Cùng chúng tôi, bạn trẻ hãy về đây!

Ta sẽ hát khúc ca về đồng đội
Khi sóng ập chân cầu vươn dài thêm mãi
Cho thành phố - biển dầu rực sáng tương lai.
Những suối tím lửa hàn cháy sáng mãi không thôi.
Trong giấc ngủ, mơ bình minh trên biển
Mới xa một ngày, mà sao lưu luyến ...

_________________
Vũng Tàu, 1985-1987
(*)Tên một con tàu dùng để kéo khối chân đế giàn khoan ra biển.


Đà Lạt
                    Kính tặng Bùi Minh Quốc 

Tôi ở biển, lên miệt rừng tìm bạn
Biển nhớ mong và khát vọng núi đồi
Sóng Vũng Tàu tung bờm thôi thúc
Để chiều về, Đà Lạt trắng sương trôi
                                               
Phải nơi đây từ hoang dã xa xôi 
Ai đã khóc đã cười
                   trong tiếng cồng đưa tiễn
Kẻ bám đất trên rừng,
                   người xuôi về mạn biển
Để nay mình thành con cháu Rồng - Tiên.
                                                       
Bè bạn quây quần, quên cả thời gian
Thơ đọc nữa, rượu rót tràn miệng cốc
Mưa ngoài hiên cũng vô tình giữ khách
Chẳng cho về thung lũng - Tình yêu...
                             
Mai ngày xa Đà Lạt, nhớ thương nhiều
Trưa nắng hạ, ước đồi thông hai mộ
Chiều Xuân Hương, ai đó về tình tự
Gió thoảng thôi, cũng động biển Vũng Tàu        
                               
Lần đầu tiên thăm quê bạn, vui sao!
Đừng khóc nữa Cam Ly, mình gặp lại!                                               
___________                                                     
Đà lạt, 04/1988


Gửi . . .

Anh gặp em không phải lần đầu
Bao năm rồi ta đã quen nhau
Có bình minh xao động Bãi Sau
Có êm ái dặt dìu Bãi Trước
Trời dun dủi cho chúng mình nhịp bước
Tới xôn xao Tiền Cảng gọi trùng dương
                        
Bao lần bước chân qua phố nhà em
Ngập ngừng trước mỗi hàng cây ngọn gió
Em thoáng hiện, em mỉm cười bỡ ngỡ
Nét môi em còn đọng mãi trong đời.
Anh nhớ từng chiếc áo dẫu nhầu phai
Tim tím huế và mầu đen nền nã.
Có một bận em thẫn thờ trước ngõ
Áo mỡ gà mang thương nhớ day dưa…
                                                 
Có nỗi buồn nào ta chẳng sẻ chia
Và chung nhau từng niềm vui nho nhỏ...
Rồi em xa, em lấy chồng, thế đó! 
Giờ biết em về tận phương nao?
Gió, gió ơi! Hãy lắng xuống, chớ gào
Và cây nữa đừng rung lên thổn thức.
                        
Nhớ lần ấy gặp em nơi Giếng nước
Màu mắt đen quyến rũ làm sao!
Cặp mắt to như vẫy gọi, mời chào
Khiến anh phải đạp xe vòng quay lại
Theo em suốt chặng đường không giám hỏi
Lần đầu tiên nghe lòng cứ xôn xao...
                        
Rồi chúng ta quen nhau
Rồi chúng ta xa nhau ...
Màu áo đen và ánh mắt ban đầu
Ai đã dệt thành khăn tang em hỡi?
Để gặp lại bây giờ em bối rối...   
__________________
Vũng Tàu,  06/04/1987


Thêm một khoảng trời
                                            
                                              Tặng Bằng Việt

“Khoảng trời bên cửa sổ là khoảng trời của em
Một cánh chim bay qua gợi nhiều kỷ niệm 
Một giọt sao chiều xuyên qua nỗi nhớ ... 
Và tình yêu bao la ...
Rồi đi xa, đi xa
Ta đo lòng ta qua bao nhiêu cửa sổ con tàu
Em ơi! Đất nước mình mênh mông quá ...”*
                         
Để hôm nay trên biển thềm lục địa
Sóng miên man bao kỷ niệm thiếu thời
Anh muốn dâng em thêm một khoảng trời
Có ranh giới biển - trời thẳng tắp
Hai gam màu đậm - nhạt
Cùng pha từ mực xanh
Trưa tháng sáu bình yên
Chân trời xa ngút mắt
Tiếng máy khoan rộn ràng náo nức
Trạm rót dầu - không bến xôn xao
Em hãy cùng anh lên tận tháp khoan cao
Nhìn biển lặng trước con người chiến thắng
Chiều ập xuống, mà biển lòa ánh sáng
Bởi ngọn lửa dầu thô rừng rực trên đầu                             
                           
Anh gửi về em không phải giọt sao chiều
Mang nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa 
Xin gửi về em qua lời biển cả
Một khoảng trời - không bến xôn xao.
  ________________________           
  Giàn khoan dầu Ê-kha-bi, 26/06/1986
  * - Trích thơ Bằng Việt 

Lời  biển

Xin đừng đi Đà Lạt nghe em!
Nắng bụi đường xa bái ngái.
Em chẳng thấy Vũng Tàu biển gọi
Cuối mùa khô, biển mở rộng lòng hơn?
                      
Đà Lạt buồn và lắm thở than
Liệu có rũ hết bụi đường nếm trải?
Hoa tàn rồi, người xưa giờ trở lại
Nghe lòng buồn như tiếng khóc Cam Ly

Nhưng mà thôi, giữ em lại làm chi
Ai bù đắp được tình yêu bội bạc?
Bao kẻ khác bán mua và đổi chác
Vẫn cười tươi trong hạnh phúc sau cùng...

Em có nghe như biển cũng giận hờn
Nghe gió thoảng vị tình yêu Đà Lạt
_______________
Vũng Tàu, 21/04/1992


                  Tạm biệt

                  Em chờ tôi để nói lời tạm biệt
                  - Mai, em đi Đà Lạt nghe anh
                  Tôi giận em, nhưng rồi vội làm lành
                  Khi em bảo: khiếp, sao mà điệu thế!
                                    
                  Em thì cứ hồn nhiên như gió
                  Để cho tôi là bờ đá lặng câm
                  Biết làm sao ?
                  Đời trễ muộn rồi em
                  Đã đến lúc em đi tìm yên ổn
                                    
                  Đã đến lúc lòng em lắng xuống
                  Cho riêng em trong mái ấm gia đình
                  Những xôn xao ầm ỹ chốn thị thành
                  Em gác lại cho mình tôi trăn trở
                                   
                  Bao ký ức ào qua như thác lũ
                  Cam Ly ơi! Xin dừng lại chốn này
                  Giọt nào buồn xin hãy chảy về xuôi
                  Cho giọt nhớ dâng trào lên khóe mắt
                                   
                  Thôi hết rồi những cuộc tình bất chợt
                  Những nụ cười và ánh mắt hân hoan
                  Em bâng khuâng nay đã chọn một dòng
                  Về thung lũng của tình - yêu - phải - đạo
                                    
                  Sương chiều nhẹ phủ hờ lên vai áo
                  Hàng thông buồn thôi cất tiếng thở than
                  "Xuân Hương" xưa...giờ đành vậy im lìm
                  "Thị Mầu" đó...đã chìm vào dĩ vãng
                                    
                  Tôi vẫn biết sẽ có ngày xa vắng
                  Sao chiều nay em thanh thản lạ thường
                  Lời hồn nhiên nghe đau nhói con tim
                  Tôi ngơ ngác nhìn bóng em xa khuất.
                  _______________
                  Vũng Tàu, 22/04/1992                                                                                 


Đêm và ngày

Có một lần tôi biết
Biển đêm hung giữ thế nào
Đêm không sao, bồng bềnh chao đảo
Trăng hạ tuần tháng Tư chìm vào mây đen
Hắt ánh bạc lên đầu ngàn “hổ trắng”
Thật là ghê rợn!
Sóng xô mạn tàu khoan
Dâng lên, dồi xuống
Nước bắn lên sàn tàu trắng xóa
Gió hai mươi lăm mét giây
Xô cần khoan va vào nhau loàng đoàng
Những sợi cáp chạm nhau lanh canh
Cần cẩu nghiêng mình hạ xuống
Như một người chiến sỹ bị thương
Tàu khoan tựa ngôi nhà trống gió ..
Nhưng không đâu!
Máy vẫn chạy rền vang
Choòng khoan vẫn quay vòng hối hả
Mấy người bạn Nga cởi trần, mũi đỏ
Bên các bạn Việt Nam
Vẫn tiếp thêm cần khoan khi chưa tới mạch dầu
Anh công nhân rậm râu
đang phun nước làm vệ sinh công nghiệp.
Dưới tay anh, những dấu giày vội vàng hấp tấp
sạch bong sau một hồi tẩy rửa.
Tàu chòng chành nghiêng ngửa
ở nơi đây vẫn ấm lửa nhiệt tình
vì một nền dầu mỏ Việt Nam.
Tôi xem đồng hồ: đã quá một giờ đêm
Các giàn khoan cạnh bên
Lửa khai thác vẫn bùng lên mãnh liệt
Hạnh phúc nở rồi! em ơi có biết?
Tìm được dầu và được yêu em


Sau ca đêm
Bếp ăn có mười hai người
Thợ khoan - chín
Tôi cùng anh rậm râu
Và một bà nấu bếp
Cười như ngô rang
                      
Bình minh lên
Biển trở lại yên bình
Trên tháp khoan, phấp phới ngọn cờ Tổ quốc   
___________________________­­­________
Tàu khoan dầu Mi-kha-in Mir-chin, 01h 18/04/1987

                  
Gửi Hưng Yên  

Ngày ấy...
Tình yêu chớm hé
Hoa cải cúc vàng mơ trước ngõ
Giọt mưa thu tí tách sau nhà

Em hồn nhiên như cơn gió ào qua
Túi xách đỏ xôn xao nhà tập thể
Dai dẳng mãi khát khao và kiềm chế
Để bây giờ thành nô lệ mình tôi.
                
Hưng Yên ơi! Đi già nửa cuộc đời
Vẫn gặp lại những ngày xưa khờ dại
Tình yêu bây giờ thành kẻ thù thân ái
Gần nhau chi, khi buột miệng rằng yêu...

Gần nhau chi khi em đã qua cầu 
Kiêu hãnh trong sắc màu xiêm áo
Biển xa xanh, trời cao xanh hư ảo
Em rất gần mà đành vậy rồi xa ...

Giá tình yêu đừng một phút thăng hoa
Em cứ trẻ cho tôi già trước tuổi…
___________
Hưng Yên, 1972  Vũng Tàu, 27/02/1992

             
              Gặp lại
                                                      Tặng ML.
            
             Có ai hay, ngày chúng mình gặp lại
             Trăng cũng tròn như mười sáu năm xa
             Hưng Yên ơi! Nghe dĩ vãng vọng về
             Bao kỷ niệm vui buồn thời xưa cũ...
  
             Sông Hồng dâng mênh mang mùa nước lũ
             Dáng em gầy thấp thoáng ở triền đê
             Mái nhà tranh lặng lẽ dưới bờ tre
             Có bóng mẹ ngóng con giờ tan học...

             Rồi vụt lớn như thiên thần trước mặt
             Em hồn nhiên như ngọn gió đồng quê
             Nghe tiếng cười trong vắt tựa pha lê
             Nghe giọng nói ngọt vị đường phố Hiến
  
             Hoa lục bình vẫn mênh mang màu tím
             Em vô tình...thôi đành vậy, rồi xa
             Chiêù Hưng Yên vang vọng tiếng chuông chùa
             Như đưa tiễn bước chân người phiêu lãng
  
             Có ai hay, mười sáu năm xa vắng
             Mình gặp nhau trên đất cảng Vũng Tàu
             Biển ồn ào toàn những chuyện không đâu
             Núi im lặng bạc đầu thêm kỷ niệm.
            _______________
            Vũng Tàu, 30/04/1991 (16/3 năm Tân Mùi)


Mưa
              Tặng bạn Lê Văn Hưng* và Nguyễn Duy Thược

Có những giọt mưa không phải tự trên trời
Mà rơi xuống từ tháp khoan dầu - khí
Những giọt mưa
Lẫn bùn đất mấy trăm ngàn thế kỷ
Cứ mặc nhiên rơi thẳng xuống sàn khoan.

Biển dưới chân vẫn sóng vỗ vô tình
Trời thu vẫn màu xanh bình thản
Mưa trong nắng trên sàn khoan lấp lánh
Gương mặt nào cũng rạng rỡ niềm tin.

Những người thợ bắn mìn
Trong mưa rơi vẫn nói cười hể hả
Đem sức nóng trái tim mình son trẻ
Mở những mạch dầu mấy ngàn mét tầng sâu

Mưa, vẫn mưa xối xả trên đầu
Mìn đã nổ!
Mở vỉa rồi!
Kéo cáp!
Niềm mơ ước tự bao đời ôm ấp
Nở sáng bừng trong mắt thợ giàn khoan.

Những giọt dầu theo cáp ngược lên
Đang rơi xuống giữa tiếng cười chiến thắng.
_________________________
MSP3 (bắn mìn GK.64), 22/09/1987. 
* Bạn Lê văn Hưng (Thái Bình) đã chết.                                      


Thơ trên biển

Đêm vui bồng bềnh trên sóng
Vẫn mơ về với đất liền
Khát khao chìm trong lòng biển
Nào ngờ lại nhớ em hơn...

Em đừng trách nhé nghe em
Ai chẳng một lần yêu biển?
Cát bụi chìm vào sâu thẳm
Sạch trong giành lại cho em...

Bởi chăng xa thương gần nhớ
Giữa bao tất bật đời thường
Nên khi chìm vào quên lãng
Bồng bềnh bao nỗi nhớ em.
______________________________________
Tàu khoan dầu Mi-kha-in Mir-chin, 03/04/1987


Niềm vui ca đêm

Đêm nay thức mắt cay sè gió biển
Hương dầu bay, ai thắp sáng một vùng
Sóng trắng xô trên mặt biển mênh mông
Mìn đã nổ xong rồi! Kéo cáp!

Có ai hay? Từ thẳm sâu lòng đất
Dòng dầu kia cũng nức nở, sụt sùi
Cũng phải "tìm", phải "gọi" đó thôi
Cũng hờn giận và bùng lên như lửa.

Rồi ngoan ngoãn chảy xuôi về bể chứa
Tàu Chí Linh đang mở cửa đón chờ.
Sẽ về đây trăm sắc thắm ngọn cờ
Quanh cảng mới không có nhà, không phố.

Đất liền ơi! Ai đó còn thức ngủ
Hãy cho tôi chia sẻ phút vui này
Mìn nổ rồi!
Khơi dòng mới hôm nay
Có động biển trong bờ kia sóng vỗ?
_____________
MSP9, 05/11/1992


Chỗ đứng

Chúng tôi chọn chỗ đứng cho mình
Nơi trái đất chưa một lần lộ mặt
Biển với trời dệt màu xanh bát ngát
Tự ngàn năm vẫn sóng gió hoang sơ

Không một màu xanh cây lá, cỏ hoa
Chỉ có giàn khoan chúng tôi vươn thẳng
Vượt thời gian, mũi khoan quay năm tháng
Xuyên bao tầng trầm tích gọi dầu lên
                      
Gió vẫn gầm vang hú gọi biển đêm
Sóng ập tới cao chừng mấy thước
Chưa quen với con người và sắt thép
Chúng vờn quanh dọa dẫm, van nài
                      
Ai bảo Vũng Tàu bé tựa bàn tay,
Khi có chúng tôi xây THÀNH PHỐ NỔI?
Điện sáng trắng suốt một vùng đất mới
Dầu phun lên - mùa khai thác bắt đầu!
                      
Gió bỗng lặng im, sóng bớt ầm ào
Thiên nhiên sững sờ trước con người chiến thắng
Tháng năm này, biển Vũng Tàu vui lắm
Chúng tôi tìm ra chỗ đứng cho mình.
__________________________
Vũng Tàu - mỏ dầu Bạch Hổ, 05/1986

Quãng vắng

                    Quãng đường ấy gió lồng lên giông bão
                    Cây trơ xương hứng cát bụi mù trời
                    Tôi một mình chống chọi với lòng tôi
                    Nhích từng bước trên quãng dài thê thảm

                    Nghe tiếng em chân thành mời trú tạm
                    "Anh vào đây hưởng trái cấm cầm hơi"
                    Tôi nhìn quanh ngơ ngác
                                                    Tiếng em cười
                    Áo xiêm em mỏng tang màu biển cả...

                    Từ bữa ấy, tôi thấy mình khác lạ
                    Tiếng em cười hồn nhiên qúa đâu đây
                    Áo xanh ai - cũng thấp thoáng em hoài
                    Nghe gió thoảng tưởng lời em tình tự

                    Quãng đường ấy, gió bùng lên quá khứ
                    Dẫu biết em về bến đợi lâu rồi.
                    Núi Lớn kia và núi Nhỏ song đôi
                    Cho tôi sợ một mình trên quãng vắng.
                    ________________                           
                    Vũng Tàu,  27/01/1992
Tuổi 40

Em ngắt đi những cánh hoa tàn phai
Cho thắm lại đóa hồng đang ủ rũ
Đơn giản thế, mà sao em tư lự
Môi run lên theo nhịp trái tim thầm...

Năm tháng qua đi, em mặn mà thêm.
Lũ trẻ bây giờ khôn ranh hơn trước
Không quanh co, chẳng bao giờ dè dặt
Những cuộc tình sớm nắng, chiều mưa

Ta tự hào những giai điệu ngày xưa
Cái liếc mắt - nụ tầm xuân khô héo
Cái chân bước nhẹ nhàng như chân sáo
Hoa mướp vàng trước ngõ cứ vàng mơ

Một tình yêu đeo đẳng tự bao giờ
Em chẳng biết - chỉ trò đùa lũ trẻ.
_____________
              Vũng Tàu, 05/1994                                    

Mùa đông
                                       
Thế nào rồi cũng đến mùa đông
Đừng nhé nghe em, rằng đã lạnh lòng
Thì mùa đông không đến.
              
Nhớ khi xưa
Má hồng như táo chín
Em đạp xe băng qua mảng trời chiều
Dốc bờ đê chợ Gạo cao cao
Bóng em mờ trong chiều tím
Ôi nhớ lắm! Những chiều phố Hiến
Nét thanh bình thị xã Hưng Yên
Hoa mướp vàng trong gió ngả nghiêng
Sen tháng chín lụi dần trong gió bấc
Mùa hè thoáng qua em, rồi vụt tắt
Em lấy chồng, thế là đã mùa đông. . .
               
Giờ ngồi bên anh, dù có lạnh lòng
Thì mùa đông cũng đến
Với anh, mùa đông như trái chín
Cứ rụng dần xuống mỗi dòng thơ.
_______________
Vũng Tàu, 15/02/95

Hoa lạ

Đóa hoa lạ tự chân trời phương Bắc
Dạt vô Nam, tới miền đất Vũng Tàu.
Nắng xôn xang và cây lá lao xao,
Lũ ong bướm cũng hò reo nao nức.

Ngân cao vút những lời em hát
Giọng ca buồn mang giá rét mùa Đông
Lời mượt mà như nắng nhẹ mùa Xuân
Rồi bùng cháy tựa gió Lào, nắng Hạ

Có khi nào? Chẳng bao giờ đến thế
Lòng anh say như sóng bể trào dâng.
Xin dừng lời, thôi say đắm triền miên
Em đừng hát trong tội tình thổn thức

Đóa hoa lạ tự chân trời phương Bắc
Dạt vô Nam, tới miền đất Vũng Tàu.
Nắng xôn xang và cây lá lao xao,
Lũ ong bướm cũng hò reo nao nức.

Anh chẳng thể ra về trong tiếng hát . . .
___________
Vũng Tàu, 1997

Mùa hè - mùa đông
  
Tôi đổi mùa hè để được mùa đông
Đành vậy thôi em - tình đã lỡ làng
Ai hăm hở, bốc tình rực lửa
Ai lạnh lùng đến tận giá băng.
_________________
Krax-nơ-đar,  10/01/1995                                                                  

Từ vũng tàu nhớ Hồ Gươm
                                                   
Tôi lại đi trên đường phố Vũng Tàu
Gió mát xuôi về đâu, thổi mãi...
Một thoáng thôi mà xa rồi Hà - Nội
Lắm vui buồn ta gửi lại cho nhau.
Cái rét ngọt ngào man mác đâu đâu
Mà về lại một Vũng Tàu cháy bỏng
Hướng Tiền Cảng thênh thang đường rộng
Tôi và em chẳng thể đi cùng.
Hà Nội ơi! Rét ngọt đến lạ lùng
Gần nhau đấy và cũng xa nhau đấy.
Má hồng ơi! Dẫu xa nhau mãi
Vẫn nhớ về ánh mắt biếc Hồ Gươm
Biết làm sao? Tôi chẳng thể cùng em
Dẫu một bận vào thăm Tiền Cảng…
Cánh tay trần
Những cần cẩu vươn mình trong nắng
Sắt thép dựng cao thêm một khung trời.

...Cho thành phố biển dầu sáng đẹp tương lai
Ta đã chia tay trong mưa xuân nhẹ hạt.
Ước giữa nắng Vũng Tàu, một chiều về rét ngọt
Có môi hồng và ánh mắt Hồ Gươm.
________________
Vũng Tàu, Tết 1992

Gửi người yêu biển


Em nói, rằng em thích biển. . .
Thì đấy - biển trườn dưới chân em.
Ồn ả và lặng im,
Cồn cào mà sâu thẳm
Biển bao giờ chả thế!
Chẳng bình yên như em nghĩ đâu mà.

Thôi thì cứ tránh xa!
Kẻo biển ôm vào lòng tất cả.
Ai bảo: biển chiều nay êm ả
Gợn sóng vàng nắng quái chiều hôm. . .

Những ngày xa, như biển cũng nao lòng
Cuồn cuộn chảy tới phương nào xa lạ
Chợt sững lại, giữa một chiều lộng gió
Nhẹ nhàng ôm bờ cát cũ quê nhà.

Ước chi anh là biển thẳm bao la
Đủ sức chứa tình yêu em rộng lớn
Thôi xin em, đừng có mà thích biển
Kẻo cuộc đời rồi bão táp, phong ba.
_________________
Vũng Tàu, 08/03/2002


Đóa hoa hồng

Có một đóa hoa hồng
Lặng im trong góc phòng
Cười mỉm
                
Ai cho ta đóa hồng
không tỏa mùi thơm
Chỉ khoe sắc thắm
Nhẫn tâm
                
Tôi biết bông hồng có gai
Đừng có mà đụng đến!
Vẫn mong sao sắc thắm
Không tàn.
_______________
Vũng Tàu, 27/11/1990

Phân trần

Anh với em như đất liền bên biển
Im làm sao khi sóng vỗ rung bờ?
Mặt trời kia còn có vết nữa là
Anh với em giữa đời thường ấm lạnh.
                        
Mà đã sao? Khi bộc bạch lòng yêu
Theo gió thoảng, lời ai rồi tan biến
Để trở về với khuôn viên thầm lặng
Giữa xích xiềng đạo đức phủ rêu xanh.
                         
Hãy vì em, mà thứ lỗi cho anh
Yêu chân thật để thôi đành nói dối.
Lòng vẫn ước được quay vòng trở lại
Thuở ngày xưa tim tím cánh hoa bèo.
_______________
Vũng Tàu, 12/11/1990


Vô tình

Nhìn sâu vào đáy mắt của em
Tôi vẫn chẳng tìm được lời khuyên bảo.
Trong tôi tất cả đều chao đảo
Biết nói với em làm sao?
                      
Trong cuộc đời, tôi nào đã có em
Sao thổn thức con tim đành để mất
Đôi mắt nhung huyền ngước nhìn tôi bất lực
Như cầu mong, như van nài...
                       
Em đang là mùa xuân tràn đầy
Với em biển xanh và nắng ấm
Chiều Bãi Trước gió nồm nam gợi cảm
Cứ thì thào trong tán lá lao xao
                        
Với em tất cả hóa tình yêu
Những con còng ngơ mắt nhìn em bước
Và lời em giòn tan
Xen tiếng cười trong vắt
Cứ bộn bề trong ký ức người qua…
                        
Tôi chỉ là thi sĩ thôi em
Vô tình quá, mặt biển êm đềm quá
Em biết đâu giữa lòng mang giông tố
Chẳng phải con còng ngơ ngác lúc em qua.
                         
Em trách hoài, tôi đành phải chịu thua
Biết trả lời sao? khi tim mình yêu thật
Lại phải gượng cười khuyên em yêu kẻ khác
Đành vô tình trước đôi mắt màu nhung.
___________                                             
Vũng Tàu, 1990

Có một tình yêu

Em để lòng mình trãi tới tận phương xa
Kể từ dạo tiễn anh vào trong đó
Nơi nắng gió ngập tràn trước ngõ
Nơi biển xanh, cát trắng - Vũng Tàu

Nơi ấy, nào Bãi Trước, Bãi Sau,
Rồi núi Lớn cạnh Bãi Dâu lặng lẽ . . .
Đường Hạ Long vòng vèo núi Nhỏ
Gió mát về mỗi sáng mũi Nghinh Phong

Ngoài khơi xa, như biển cũng nao lòng
Quanh quẩn mãi bên giàn khoan mới dựng
Những lâu đài nguy nga trên biển sóng
Điện sáng bừng “Thành Phố Nổi” đêm đêm

Những cánh tay trần như mãi sáng lên
Mùa khai thác những tấn dầu trăm triệu . . .
Chiều Hà Nội mưa phùn lạnh lẽo
Em lại nhớ về nơi ấy - một anh thôi!

Có một tình yêu thế đó, anh ơi!
Có nỗi nhớ Vũng Tàu xanh biếc
Dù tiếng Nga em còn chưa biết viết
Vẫn thiết tha hoài “Viêt-Sôv-petro”(*)
_____________
Hà Nội, 30/09/1995
(*) - Tên viết tắt của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt Xô


Không đề

I.
Biển lộng xôn xao, sóng dạt dào
Biển trời thêm rộng bởi có nhau
Trước biển, lòng ta thành bát ngát
Yêu nhiều, ta đã thấm vào đâu.
___________
Vũng Tàu, 12/2005

II.
Em đã có một trái tim tròn trịa
Sao em yêu như một kẻ nửa vời?
Đã bao lần em chỉ lặng nhìn thôi
Cũng đủ khiến lòng tôi thành tan nát

"Em cứ vậy, chân trần đi trên cát…"
Để sóng òa nức nở quanh em…
__________________
Vũng Tàu, 05/10/1991

III.
Em có thấy trăng buồn lăn xuống biển
Em có hay gió Côn Đảo chao bờ?
Anh ngồi bên kè đá thẫn thờ
Nghe sóng vỗ chuyện ngày xưa xa ngái
_____________
Vũng Tàu, 2005


Bâng quơ

Núi im lặng xoài chân xuống biển
Biển hồn nhiên xõa sóng cười xòa.
Ấy là cái thuở ngày xưa…
Bao giờ cho tới ngày xưa hỡi người?        
                                 
Thôi thì đành vậy người ơi!
Đành cho kè đá ngăn đôi tấm tình
Bên này, núi đứng lặng thinh
Bên kia, biển sóng cong mình quặn đau

Vì sao biển bạc mái đầu?
Vì sao núi đứng âu sầu trầm tư?
Để rồi ai cứ bâng quơ
Hai mươi năm ấy, bây giờ buồn vui
__________________
Vũng Tàu, 28/12/1994

Trước biển


Vĩnh biệt nhé những âm thầm tĩnh lặng
Phút cuối cùng biển quấn quýt bên tôi
Sóng vỗ hoài, vỗ mãi không thôi
Nắng long lanh in sắc trời xanh biếc

Tôi biết lắm những âm thầm nuối tiếc
Những dùng dằng e lệ nơi em
Cặp mắt đen cứ ngời sáng long lanh
Rồi vụt tắt trước đại ngàn sóng trắng


Tôi chạy dọc bến bờ em xao xuyến
Vẫn thẫn thờ nín lặng làm thinh
Ngọn lửa nào bùng cháy trong tim
Em đã đốt tự ngày đầu gặp gỡ


Yêu, yêu lắm những bông đùa nho nhỏ
Em giành riêng như hé mở cõi lòng
Những âm thanh và ánh mắt nồng nàn
Yêu chưa thỏa, nhưng giờ đành vĩnh biệt


_____________
Vũng Tàu, 1988



Tập thơ Góp vào hương biển


Đôi lời  “Góp vào hương biển”

 … Tôi vừa ngạc nhiên vừa thú vị là phần lớn những bài trong tập là thơ tình.
Hóa ra anh chàng kỹ sư dầu khí có vẻ chân chất và khô khan này lại có những mối tình lãng mạn và hoành tráng đến vậy!
Căn cứ vào ngày tháng và địa danh đề dưới những bài thơ, thì những cuộc tình có một khoảng thời gian, không gian rộng dài đầy trăng gió, hoa lá và mưa…
                        Có lúc gần gũi như ngày cưới:
               Ồ, vui quá! Giá ngày nào cũng cưới
Để em cười bịn rịn trên môi.
Và lúc xa:
                            Để chân trời một cánh chim
Và nơi anh, một trái tim bồn chồn…

Văn Bản với tình cảm chân thực, ý lời vương vấn chân quê đưa thơ anh tới bạn đọc những cảm xúc nhẹ nhàng bình dị, điều đó khiến thơ anh neo đậu lại ít nhiều trong tâm trí họ.

Xuân Bính Tuất, 2006
XUÂN SÁCH


Đất nước
                                   
Đất nước mình cởi áo cho nhau 
Chạm ngõ mời trầu, gặp nhau mời nước
Bao thế hệ lên đường đánh giặc
Vẫn truyền cho nhau trọn vẹn nụ cười

Dáng tre xanh có tự bao đời
Vẫn vươn thẳng như người nước Việt
Cây xấu hổ làm duyên tinh nghịch
Để ai thương suốt chiến dịch dài

Đất nước mình hạt lúa, củ khoai
Ăn chắc mặc bền,
Lá lành đùm lá rách
Sức ta đủ xây ngàn Kim - Tự - Tháp
Đem chống xâm lăng, chưa kịp xây đời

Hố bom xưa, nay bãi sa bồi,
Đất hồi sinh, thắm tay người chăm bón
Cây độc lập, tưới mồ hôi sẽ lớn
Trời tự do, vang mãi khúc khải hoàn

Dẫu còn nhiều vất vả, gian nan
Nhưng đất nước đang căng tràn sức trẻ
Những dòng sông ngàn năm lặng lẽ
Mang phù sa bồi đắp nước non này


Ta nhìn về lịch sử một phút giây
Niềm tin lớn theo tháng ngày kết trái
Bởi đất nước chúng ta giàu lẽ phải
Nên tình yêu ta trẻ mãi không già.
_______________                    
Thanh Hóa, 5.1975

Mưa

Mưa xối lòng anh, mưa bay bay
Mưa thấm hàng mi giọt ngắn dài
Cánh én giữa trời mưa, gió thổi
Mưa từ mắt em, mưa từ mây?
____________________
Gia Lương - Hà Bắc, 04/1968

Kỷ niệm
                                  
Có một lần em đứng bên khung cửa
Mái tóc, bàn chân bừng ánh nắng ban mai
Hình ảnh em với sức mạnh diệu kỳ
Còn đọng lại trong lòng anh mãi mãi

Lòng ao ước: em đứng hoài nơi ấy
Để anh làm gió bốn phương trời
Bay theo cánh nhạn chơi vơi
Đến vờn em trên mái tóc…

Không! Đó chỉ là mơ ước
Chẳng bao giờ thành sự thật đâu em
Vì em xa…khe khắt cả cái nhìn
Đâu dám ước nụ cười hay tiếng hát

Nhưng em ơi! Lòng anh đang réo rắt
Bản tình ca dào dạt giữa hai ta
Cho dù anh nổi phong ba
Cho dù em chẳng thiết tha mặn nồng

Nhưng có một lần
Có một lần em đứng bên khung cửa
Mái tóc, bàn chân bừng ánh nắng ban mai
______________________
Gia Lương - Hà Bắc, 07/05/1969

Mưa ngâu
                     
Anh kể em nghe chuyện ngày xưa
Câu chuyện mà ai ai cũng biết
Ngoài trời mưa vẫn rơi không ngớt
Như dòng nước mắt
Chẳng bao giờ chảy hết
Của cặp nhân tình Chức Nữ - Ngưu Lang

Em nghe đã trăm lần
Mà sao vẫn còn thổn thức
Thương Chức Nữ - Ngưu Lang
Mỗi năm chỉ một lần gặp mặt

Nhưng em ơi!
Cuộc sống chúng mình
        có gì khác Ngưu Lang cùng Chức Nữ?
Cũng vào dịp mưa ngâu
Từ những phương xa, theo bóng con tàu
Ta về gặp nhau trên quê hương nho nhỏ
Ôi cuộc sống phồn hoa, ôi một thời son trẻ
Chỉ bó tròn trong những bữa mưa ngâu
Còn đâu?
Những ngày xuân bướm lượn hoa ngàn
Những ngày hè ráng chiều nhuộm đỏ quê hương
Và những ngày thu trãi hoa vàng trước ngõ…

Ta chia tay cũng một ngày mưa ngâu ra rả
Lòng hẹn lòng chờ những bữa mưa ngâu
______________
Thanh Hóa, hè 1968

Nỗi nhớ
                                  
Và khi ánh chiều dần tắt
Làn sương lam nhẹ phủ cánh đồng
Hương lúa thơm thơm ngào ngạt
Lao xao chiền chiện lượn vòng…

Và khi trên trời
Những ngôi sao hè sóng sánh va nhau
Và tất cả, dẫu là điều nho nhỏ
Cũng gợi trong anh nỗi nhớ
Triền miên

Em ơi! Từ dạo xa nhau
Anh cảm nhận một tình yêu ngây ngất
Và thời gian - con mắt đời nghiêm khắc
Lặng nhìn anh, dường hiểu thấu tâm can

Anh bỗng sững sờ chợt hiểu
Chỉ có thời gian và bao cách trở
Nâng tình ta lên ngang tầm những vì sao
Có nỗi nhớ nào bằng nỗi nhớ người yêu!
______________________
Gia Lương - Hà Bắc, 05/05/1969

Tâm sự gửi em

Em yêu ơi! Em suy nghĩ điều chi?
Khi chiều nay gió lạnh tràn khung cửa
Từ tầng cao, mắt em như đốm lửa
Lặng yên.

Em ơi em! Không muốn hỏi nhiều thêm
Khi đời anh, em đã thuộc từng trang nhỏ
Trong tay em, cuộc đời anh đang mở
Từng trang.

"Sao không viết em ơi
                        dù chỉ một dòng, một chữ
Để trong anh định hướng cuộc đời?"
Lòng anh yêu em
Tha thiết lắm, em ơi!
__________________
Mễ Trì - Hà Nội, 10/1970

Gặp em
                                  
Anh gặp em cuối mùa thu bảy mốt
Nắng sẫm vàng, trời xanh trong khóe mắt
Lặng nhìn nhau ta chẳng nói năng chi
Chỉ mỉm cười thôi, như quen tự bao giờ

Và rặng nhãn bên đường như cũng ngẩn ngơ
Và thời gian như ngừng trôi trên má
Hưng Yên đây, một chiều thu ngọt mía
Anh gặp em rồi, đời bỗng thấy vui lên

Anh gặp em cuối mùa thu bảy mốt
Nắng sẫm vàng, trời xanh trong khóe mắt
Gió thu về vờn khẽ tóc mây trôi
Và môi em mỉm một nụ cười…

Xa em rồi, còn nhớ mãi em ơi!
_______________
Hưng Yên, 25/09/1971

Về Làng Đại

Một chiều ghé xuống thăm em,
Bỗng dưng Làng Đại trở nên mặn mà.
Em thương trưa nắng, đường xa
Canh cua em nấu với cà cho ăn
Em săn sóc chỗ tôi nằm,
Mắc màn, đuổi muỗi, kê chăn gối đầu.
Đêm nằm, tôi có ngủ đâu
Nghe sao rụng ướt đẫm bầu trời khuya.
_____________
Hưng Yên, hè 1972

Cây nhãn Hưng Yên
                                  
Cây nhãn Hưng Yên như người mẹ hiền từ
Thân xù xì, mải chắt chiu cho đời vị ngọt
Mùa xuân đến, mưa nhẹ rơi lất phất
Nhãn lồng đâm chồi, nở hoa.

Cô gái Hưng Yên vui vẻ, hiền hòa
Rất giống mẹ: hay làm, hay hát
Nắng trưa hè trải vàng thấm ngọt
Rộn ràng muôn tiếng ong…

Ôi! Vui làm sao mùa nhãn lồng
Nắng vàng nhạt trên cánh đồng ngọt mía
Cô gái Hưng Yên
                        mắt đen tròn
                                     mỉm cười nhỏ nhẹ
"Mời anh ăn nhãn quê em…"

Mấy quả nhãn lồng em chọn trao anh
Dịu ngọt hương đồng cỏ nội
Em ơi! Xa rồi nhớ mãi
Ơ! hình quả nhãn - trái tim.
_____________
Hưng Yên, hè 1972

Tặng hoa
                                  
Em thương…tặng đóa hoa nhài
Ngập ngừng…nửa nói, nửa cười lại thôi.
Bông hoa trắng cũng bồi hồi
Tình yêu quyện với hương nhài, ơi em!

Anh đi khảo sát trăm miền
Hương nhài thoang thoảng, tình em đậm đà.
___________________________________
Liên Đoàn địa chất 36 - Hưng Yên, 04/1973
 
Bão tan
                                  
Bão tan rồi, em ơi!
Đêm nay trời lặng gió
Những vì sao lấp ló
Vàng trăng khuyết hững hờ

Một mình anh thẫn thơ
Không làm sao ngủ được
Bão lòng dâng thổn thức
Bởi gặp em bất ngờ

Lưu lyến tự bao giờ
Để nên lòng giông bão
Đôi mắt huyền kín đáo
Lặng nhìn anh, khẽ cười

Để nay bão tan rồi
Giữa thanh bình phố nhỏ
Có một người trăn trở
Với ngọn đèn trầm tư.
_____________
Hưng Yên, hè 1973

Lịch sử các vì sao
                                  
Trái tim từng nung đỏ
Từ mặt trời yêu đương
Đắm đuối biển đau thương
Bùng nổ!

Muôn mảnh tim tan vỡ
Sợ sệt vút lên cao
Ngàn năm còn nhấp nháy
Lịch sử các vì sao.
___________
Hưng Yên, 1971

Niềm thương cách trở
                              
                     Tặng Lê Thị Trịnh (Lai Châu)

Đêm qua mưa đổ, sấm gầm
Anh không ngủ được, anh nằm nhớ em
Sao mưa gió cứ về đêm
Núi sông sao khéo gợi niềm em xa?
Đường ơi! Sao lắm cầu phà?
Chiều ơi! Sao nắng buông nhòa phía em?
Để chân trời một cánh chim
Và nơi anh, một trái tim bồn chồn…

Gần em, sống đỡ buồn hơn
Nắng mưa san sẻ nguồn cơn cuộc đời
Thôi đừng mưa nữa, mưa ơi!
Kẻo phương xa ấy có người nhớ ta

…Vẫn mưa lã chã sau nhà
Xa xa chớp giật chói lòa chân mây
Muốn băng ngàn dặm đêm dày
Đến bên em khẽ cầm tay ngọt bùi

Có gì trong mưa bồi hồi
Ngủ ngon em nhé! Anh ngồi cạnh đây
________________
Hưng Yên, 04/1972

Tình yêu
                            
Anh yêu em từ rung động trái tim
Nên mãi mãi tình yêu ta đẹp.
Ngắn ngủi quá những lần gặp mặt
Sao bồi hồi, xao xuyến thế em ơi!

Xa nhau góc bể chân trời
Tình yêu ta mãi sáng ngời niềm tin.
___________
Hưng Yên, 1973

Bài thơ ngày cưới
                              
                                  Tặng Lê Thị Trịnh

Mùa đẹp nhất là mùa xuân em nhỉ?
Nắng vàng hoe là nắng của tình yêu
Sáng mai ra, mưa bụi rắc nhiều
Em có thấy xuân về trong ngày cưới?

Vui cánh én bay ngang trời chấp chới
Giữa không gian vời vợi xanh trong
Yêu lắm rồi, em có biết không?
Hoa đã nở cho chúng mình ngày cưới

Em sẽ thẹn vì những niềm vui mới
Áo em hồng cho đôi má hồng thêm
Mưa long lanh đậu trên mái tóc mềm
Mắt e lệ, anh muốn nhìn em mãi

Bước em đi có nắng trời theo trải
Miệng em cười như một đóa hoa đơm
Tình thắm nồng đang tỏa hương thơm
Môi em đỏ au au mầu mận chín

Ồ, vui quá! Giá ngày nào cũng cưới
Để em cười bịn rịn trên môi.
___________________
Thanh Hóa, 04 Tết 1974

Đất
                      
“Khi vừa sinh ra con,
Mẹ chôn nhúm rau vào lòng của đất
Đất giữ gìn rất chặt,
Một phần máu thịt mẹ con ta…”*

Có những lúc lòng ta thắt lại
Đắn đo chờ mỗi cái nhìn
Khóc hay cười, khi đứa trẻ sơ sinh
Cất tiếng chào đời - chính con ta đó!
Đất cho ta mùa vàng khoai lúa
Nâng tâm hồn nhẹ bẫng cánh diều bay
Mỗi thành công đều xuất phát từ đây
Mọi mơ ước cũng bắt đầu từ đất.
Có những lúc trong chiều nồm man mác
Sao mắt ta lệ vẫn ứa tràn
Nhớ những ngày côi cút lầm than
Của quá khứ chất chồng bao kỷ niệm…
Ta đã lớn! Ồ, ta đã lớn!
Càng vui hơn nghe con khóc chào đời
Cánh tay hồng con vươn tới tương lai
Cha vẫy gọi đưa con vào thế kỷ.

Và rồi đất lại là nơi gặp gỡ
Của tình yêu, của mơ ước cao xa
Có trên đời một thiếu nữ Phương Nga
“Lành như đất” - đó là lời của Mẹ.
_______________________                                            
* - Trích thơ Lưu Đình Long
Thanh Hóa, 09.11.1975                       


Thức cùng Con
                                   
Đêm nay cha thức cùng con
Mừng sinh nhật đã vuông tròn phần cha.
Con vui cất tiếng oa oa
Cánh tay đỏ hỏn huơ huơ như chào.
                       
Mẹ con vất vả gian lao
Đang say sưa giữa ngọt ngào lời con
Phương Nga ơi! Quả đất tròn
Cùng vui quay với cha con chúng mình
                      
Than nồng hơi ấm lên nhanh
Cha dừng tay quạt viết thành bài thơ
__________________                            
Thanh Hóa, 09.11.1975

Con là tất cả                    

Cha hôn trán con nho nhỏ
Kháu sao đứa trẻ lọt lòng!
Mắt con nhắm rồi khẽ mở
Hai tay quờ quạng lung tung
                     
Mẹ con thao thức năm canh
Mong làm sao con chóng lớn
Cha nhìn con cười tủm tỉm
-Ngày mai con sẽ trưởng thành!

Đời con sẽ rộng thênh thênh
Dài theo tình yêu đất nước
Con hãy cứ nhiều mơ ước
Để hơn thời bố mẹ mình.

Con là hạnh phúc, niềm tin
Của bao tháng ngày lam lũ
Con là niềm vui nở rộ 
Không dễ phai theo tháng ngày

Con là tất cả ngày mai!
________________                 
Thanh Hóa, 09.11.1975
Những bàn tay                 
Bàn tay chai sần của cha
Không dám nâng con chút nữa.
Chắc đau làn da mọng sữa
Giật mình con khóc oe oe…
                 
Bàn tay cha với mẹ con
Vất vả nhiều nên chai sạn.
Hai bàn tay con đỏ hỏn
Mai ngày thu vén tương lai!
                 
Tay con sẽ thon và dài 
Như bao bàn tay thiếu nữ
Đời con: tài năng, trí tuệ
Tạo nên vạn vạn bàn tay

Con ơi! Ngày rộng tháng dài
Của con, phần con hết thảy
Hãy nhớ bàn tay sần chai
Của cha thời sinh con đấy.
__________________
Thanh Hóa, 20h.9.11.1975

Mắt em
                              
Nơi ấp ủ biết bao là mơ ước
Nơi trải dài man mác mấy buồn thương
Hy vọng chứa chan và thoảng chút mây vờn
Người ta gọi nơi ấy là đôi mắt.

Nói không hết, chả bút nào tả xiết
Ánh mắt người yêu sau những phút đợi chờ
Mắt em vui sóng sánh những vần thơ
Và lấp lánh tựa sao trời mùa hạ

Ồ quá lạ! Hôm nay xanh thẳm thế
Sắc thắm trời thu trong khóe mắt em
Sao không nói em ơi? Mà mắt chỉ lặng nhìn
Đời đang đẹp, riêng em buồn chi thế?

Ánh mắt em là chân trời mới hé
Là vui buồn muôn thuở của tình yêu
__________________
Hưng Yên, 07/07/1977

Hai con trai

Hai con trai tôi ngoan
Hai niềm hy vọng
Hai ngọn lửa sáng.

Thời gian trôi nhanh
trên những con đường lớn
Nguồn dự trữ của tôi
có những hai tuổi trẻ đây rồi!

Cuộc đời cháy trong tôi không tắt
Tôi có hai vĩnh cửu
Hai con trai.
________________
Thanh Hóa, 15/06/1983
 
Góp vào hương biển
                             
                             Tặng Lê Thị Trịnh

Xa lắm rồi! Ơi dòng sông Mã
Vẫn nghe thác đổ phía sau mình.
Quanh quẩn bên gối mềm chăn lụa
Tràn trề sóng vỗ vào đêm.

Không dưng mà gọi hoài tên em
Nỗi nhớ cứ dồn lên như sóng.
Em mãi mãi rồi vẫn xuôi về biển
Giấu âm thầm, nên sông chảy ngầm sâu.

Không dưng mà trôi xiết vào nhau
Dẫu mặn nhạt chưa thành cuộc sống.
 Ở đâu em cũng là thần thánh
Có em, đâu cũng trở nên nguồn.

Xa lắm rồi…dòng sông quê hương
Đêm nay quanh giàn khoan biển hát
Xin góp vị dầu thơm vào hương biển
Cho em thêm nặng hạt mưa nguồn.
___________________________
Giàn khoan MSP3-Bạch Hổ, 26.02.1986

 
Đưa con vào tuổi tròn trăng
                              
Cha đưa con vào tuổi tròn trăng
Ôi! Lứa tuổi dễ thương dễ nhớ
Mái tóc xanh vờn bay trước gió
Đôi má hồng và mắt sáng long lanh
                        
Ánh lửa hàn tím cả chiều hôm
Sắt thép cơi cao khung trời Tiền Cảng.
Cánh cần cẩu chao trong chiều vắng
Núi lớn nhìn cũng nhỏ bé hơn
                         
Đường con đi sẽ rộng thênh thang
Bao tháp khoan dựng trên thềm lục địa.
Những chiếc cầu lao tỏa về tám phía
Con đi trên đường rộng tới đại dương.
                         
Cha đưa con vào tuổi tròn trăng
Khi năm triệu tấn dầu đã đạt.
Mong sao con khỏe và chăm học
Để góp phần xây Tổ quốc mai sau .
_______________                               
Vũng Tàu, 09/11/1990


Trong mưa

Chợt sững lại trong mưa và gió thổi
Tiếng em cười ấm lạ ngân vang
Anh không thể không nhìn đắm đuối
Khuôn mặt em mưa ướt đầm đìa

Nét thiên thần trong đôi mắt đen kia
Và tiếng em cứ ngân dài như hát
Áo mỏng dính thân hình bó sát
Ngực phập phồng những nhịp đập râm ran

Đã từ lâu, anh chẳng chút băn khoăn
Chẳng xao xuyến trước muôn vàn ánh mắt
Sao chiều nay cơn mưa rào nhẹ hạt
Lại xui lòng trăn trở, lại bâng khuâng

Lại háo hức, lại thẫn thờ lặng lẽ
Lại những chiều lang thang như mây
Lại cười vang như những ngày thơ bé
Như từng chưa biết hờn giận bao giờ

Phải không em? Nghiêng ngả những hàng tre
Lại vươn thẳng, dù ngày qua bão tố.
__________________
Vũng Tàu,  17/09/1988


Bến đợi

Em van anh thôi đừng đưa với đón
Giọt mưa chiều nghe lạnh lắm anh ơi!
Ước là em - con đò giữa dòng trôi
Hai bến đợi suốt những chiều thương nhớ

Nhưng em vẫn là em, khổ thế!
Dễ rùng mình trong gió lạnh chiều hôm
Dễ hồn nhiên như mưa trắng nắng vàng
Dễ xao xuyến tựa nhành hoa gặp gió.

Em như đã gieo một phần đau khổ
Đã vô tình đến thế để anh đi.
Thôi mà anh, đừng giận nữa làm chi
Hãy lặng lẽ hôn em rồi vĩnh biệt.
________________
Vũng Tàu,  06/08/1990



Cảm tác trước hoa hồng

Em xinh tươi như đóa hồng mới nở
Trước gương trong, khoe sắc thắm hồn nhiên
Tôi vô tình đến chúc tết nhà em
Bỗng nhiễm sắc hoa tươi và nỗi nhớ
                         
Nên tôi thấy yêu cuộc đời đến thế!
Như hoa hồng soi bóng trước gương kia
Ước chi em là ánh mắt đợi chờ
Cho tôi nở giữa bình minh xuân mới.
_______________________
Vũng Tàu, 01 Tết Tân mùi (1991)

Nói đi em

Nói đi em lời ưng thuận dịu dàng
Táo đã rụng trên đường mưa bụi
Dáng đỏng đảnh kiêu sa thời con gái
Như lục bình - hoa tím đã tàn phai
                       
Em nhắc về thời quá khứ làm chi
Gió cứ thổi xôn xao hoài trong lá
Em gần thế, mà sao đành xa lạ
Lời dịu dàng ấp ủ ở đâu em?
                        
Sóng Vũng Tàu nghe gió cứ trào lên
Em cứ vậy, cứ chân trần trên cát
Em có hay bao nhiêu là sóng biếc
Đang trào dâng, bỗng qùy dưới chân em.
____________
Vũng Tàu,  8/1991

 
Ngơ ngác

Cả những chiều thứ bảy
Thế là mình xa nhau
Đành rằng gần nhau đấy
Đã nên thiết tha gì...

Em ngoảnh mặt quay đi
Tôi theo chân em bước
Hoa mướp vàng ngơ ngác
Suốt những mùa thu xưa...

Có ai biết, ai ngờ
Em bất thần xuất hiện
Để Vũng Tàu xao động
Theo từng bước chân em

Hai mươi năm làm quen
Hai mươi năm trăn trở
Để cánh hoa mướp vàng
Len vào trong thương nhớ

Mỗi người đi một ngả
Em phương Bắc - anh Nam
Ngươì đi trong thương nhớ
Kẻ ở có đau buồn?
___________
Vũng Tàu,  1991

Tình yêu xanh

Từ những bữa đợi chờ vô vọng
Tôi trở về trong hoang vắng quạnh hiu
Con tim trào sôi, xáo động bao điều
Riêng lời nói bỗng nhiên ngưng bặt.

Với em, tôi đâu dám dối lừa
Tình yêu xanh, ngôn từ thành xơ xác
Ý nghĩ ngọt ngào, miệng cười chua chát
"Dẫu một lần gặp em…"

Biết làm sao! Số phận đã an bài
Tôi và em - mỗi người đi một ngả
Nhưng day dứt trái tim này quá lạ
Có thể nào đời trễ muộn rồi em?
_____________
Vũng Tàu,  08/1987

                   
Xốn xang

Tôi mời gọi bằng môi bằng mắt
Lòng xốn xang bao lời hát, vần thơ
Em biết tôi đang xúc cảm thẫn thờ
Tàn nhẫn thế! Em làm ngơ quay gót
                          *
Em ơi! Tình yêu khi cùng cảm xúc
Thì thiên đường hoang vắng cũng hồi xuân.
Dừng lại đi em!
Tôi nhìn tận cuối đường
Vẫn dáng ấy, không một lần ngoái lại.
__________________
Vũng Tàu,  12/07/1990


Không đề

I.
Tình yêu đến
Ta thành kẻ dối lừa
Lỡ yêu nhau
Trái cấm thiên đường
Sao không hưởng?

Để mai mốt
Khi không còn được sống
Ta có một lần
Ăn trái cấm trên cây. 
__________________
Vũng Tàu,  17/11/1990

II.
Đã một thời tôi rất yêu em
Miệng cười xinh, con mắt nhìn sóng sánh
Chiếc xe đạp gồng lên điểm hẹn
Hương nhãn thơm suốt chợ Gạo, chợ Đầu.

Đã một thời chúng ta yêu nhau
Căn phòng nhỏ khu Nhà Thành chật chội
Nắng vàng ươm và hương thơm đồng nội
Hoa mướp vàng như nỗi nhớ day dưa…
___________
Vũng Tàu,  1991

III.
Anh như một đứa trẻ nghèo
Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn
Quả ơi! Đừng có chín thêm
Kẻo tan đi giấc mơ em một lần…
_______________________________
Vũng Tàu, 25/09/1991-Tặng ThuThảo
 
IV.
Rồi trái đất vẫn xanh màu sự sống
Rồi trăm hoa vẫn đua sắc đẹp tươi.
Nhưng tình yêu chỉ nở một lần thôi
Như hoa ấy theo lẽ thường, sẽ chết.
__________________
Vũng Tàu,  08/03/1994


Những chặng đường Hưng Yên
                                                         
Tôi đi trên những chặng đường quê em
Bao rặng nhãn đầm mình trong hương sen.
Quê em đó - một màu xanh bất tận
Cho muôn đời Hưng Yên, Hưng Yên. . .

Những hạt mưa ngâu cài lên tóc em
Lảnh lót tiếng chim, ngọt ngào tia nắng.
Đất phù sa thắm tay người chăm bón
Dâng màu xanh hy vọng đến vô bờ

Nghe xôn xao tiếng đồng lúa dậy thì
Nghe bàng hoàng cơn gió giỡn lùm tre
Con kênh xanh in sắc trời xanh lạ
Mái ngói hồng thêm sắc mặt trẻ thơ

. . .Bao năm xa, nay về lại thăm quê
Đường vẫn mát trong hương sen mùa hạ
Mưa ngâu vẫn nhắc về quá khứ
Cây nhìn tôi như một kẻ lạc loài!

Những con đường chảy dài mãi trong tôi
Vắng bước chân em - một mình tôi xa lạ
Đường xưa vẫn xanh màu cây lá
Em nơi xa, xin hãy nhớ quay về.
________________
Hưng Yên, thu 1991

Thanh Hóa

Thanh Hóa voi gầm, ngựa hý
Voi - đã thành voi đá
Ngựa - cũng đã què chân
Ngơ ngác muôn dân, lén lút hàng thần
Bão lụt trăm bề - dân Thanh Hóa.

Thanh Hóa, đâu rồi sông Mã
Sáng trong chiều đông?
Thanh Hóa ơi! Đây phải đất Hàm Rồng
Bung ngọn sóng mùa mưa bầm gió giật?
Những trống đồng Đông Sơn thời mở đất
Nay còn không? hay đã bán ve chai

Những di chỉ ngàn năm
Theo lịch sử thăng trầm
Đền Bà Triệu
Đình nhà Lê
Thành nhà Hồ, nhà Nguyễn
Những chiến binh Lam Sơn
Đã chìm vào dĩ vãng. . .
Chỉ thấy quê choa một kiếp ăn mày

Khoan ơ! khoan hời. . .
“Thuyền than (mà) lại đậu bến than
Khoan ơ! khoan hời. . .
Thấy Em vất vả cơ hàn (mà) Anh thương. . .”
Khoan ơ! khoan hời. . .
Ấy mấy khoan ta dô khoan. . .
Ấy mấy khoan ta dô khoan. . .
____________________
Thanh Hóa, ngày 08/03/1988

Thơ dâng Mẹ

                                  Kính dâng Mẹ     

Mỗi ban mai, Mẹ chải tóc bên thềm
Tóc Mẹ trắng phơ phơ từng sợi bạc
Lược thì thưa, tóc Mẹ gần rụng hết
Cứ phất phơ, chẳng chịu vấn vành khăn

Tự bao giờ, Mẹ như đã thành quen
Tay cầm lược vấn đầu mỗi sáng
Quen cày cuốc với giãi dầu mưa, nắng
Mẹ tôi nghèo không một mảnh gương soi

Phải vấn khăn, vì tóc Mẹ dài 
Nhìn mái tóc, thấy mẹ còn trẻ quá!
Cha mất sớm, mình Mẹ lo nhà cửa
Lo chạy từng gạo, lang

Mỗi lần ngồi bậu cửa ngắm vầng trăng
Mẹ vẫn mơ, rồi mai ngày khôn lớn
Con thay Mẹ đỡ đần đồng áng
Mơ mùa về, có được bữa cơm no

Có chiều đông, Mẹ lặn lội thân cò
Cắt gốc rạ mong lửa hồng xó bếp
Đói lả người, rét như dao cắt ruột
Con kéo thuyền, bùn đặc quánh dưới chân

Cả bốn mùa, một manh áo tứ thân
Hết cày cấy, lại trồng khoai, trỉa đỗ
Làm thúng mủng, dần sàng, chạy chợ. . .
Cả một đời Mẹ vất vả lo toan


Con vẫn hay gặp mắt Mẹ buồn 
Man mác dệt trong từng câu hát

Ầu ơ!
. . .ru bổng, ru bông
Ru cho Con ngủ, Mẹ xông lên làng
Vay được bò gạo, lang. . .
...Mò cua bắt tép nuôi Con nên người. . .”

Đã qua rồi, thời lam lũ Mẹ ơi!
Con đã lớn, Mẹ đã gần trăm tuổi
Cháu chắt vui đùa, quây quần thăm hỏi
Bà ơi Bà, răng có còn không?

Nay biết thương, thì Mẹ đã lưng còng. . .
__________________
Vũng Tàu, 24/11/2005

Về Côn Sơn
           
Lần đầu tiên về thăm đất Côn Sơn
Nghe ngọn gió cũng mang hồn Nguyễn Trãi!
Tiếng chim hót trong hương đồng cỏ nội
Dưới mái chùa, Người như vẫn bình thơ.

Năm trăm năm, dầu dãi nắng mưa,
Cây đại nhớ mùa bông trắng
Hương trầm buông trong chiều gió lặng,
Phấn thông vàng rơi nền cũ xôn xao . . .

Tôi đọc Ức Trai dưới mái chùa rêu,
Nghe bước Người đi trên từng lối vắng.
Nghe tâm sự của một thời chát đắng
Trái tim đau nỗi nhân gian. . .

Năm trăm năm, dẫu lịch sử thăng trầm,
Hồn Nguyễn Trãi như sao Khuê bừng sáng!
Côn Sơn ơi, một lần tôi đến
Giữa trời đất thanh bình xin kính viếng Người xưa.
______________
Côn Sơn, 28/08/2005

Giọng quê

Đám cưới ở Vũng Tàu
Chú rể, cô dâu là dân Thanh hóa
Hội trường chật, tiếng nói cười rôm rả
Mộc mạc giọng quê chân chất ân tình

Nắng trong veo phải là nắng quê mình
Mưa, bão lụt cũng là quê Thanh Hóa
Rét mùa đông như dao cau cắt lá
Cá ngoài đồng chết giá giữa mùa xuân

Cả ngàn năm theo lịch sử thăng trầm
Vua Thanh Hóa đã cùng quan xứ Nghệ
Xây cung điện ngất trời Hà Nội - Huế
Chẳng dựng cho mình một mái nhà riêng

Chỉ giữ cho mình một tấc lòng son
Một giọng nói đượm tình người chất phác
Còn mộc mạc như ngọc kia còn vết
Như lúa, như lang xanh mướt trên đồng

Mi có viền Thanh Hóa hay không?
Quê choa chỉ toàn là bí đỏ-a 
Lang ví sắn ... ngày vài ba bữa
Ước chi mà rau má tựa lá sen . . .

Giọng quê nghèo, nghe đau nhói con tim
Nỗi nhớ thương cứ trào lên da diết!
Ôi! Ta nhớ thành Nhà Hồ thuở trước
Những vàng son, những cung điện đền đài

Ôi! Đâu rồi Lê Lợi với Lê Lai

Đâu dấu vết một “địa linh, nhân kiệt”?
Những trống đồng Đông Sơn - thời mở đất
Còn chôn vùi dưới nhà máy phân lân?

Ta sẽ về Thanh Hóa nghe Em!
Sẽ xây lại những phố phường dựng tạm
Sẽ san phẳng những bất bình u ám
Sẽ dang tay mở rộng cửa Hàm Rồng

Mỗi con người Thanh Hóa một chiến công
Mỗi tấc đất đều thắm dòng lịch sử
Sao Thanh Hóa mãi vẫn nghèo như thế?
- Mi có viền Thanh Hóa ví choa không?
_______________
Vũng Tàu, 28/10/2005

Bán tóc

Nhớ khi xưa, nơi ấy - chợ Giàu
Nước dừa ngọt với bánh đa, bánh đúc
Cô hàng rượu mái tóc dài tha thướt
Để buộc lòng du khách nhớ khôn nguôi

Qua đạn bom, qua bão lụt tơi bời
Mà chợ Phủ, chợ Nghè, chợ Tỉnh. . .
Những mái tóc vẫn chảy dài đen nhánh
Là gia tài cha mẹ để cho con

Đứng bên thềm mỗi bữa sáng mai lên
Em chải mái tóc dài đen mướt
Để cho kẻ láng giềng no mắt
Cho người đi thổn thức nhớ quê nhà

Bỗng sáng nay. . .Tôi bỗng sững sờ
Gặp lại em giữa chợ Nghè đông khách
- Nỡ lòng nào em bán đi mái tóc?
Dăm chục ngàn đổi con cá, lá rau

Tôi từng nghe họ đổi chác trăm điều
Mua và bán cả lương tâm, ngôi vị. . .
Nhưng chưa thấy một nơi nào như thế
Quê choa nghèo, bán tóc để nuôi nhau!

Có còn không, nơi ấy một chợ Giàu?
__________________
Vũng Tàu,  09/12/2005

Nhớ mùa thu Hà Nội

Sáng nay trời se lạnh
Thấy em mặc áo len
Mầu áo hanh hanh vàng
Nhắc mùa thu đã tới!

Tôi xa rồi Hà Nội
Những mùa thu tuổi thơ
Bờ đê dài lộng gió
Những triền ngô nắng vàng
Những bến than đen đúa
Những tháng ngày lang thang. . .

Cung đàn xưa ngân vang . . .
“Tôi tìm em một chiều
Mưa thu về lất phất bay bay
Nghe trong gió
Cái rét về rét ngọt
Mà tìm em không thấy
Sắc áo nhòa trong sương
Lời hẹn xưa - mắt em long lanh nỗi nhớ
Mà bây giờ - anh tìm em nào có thấy!
Thoáng môi cười, chỉ còn trong giấc mơ thôi
Và hàng cây, buồn nhớ bóng ai hẹn hò. . .”*

Có một nhánh hoa vàng
Nở tưng bừng trước ngõ
Có mùa thu năm cũ
Đang hiện về trong Tôi.
_______________
Vũng Tàu, 23/11/2005
* - Bài hát “Tôi tìm em”-1980
(nhạc: Quốc Quân, lời: Văn Bản)

Thăm Tuần Châu

 -I-
Anh ra thăm biển Tuần Châu
Thương em ở tận Vũng Tàu xa xôi
Vẫn là non nước mây trời
Thương con sóng nhỏ một thời xôn xao

 -II-
Xin em đừng giận, Tuần Châu
Trách, thì mình cũng gặp nhau rồi mà!
Xa, thì mình cũng đã xa
Gần nhau chi để sinh ra giận hờn?

Gần em, dễ mấy ai khen
Nào ai biết được đa đoan một thời?
Mình xa nhau mấy phương trời
Gần nhau một bận để rồi lại xa

Vẫn là sóng nước bao la
Trời xanh mây trắng giao hòa cùng nhau
Núi thì im lặng cúi đầu
Biển kia vẫn cứ ồn ào vu vơ. . .
________________
Tuần Châu, 26/08/2005

Cây điệp vàng

Cây điệp già trước cổng Liên doanh
Lặng lẽ lá xanh hoa vàng nở rực.
Tôi nhìn cây, lòng thầm ao ước
Giá hoa vàng rực rỡ suốt quanh năm!

Ai biết đời cây cũng lắm thăng trầm
Lắm vật vã khi vặn trời mưa bão
Lại hồi sinh giữa tháng ngày nắng ráo
Lại ngợ ngàng trong gió hát lời yêu.

Nhớ khi xưa, gió se lạnh Vũng Tàu
Cây úa lá, thương em miền giá buốt
Thân gầy trơ, lá khô cằn héo mặt
Gió run cành, lạnh cóng tiếng chim kêu.

Hai lăm năm, Liên doanh đổi thay nhiều
Cây vẫn đứng như chứng nhân lịch sử.
Bao công trình mọc lên từ sách vở
Bao giọt dầu - bấy nhiêu giọt mồ hôi!

Lắm vô tình ai chẳng biết đó thôi
Cây che mát cho người không suy tính
Cây mang đến bao sắc màu lóng lánh
Nở hoa vàng giữa cuộc sống bon chen.
________________
Vũng Tàu, Tết 2006

           



01
Đất nước
02
02
Mưa
03
03
Kỷ niệm
04
04
Mưa ngâu
05
05
Nỗi nhớ
06
06
Tâm sự gửi em
07
07
Gặp em
08
08
Về làng Đại
09
09
Cây nhãn Hưng Yên
10
10
Tặng hoa
11
11
Bão tan
12
12
Lịch sử các vì sao
13
13
Niềm thương cách trở
14
14
Tình yêu
15
15
Bài thơ ngày cưới
16
16
Đất
17
17
Thức cùng con
18
18
Con là tất cả
19
19
Những bàn tay
20
20
Mắt em
21
21
Hai con trai
22
22
Góp vào hương biển
23
23
Đưa con vào tuổi tròn trăng
24
24
Trong mưa
25
25
Bến đợi
26
26
Cảm tác trước hoa hồng
27
27
Nói đi em
28
28
Ngơ ngác
29
29
Tình yêu xanh
30
30
Xốn xang
31
31
Không đề
32
32
Những chặng đường Hưng Yên
34
33
Thanh Hóa
35
34
Thơ dâng mẹ
36
35
Về Côn Sơn
38
36
Giọng quê
39
37
Bán tóc
41
38
Nhớ mùa thu Hà Nội
42
39
Thăm Tuần Châu
43
40
Cây điệp vàng
44


Hoàng Xuân Bản

Bút danh: Văn Bản
Hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày sinh: 20 Tháng Chạp năm Đinh Hợi (1947)
Quê: Quảng Đức, Quảng Xương, Thanh Hóa
Nơi công tác: Viện nghiên cứu khoa học - thiết kế
Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Tác phẩm đã in:  Tập ký “Những cánh chim bay xa”, 1977
                          Tập thơ “Góp vào hương biển”, 2006 
Giải ba cuộc thi viết ký về đề tài dầu - khí của Báo Vũng Tàu chủ nhật.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Tỉnh BR - VT lần thứ I (2004).