Vũ Thế Khôi
Kỳ 1 - Trung tâm văn hóa - giáo dục của Hà Nội thế kỷ XIX
Khách
du lịch trong ngoài nước thường mách nhau rằng đến Hà Nội mà không ghé thăm, dù
chỉ trong chốc lát, ngôi đền trên đảo Ngọc soi bóng hồ Hoàn Kiếm và nghe kể câu
truyền thuyết “Trả gươm” thì coi như chưa biết Hà Nội.
Tuy
nhiên “Trả gươm” là câu chuyện liên quan đến hồ Hoàn Kiếm, còn như về đền Ngọc
Sơn thì mọi người thường chỉ được giới thiệu cho biết là nơi phụng thờ “Tam
thánh”: Quan Đế (Quan Công), Văn Xương (ngôi sao chủ về văn chương và khoa cử,
mà có người đồng nhất với Tử Đồng đế quân trong Đạo giáo, bất chấp việc Thần
Siêu từng phản bác điều đó!) và Phù Hựu đế quân (Lã Tổ) và “một thời gian sau”
– như có nhà Hà Nội học viết – thì thờ cả Trần Hưng Đạo, nhưng không giải thích
tỏ tường ai, vì sao và cụ thể từ bao giờ đưa Hưng Đạo đại vương vào thờ ở đây.
Vậy mà đền Ngọc Sơn xứng đáng được tôn vinh là di tích lịch sử - văn hóa hàng đầu
của Hà Nội không chỉ vì danh thắng mà còn bởi những truyền thống khai sáng và
hoạt động yêu nước.
Căn
cứ văn bia vẫn còn gắn trên tường hậu điện thì đền Ngọc Sơn không phải do một
cá nhân nào hay một tổ chức tôn giáo nào dựng lên mà do Hội Hướng Thiện với Tiến
sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) làm Hội trưởng đầu tiên, sáng lập mùa thu năm
1841. Đã có vị GS nọ nhầm Hướng Thiện hội với Thiện hội của người Hoa. Suy diễn
này hoàn toàn sai sự thật: trên tấm bia đối xứng với bia Ngọc Sơn đế quân từ
ký, dựng ngay sau khi khánh thành việc xây dựng cả tạo Đền vào năm 1842, khắc
tên tuyệt đại đa số người Việt, và điều đặc biệt là không chỉ nho sĩ mà còn có
các thương nhân, binh sĩ và cả một số quan lại đương chức nữa. Tôn chỉ của Hướng
Thiện hội là gì mà tập họp được một thành phần xã hội rộng rãi như vậy? Trên
danh nghĩa thì là phụng thờ Văn Xương, vị Thần văn chương - khoa cử, nhưng mục
tiêu chính của Hội, như Tiến sĩ Vũ Tông Phan cho khắc trên bia, lại là để “bọn
sĩ phu kết bạn với nhau, yêu cảnh này vì mến danh này [tức danh Hướng Thiện, -
VTK] mà người trong Hội tàng khí, tu thân, du ngoạn, nghỉ ngơi” và “làm những
việc có ích cho mọi người qua đó mà giáo hóa họ”. Tại sao phải “giáo hoá”?
Tại
là vì sau hai chục năm nội chiến khốc liệt Tây Sơn – Nguyễn Ánh, lại bị Gia
Long và Minh Mạng chủ tâm hạ cấp uy thế cố đô Thăng Long, nhằm độc tôn Thần
kinh Huế, tình hình xã hội và văn hóa Hà Nội đã suy đồi đến mức báo động, như
ông Nghè Phan, người làng Tự Tháp ven Hồ Gươm, năm 1831 từ Huế ra nhậm chức
Giáo thụ phủ Thuận An (Bắc Ninh) tả chân trong bài thơ Đến đầu địa giới Hà Nội:
Quanh thành trộm cướp nổi triền miên,
Một đêm năm lần cháy phố....
Nay đương phát sinh nơi đô thành
Nhiều hạng dân du thực du thủ,
Đi học chỉ cốt giật tiếng Nho,
Đi buôn chửa giầu đã khoe của,
Cư dân thường túm tụm ba hoa,
Bộ hành áo quần cực diêm dúa,
Sòng bạc tràn lan khắp gần xa
Chiếu rượu, sạp ca thâu sớm tối…
Văn
miếu - Quốc tử giám, niềm tự hào hơn bẩy trăm năm của sĩ phu Đại Việt, năm 1821
vua Minh Mạng lệnh phải hạ biển Thái học môn, thay bằng cái biển Văn miếu môn
(nay ta vẫn thấy), theo quy chế chỉ còn là nơi xuân thu nhị kỳ trấn Bắc thành
cúng tế cha mẹ của Khổng Tử, bị triều Nguyễn bỏ mặc cho trở nên hoang phế thành
bãi thả rông bò dê:
… Trăm vua hình bóng tàn cây cổ,
Muôn thuở phong văn nát đá bia.
Trở lại thiếu thời nơi trọ học:
Giảng đường cô tịch bóng chiều đi!
(Vũ
Tông Phan: Thăm Quốc tử giám cũ)
Trước
tình hình đó, tháng 5 năm 1833 ông Nghè Tự Tháp danh tiếng vừa mới được thăng
chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh đã kiên quyết từ quan, trở về thôn Tự Tháp ven bờ
tây hồ Gươm, dựng trên mảnh đất vua ban ngôi nhà lá năm gian cạnh gốc đa trong
Tòa báo Nhân Dân ngày nay, mở trường dạy học và ngay kỳ thi Hương năm sau Vũ
tiên sinh đã có 2 môn sinh đỗ cử nhân, nên trường Hồ đình của “quan nghè Tự
Tháp “đệ tử tứ phương mãn” (lời thơ Nguyễn Văn Siêu). Tuy nhiên Vũ Tông Phan hiểu
rằng trong tình trạng học phong đã suy đồi, một ngôi trường đại tập đơn độc, dẫu“chất
lượng cao”, cũng không thể làm được gì nhiều. Bởi vậy với danh tiếng của người
khai đại khoa cho Hà Nội dưới triều Nguyễn và uy tín của vị nguyên Đốc học một
tỉnh đứng hàng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ, ông Nghè Tự Tháp đã hội tụ cả một
nhóm sĩ phu tài hoa như tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, các cử nhân Nguyễn Văn Siêu (năm
1838 mới đỗ phó bảng), Cao Bá Quát, Trần Văn Vi, Lê Duy Trung (TS 1838), Diệp
Xuân Huyên (PB 1838). Trường Hồ đình trở thành nơi họ gặp gỡ luận bàn về nỗi niềm
trăn trở chung mà người bạn tâm huyết của ông Phan là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý đã
thốt thành lời: “Trung hưng vận nước (nhà Nguyễn tuyên bố như vậy!) mà không chấn
chỉnh đạo làm người được sao?”
Họ
đã làm gì?
Trước
hết họ sáng lập Văn hội Thọ Xương (1832) và nhờ sự tài trợ về đất đai, tiền bạc
của thương nhân hằng sản hằng tâm Bùi Huy Tùng ngay 4 năm sau đã xây dựng được
Văn chỉ ở Bạch Mai để tập hợp đội ngũ “Nho sĩ bình dân” (chữ của nhà văn hóa Nguyễn
Khắc Viện), hô hào họ “làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã”
(Nguyễn Văn Lý: Văn bia Văn chỉ Thọ Xương, 1838; hiện còn trong ngõ Văn Chỉ - Bạch
Mai), “trung với dân” và “lo cho dân” (Vũ Tông Phan: Văn bia trùng tu miếu Thần
Hoả, 1841; hiện vẫn trên tường số 30 Hàng Điếu) – những phương châm đã trở
thành lẽ sống của kẻ sĩ chẳng những trong Hướng Thiện hội mà cả trong Đông Kinh
Nghĩa Thục hơn nửa thế kỷ sau, và một trăm năm sau còn được tiếp nối bởi lớp
trí thức “Tây học” có tinh thần dân tộc - dân chủ với lời kêu gọi: “Anh em
thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!” (báo Thanh Nghị, số tháng 9
- 1941).
Muốn
chấn chỉnh đạo làm người thì phải “chính học”, tức xây dựng lại học phong cho
đúng đắn: học để làm người quân tử chứ không phải “chỉ cốt giật tiếng Nho” (như
ngày nay chỉ cốt lấy mảnh bằng!). Mùa xuân năm 1834 nhóm nho sĩ Hà thành này nhất
loạt khai trường. Nguyễn Văn Siêu, đỗ cử nhân từ 1825 nhưng một mực từ chối ra
làm quan, ở nhà đóng cửa đọc sách, nay (1834, chứ không phải sau khi về hưu vào
năm 1854 như có “nhà Hà Nội học”viết) cũng dựng Phương đình dạy học bên bờ sông
Tô (phố Nguyễn Văn Siêu ngày nay). Nhân sự kiện này họ tụ họp nhau trong một tiệc
rượu để xướng hoạ về định hướng “phương chính” của học nghiệp và Thần Siêu dường
như đã thay mặt bè bạn cùng chí hướng để nguyện: “Cố tri viên thị trí / Nguyện
thủ phương vi hình” (Vẫn biết tròn là khôn ngoan / Xin nguyện giữ vuông làm
khuôn mẫu).
Các
ngôi trường của họ tập trung vùng ven bờ phía tây, phía bắc và phía nam hồ Hoàn
Kiếm, theo địa danh ngày nay là các phố Nguyễn Văn Siêu, Hàng Đào, Hàng Gai, Tố
Tịch, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Tràng Thi - đầu Bà Triệu… tạo thành hình vòng
cung ôm lấy hồ Hoàn Kiếm. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên Vũ Tông Phan trước đó
đã khảo sát kỹ các di tích - danh thắng khu vực hồ Gươm từ thời Lý - Trần và
sáng tác cả một chùm thơ Kiếm hồ thập vịnh, dường như nhằm minh chứng bề dầy
văn hóa của chốn địa linh này. Rõ ràng các Nho sĩ trong Văn hội Thọ Xương và Hướng
Thiện hội “chủ trương” (chữ chính họ dùng trên một vế đối trong đền ngọc Sơn)
biến khu vực hồ Gươm thành trung tâm văn hóa mới của Hà Nội đầu thế kỷ XIX,
thay cho khu Văn miếu không còn là Quốc tử giám nữa, theo quy chế của triều
đình buộc phải trở nên hoang vắng!..
Nhà
trường không phải là những ốc đảo. Không thể “chính học” trong một môi trường đồi
phong bại tục tràn lan. Khi sáng lập Hướng Thiện hội với thành phần rộng rãi
hơn nhiều so với các hội Tư văn chính thống, Vũ Tông Phan cùng các đồng chí đã
nhắm tới những hoạt động văn hóa - xã hội rộng lớn ở bên ngoài phạm vi các ngôi
thục xá. Đây lại là một điểm mới nữa, chưa từng có trong lịch sử sĩ phu đất Việt.
Để có trụ sở thực thi “những việc có ích cho mọi người qua đó mà giáo hóa họ”,
Hướng Thiện hội đã mua lại ngôi chùa tư gia của các con ông lão Tín Trai, dùng
quỹ Hội và tiền thập phương quyên góp (phần rất đáng kể là của các thương nhân
và cửa hiệu!) xây dựng cải tạo thành đền Ngọc Sơn. Thường thì đọc câu đối dẫn –
câu đối đắp trên hai cột trụ chính giữa ở cổng đền chùa – người ta có thể biết
ngay trong đó thờ Phật, hay tiên, hay thần thánh hoặc anh hùng. Câu đối dẫn ở đền
Ngọc Sơn không có chữ nào về Phật-tiên-thần-thánh mà lại báo cho khách đồng
thanh khí đương thời biết rằng vào đây là để tìm hiểu nguồn sáng vô hạn của văn
hóa cổ truyền:
Lâm thuỷ đăng sơn nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang
Nghĩa
là: Xuống bến nước (trước 1864, khi Nguyễn Văn Siêu làm cầu Thê Húc, phải vào Đền
bằng thuyền), trèo lên non (Ngọc Sơn nghĩa là núi Ngọc), có con đường dẫn dần
vào nơi cảnh đẹp – Tìm cội nguồn, hỏi đạo cổ, trong việc ấy vô hạn ánh sáng
phong văn.
Liên
hệ với câu đối của Vũ Tông Phan ở bái đường Văn chỉ Thọ Xương (vì cả hai nơi
này đều do ông Nghè tự Tháp chủ trì!) khách hiểu ra: nguồn cội đó chính là nền
văn hiến sáng đẹp của nước Nam xưa (“cựu bang văn nhã”) và cổ đạo nói đây là những
chuẩn mực và khuôn mẫu của đạo Nho gốc của Khổng Tử (“cổ đạo nghi hình”), với
chữ “Nhân” làm gốc, chứ không phải Tống nho tôn sùng “trung quân”. Và phải kết
hợp hai “chủ trương” ấy như hai vế của một câu đối: tìm hiểu văn hiến cổ truyền
của dân tộc và học hỏi đạo làm người của chính Khổng Tử - thì mới mong dẫn dắt
được mọi người:
Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến
Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh
(Phong
văn nước cũ truyền người trước – mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau)
Đền
Ngọc Sơn trở thành một giảng đàn truyền bá đạo lý cổ truyền, tiến hành thường
xuyên vào mồng 2 và 16 (ÂL) hàng tháng, mới đầu là các bản Thiện kinh truyền thống
được diễn Nôm, về sau là kinh “giáng bút” của chư vị thần thánh dân tộc như Trần
Hưng Đạo, Chu Văn An, Phùng Khắc Khoan, Liễu Hạnh … răn dạy tu thân theo đạo hiếu,
gìn giữ thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan. Điều cuối cùng này cần nhấn
mạnh bởi vì mê tín dị đoan luôn luôn song hành cùng thời buổi suy đồi. Gần như
ngay từ đầu trong Đền đã treo (nay vẫn còn trong hậu điện, nơi trước kia thờ
Quan đế, nên người ta hay vào bói toán, cầu cúng đông đảo nhất!): Trời nào nói
gì đâu? đạo mà hiển đạt đâu quan hệ điều ta bói! – Thần thánh vốn nhất quán:
phúc lành khắc đến chỉ do đường đạo thẳng ngay. Đầu năm 1864, khi đã hoàn tất
việc tôn tạo Đền, xây thêm Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba
(“trấn ba” là chặn các làn sóng tà nguỵ!), Nguyễn Văn Siêu, Hội trưởng thứ hai
của hội Hướng Thiện sau khi Vũ Tông Phan mất (1851), tuyên bố rõ ràng: “Thần dựa
vào người. Nếu bỏ người mà chỉ tin vào thần thì đó là việc làm của bọn ngu”. Trừ
một số ít câu đối được đưa vào đền trong các lần trùng tu sau khi thực dân Pháp
đã chiếm nước ta và Hội Hướng Thiện có lúc đã không còn hoàn toàn làm chủ ngôi
đền nữa, mới bộc lộ những tư tưởng bi quan, yếm thế và tuỳ thời, còn tuyệt đại
đa số hoành phi câu đối trong đền Ngọc Sơn đều thể hiện với “Thế bút chống vòm
trời” (“Kình thiên bút thế”) những tư tưởng thanh cao và chí khí “Xoay vận trời
cứu đời” (“Hồi thiên độ thế”) của kẻ sĩ chân chính. Có thể nói rằng không ở một
đền miếu nào khác của Hà Nội có bộ hoành phi - câu đối lời hay, ý đẹp và tinh
thần khoáng đạt như vậy.
Hội
Hướng Thiện còn biến đền Ngọc Sơn thành một cơ sở biên soạn, khắc in và tàng trữ
sách lớn nhất Hà Nội thế kỷ XIX. Chiến tranh và sự thiếu ý thức của con người
đã huỷ hoại mất nhiều, vậy mà đến năm 1966 trong kho vẫn còn 1156 ván khắc. Viện
Nghiên cứu Hán Nôm hiện vẫn lưu giữ một danh mục 241 đầu sách được khắc in tại
đền Ngọc Sơn. Ngoài sách kinh điển Nho, Phật, Lão, còn nhiều sách thơ văn của
các danh gia, sách dạy cách cư xử trong nhà ngoài phố, sách “khai tâm” Nho học
và từ điển dùng cho các trường tiểu học trong phường thôn, cả sách dạy vệ sinh
mang thai, sinh nở và nuôi con nữa. Đền Ngọc Sơn đã biên soạn sách truyện danh
nhân đất Việt Chu Văn An và Trần Hưng Đạo mà nhiều đền miếu ở các tỉnh về sao
chép hoặc “thỉnh” về khắc in lại.
…
Bóng dáng hàng ngàn nho sinh áo the khăn xếp ngày ngày cắp sách lui tới các
ngôi trường tiểu tập, đại tập ven hồ, tiếng các thầy đồ sang sảng giảng sách
bình văn sớm hôm, tiếng sĩ tử các trường thi tấu thơ ca trong sân đền Ngọc Sơn
những đêm trăng thanh; rồi sau những kỳ thi Hương, thi Hội các môn sinh đỗ đạt
bỏ võng lọng ngoài cổng làng, đi bộ tự tay bưng khay lễ đến tạ ơn tác thành của
thầy, và cả những buổi tế lễ thầy học đông đảo mà trang nghiêm – tất cả tạo nên
một bản sắc văn hóa riêng – Văn hóa hồ Gươm, chưa từng có nơi này trong các đời
trước và cũng độc nhất vô nhị ở Hà thành nửa đầu thế kỷ XIX. Hà Nội ba chục năm
đầu thế kỷ hỗn loạn, suy đồi là thế, vậy mà khoảng giữa thế kỷ, tức mới chỉ hai
chục năm sau, một ký giả báo Le Courrier de Saigon đã có thể nhận xét: “Mặc dù
nó không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu
vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giầu có, số dân đông
đúc, sự lịch duyệt và học vấn” (dẫn theo Nguyễn Thừa Hỷ).
Trong
sự phục hưng ấy “trung tâm văn hóa – giáo dục” Ngọc Sơn với các ngôi trường tư
thục ở khắp phường thôn Hà thành của các ông đồ trong hội Hướng Thiện đóng góp
phần quan trọng.
Kỳ 2 - Một cơ sở vận động yêu nước của Hà Nội cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX
Cuối
năm 1945, giáp Tết đầu tiên dân ta được đón sau khi giành lại nền độc lập, dẫu
tình thế đất nước còn gian nan, công việc còn bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến
thăm Hội Thiện đền Ngọc Sơn, vấn an cụ Hội trưởng, chăm chú nghe báo cáo về việc
giảng thiện của Hội và cuối cùng "xin phép gợi ý": "Tôi nghĩ điều
thiện lớn nhất là yêu nước, yêu dân chủ. Điều ác lớn nhất là xâm lược, áp bức.
Nay ta có thể giảng công khai như thế. Có phải không, thưa các cụ?" (chúng
tôi nhấn).
Mười
lăm năm trước đây, dẫn sự việc trên, chúng tôi nêu vấn đề: "Phải chăng anh
thanh niên Nguyễn Tất Thành có được nghe những nhà văn thân cùng chí hướng với
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhắc đến hoạt động văn hóa yêu nước của Hội Hướng
thiện Ngọc sơn?" Nay đã có đủ băng chứng để khẳng định: Hồ chủ tịch biết rất
rõ Đền Ngọc Sơn không phải chỉ là một di tích tôn giáo mà còn là - chủ yếu là -
trung tâm hoạt động văn hóa - giáo dục yêu nước của nhiều thế hệ trí thức Nho học,
bắt đầu từ cái Hội Hướng Thiện đã sáng lập Đền vào mùa đông năm Tân Sửu 1841,
khánh thành xây dựng cải tạo vào mùa thu năm Nhâm Dần 1842. Chẳng những thế,
Người còn có mối quan hệ truyền thống về tư tưởng - tình cảm với ngôi "đền
văn minh" ("Tụng kinh Độc Lập ở đền văn minh" - thơ văn Đông Kinh
nghĩa thục). Xin nêu vài chứng cứ:
-
Đêm 30 của cái Tết Độc lập đầu tiên ấy, vào thời khắc Giao thừa thiêng liêng đối
với tâm linh Việt, Hồ Chủ tịch đã "vi hành" trở lại Đền Ngọc Sơn, những
định thắp nén hương trước ban thờ Đức Thánh Trần, nhưng người hành lễ đông nghịt,
không len chân vào được, đành đứng bái vọng từ xa rồi lặng lẽ ra về.
-
Từ trước đó, 25 - 9 - 1945, 23 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, đúng ngày Kỵ
đức Trần Hưng Đạo 20 tháng Tám âm lịch, theo chỉ thị của Người, Bộ Tuyên truyền
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm Lễ giỗ tại Nhà hát lớn Hà Nội và trong cả
nước.
-
Năm 1952, giữa chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp xâm lăng, khai giảng lớp
chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp trong Chính phủ, lãnh tụ cộng sản Hồ chí Minh, được
coi là (xin nhắc lại: được coi là ) phải lấy đấu tranh giai cấp làm chủ thuyết,
lại nói về sự giao tranh giữa cái thiện và cái ác trên toàn thế giới, trong cả
nước và trong mỗi con người.
Duyên
do sâu xa của những cuộc viếng thăm ấy và những câu chuyện ấy đã được một số
nhà nghiên cứu soi sáng. Nhà văn Sơn Tùng, chuyên sưu tầm và viết về Hồ Chủ tịch
và gia đình của Người hơn một phần tư thế kỷ nay, từng công bố mươi năm trước
đây (trên báo An ninh Thủ đô, số Xuân 1991) rằng hai bạn đồng khoa và đồng chí
hướng là Cụ Nghè Ngô Đức Kế và Cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc năm 1903 từng ra Hà Nội
gặp gỡ với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và Cử nhân Lương Văn Can tại nhà cụ Vũ
Hoành (cũng một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục sau này) ở Khuyến Lương.
Trong lần đi ấy, Cụ Bảng Sắc mang theo cả hai anh em Sinh Khiêm và Tất Thành,
nhưng giữa đường Sinh Khiêm bị ốm, nên chỉ Tất Thành được "chầu hầu"
cuộc đồng chí tương ngộ ở Hà thành.
Vậy
không lẽ nào trong cuộc viếng thăm đất cố đô Thăng Long, nhà Nho khoa bảng
không đưa con trai đến chiêm bái Văn Miếu và đền Ngọc Sơn, nơi không chỉ thờ Thần
văn chương và khoa cử, mà ngay từ khi sáng lập đã trở thành trụ sở của hội Hướng
Thiện tụ họp các danh sĩ Hà thành như Thần Siêu, Thánh Quát, các ông Nghè danh
sư Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung ... tiến hành các hoạt động chấn
hưng văn hóa Thăng Long. Một điều cậu Tất Thành không thể không lưu ý là cũng
đúng vào cái năm 1903 ấy, Cụ Cử Lương và Cụ Hoàng giáp Nguyễn cùng nhiều nhân vật
khác liên quan trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy tân sau này, đã
cùng phả Thiện An Lạc xây dựng "Hoằng thiện kinh đàn" ở ngay bên trái
chính điện (nay bị biến thành gian hàng bán đồ lưu niệm!) để giảng bài
"Chính kinh" của Đức Thánh Trần (quê hương ở An Lạc!) và các bài kinh
giáng bút khác của chư vị thánh thần dân tộc răn dạy giữ lòng trung hiếu, yêu
nước thương nòi và bảo tồn thuần phong mỹ tục cổ truyền. Danh tính Lương Văn
Can và Nguyễn Thượng Hiền được khắc trên bia "Tu bổ Ngọc Sơn từ bi
kí", lập ngay tháng 6 (âm lịch) năm 1903, hiện vẫn gắn trên tường trong Đền,
tấm biển lớn "Hoằng Thiện Kinh Đàn", sơn son chữ thếp vàng rực rỡ,
niên đại cũng ghi 1903. Bản "Chính kinh" do Đức Thánh Trần
"giáng bút" bằng chữ Hán, từng được diễn Nôm giảng tại đàn Ngọc Sơn
và các đàn Thiện trong khắp cả nước, mới đây có nhà nghiên cứu phát hiện một bản
“Chính kinh” đó từng được "thỉnh" từ Đền Ngọc Sơn về Nghệ An và khắc
in lại ở địa phương.
Những
cuộc viếng thăm đền Ngọc Sơn của Hồ Chủ tịch, biệt nhãn của Người đối với công
cuộc hướng thiện và việc tôn thờ Trần Hưng Đạo nơi đây, sự tham gia trực tiếp
vào sự nghiệp văn hóa - giáo dục này của những sĩ phu cùng chí hướng với thân
phụ của Người, đồng thời là những yếu nhân của phong trào Duy tân - Đông Kinh
Nghĩa Thục, đã soi rọi một ánh sáng mới vào đền Ngọc Sơn và hội Hướng Thiện. Rõ
ràng trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các trí thức Nho học chủ trương duy tân,
tuy chỉ hoạt động chính thức được chưa đầy 8 tháng, nhưng phong trào mà nhà trường
khởi động sở dĩ đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp chính là vì thực ra cơ sở văn
hóa - xã hội của nó, cả tinh thần lẫn vật chất (các ông đồ và những ngôi trường
làng) đã được hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn bền bỉ chuẩn bị từ hơn nửa thế kỷ.
Năm
2007 là tròn 100 năm mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 - 2007) và cũng là
tròn 80 năm mất của Thục trưởng Lương Văn Can (1927 - 2007). Nhân sự kiện này từ
ngày 3 đến ngày 5 - 5 - 2007 tại Đại học Aix-en-Provence và Trung tâm lưu trữ hải
ngoại CAOM (Pháp) đã tiến hành một Hội thảo quốc tế về chủ đề "Việt Nam,
thời khắc duy tân (1905 - 1908)". Mục tiêu đầu tiên trong 3 mục tiêu của Hội
thảo, như nêu trong Đề dẫn gửi tới các đại biểu trước mấy tháng, là: tìm hiểu
phong trào canh tân (hiện đại hoá) ở Việt Nam về bề dày xã hội, những cội nguồn
văn hóa của nó. Tại cuộc Hội thảo nói trên, trong bản báo cáo khoa học (30 tr.
khổ A4) "Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hóa - xã hội sâu
xa của phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục", bằng nhiều tư liệu văn
bia Hà Nội và vùng lân cận, thơ văn và gia phả chữ Hán của một số nhân vật liên
quan chủ chốt chúng tôi đã minh chứng những mối liên hệ về nhân sự và tư tưởng
của phong trào văn thân yêu nước và Duy tân nói chung, của trường Đông Kinh
Nghĩa Thục nói riêng với Hội Hướng Thiện của sĩ phu Hà thành, xuất hiện từ thời
Minh Mạng (1836?) và hoạt động hoạt động chủ yếu vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Những
mối liên hệ về nhân sự, chúng tôi đã thể hiện cụ thể thành 3 phả đồ và một sơ đồ
quan hệ sư phụ - môn sinh. Ở đây chúng tôi xin thâu tóm một số tư tưởng tiến bộ
(trên câu đối trong đền Ngọc Sơn gọi là "chủ trương") và phương thức
hoạt động cùng cơ sở văn hóa - xã hội của nhóm sĩ phu Hà thành nửa đầu thế kỷ
XIX mà chúng tôi đã phát hiện thông qua việc kết hợp tìm hiểu các hoạt động của
nhóm sĩ phu Hà thành tập họp trong Hội Hướng Thiện và giải mã lại một số câu chữ
trên bi ký, thơ văn chữ Hán tại Đền Ngọc Sơn, một số đền miếu khác ở Hà Nội
cũng như các vùng lân cận và trong tác phẩm thơ văn chữ Hán của những danh sĩ
liên quan.
-
Trước hết, đó là chủ trương "trung với
dân" và "nghĩa vụ của người
quân tử là lo cho dân" ( "trung ư dân", "quân tử vụ dân
chi nghĩa" - Vũ Tông Phan: "Trùng tu Hoả thần miếu bi ký", 1841)
và để thực hiện điều đó, họ đã động viên các trí thức Nho học về "làm người quân tử trong làng, làm thầy đồ
trong xã" ("vi hương quân tử, vi xã tiên sinh" - Nguyễn Văn
Lý: "Thọ Xương tiên hiền từ vũ bi ký", 1838). Từ đó, việc đem ánh
sáng văn hóa về làng quê - đất căn bản của nền văn hóa Việt - trở thành một lẽ
sống đích thực của kẻ sĩ, được chẳng những các Nho sĩ duy tân trong Đông Kinh
Nghĩa Thục hưởng ứng, mà sau đó cả các trí thức "Tây học" nhưng không
vong bản trong nhóm "Thanh Nghị"
còn biến thành lời kêu gọi: "Anh em
thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!". Năm 1969 Bộ trưởng
Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, tiến sĩ "Tây học" nhưng uyên bác về văn
hóa phương Đông, mẹ đẻ lại đã tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, từng nêu nhiệm vụ
cần nghiên cứu về vai trò của các ông đồ (cả bà đồ nữa!) ở các ngôi trường làng
trong cách mạng Việt Nam. Nhưng phải chăng vì trên tài liệu ghi phát kiến lớn
đó có cộp dấu "Mật", nên ngành giáo dục im lặng về vấn đề đó suốt thời
gian qua, và đến nay vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ! Vậy mà hàng ngàn ngôi trường làng
cùng hàng ngàn ông đồ quân tử ấy từng là cơ sở và lực lượng dự bị, có sẵn, tại
khắp các địa phương đã giúp cho Đông Kinh Nghĩa Thục triển khai công cuộc vận động
canh tân của mình một cách nhanh chóng và rộng rãi. Kể cả sau khi ngôi trường
"trung ương" ở số 10 Hàng Đào - Hà Nội bị chính quyền thực dân Pháp
đóng cửa, Thục trưởng Lương Văn Can cùng cả loạt giáo viên bị bắt bớ, tù đày,
thì tại các làng quê những ông đồ ấy, tại những ngôi tư thục tồn tại có khi hơn
nửa thế kỷ rồi, vẫn mở lớp dạy "rập khuôn trường Đông Kinh Nghĩa Thục".
Cũng không ít những ông đồ ấy về sau trở thành Chánh/ Phó chủ tịch, Uỷ viên thư
ký của các Uỷ ban Nhân dân lâm thời trong Cách mạng tháng Tám 1945.
-
Các nhà Nho sáng lập hội Hướng Thiện chủ trương tập họp Nho sĩ và thương nhân
trong một tổ chức cùng hoạt động văn hóa - xã hội: trên các bia trong đền Ngọc
Sơn, từ bia đầu tiên năm 1843 đến bia cuối cùng năm 1916, đứng chung tên với
Nho sĩ còn có các cá nhân thương gia hoặc các hiệu Nguyên Xương, Hưng Ký, Dụ
Hưng, Đồng Lợi ... Khỏi phải nói rằng ở đầu thế kỷ XIX, khi Nho giáo chính thống
của triều Nguyễn vẫn "trọng nông, khinh thương", thì đây là một tư tưởng
đổi mới thực sự. Vị tiến sĩ Nho học Hội trưởng Hướng Thiện đầu tiên còn cho trưởng
nam của mình là Tú kép Nho học Vũ Như Trâm kết hôn với thục nữ Bùi Thị Dĩnh,
cháu họ của doanh nhân Bùi Huy Tùng. Chúng tôi nhấn mạnh không ngẫu nhiên: phả chữ Hán của họ
Bùi ngõ Phất Lộc, soạn năm 1866 đời vua Tự Đức, ghi rõ vị tiên tổ Bùi Văn Mạo từ
làng Phất Lộc huyện Đông Quan phủ Thái Bình lên Thăng Long năm 1717 để
"mưu doanh sản nghiệp". Do tư tưởng "trọng nông, khinh
thương" cố hữu chăng mà người đời nay đã biến ông thành "giám sinh Quốc
Tử Giám"?! Trong khi đó thành công của ông tổ họ Bùi chính là ở lĩnh vực
"mưu doanh", nhờ vậy ông mới để lại cho con cháu một "sản nghiệp"
lớn để rồi hậu duệ của ông là Bùi Huy Tùng, đã hằng
sản lại hằng tâm, nên đóng góp tới hơn 10 mẫu ruộng cho Văn hội Thọ Xương -
nòng cốt của hội Hướng Thiện xây dựng và duy trì hoạt động của Văn chỉ Thọ
Xương. Chủ trương liên kết mật thiết trí tuệ của kẻ sĩ và tài lực của doanh
nhân trong công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long ở nửa đầu thế kỷ XIX đã được
các nhà Nho trong phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục tiếp tục phát huy.
Thậm chí, một số nhà Nho còn "sắn tay áo lên", trực tiếp mở hiệu kinh
doanh, tuy nhiên, theo Nguyễn Hiến Lê, thua lỗ không ít, vì kinh doanh đâu phải
là chỗ mạnh của kẻ sĩ!
-
Chính sự liên kết trí tuệ và tài sản đã giúp cho hội Hướng Thiện "làm những
việc có ích cho người, mà giáo hóa họ" ("hành phương tiện" - Vũ
Tông Phan: bia "Ngọc Sơn Đế quân từ ký") như phục dựng hàng loạt di
tích lịch sử - văn hóa đã trở nên hoang tàn sau ba chục năm chiến tranh liên
miên (1771 - 1802), biến đền Ngọc Sơn thành một cơ sở khắc in sách lớn nhất Hà
Nội hồi nửa đầu thế kỷ XIX (đây là một công việc xưa kia vô cùng tốn kém!): cho
đến năm 1966, theo báo cáo kiểm kê của nhà Hán Nôm học lão thành Vũ Tuân Sán,
sau bao biến thiên ở Hà Nội, trong kho đền Ngọc Sơn vẫn lưu trữ 1156 cái ván khắc.
Rất đáng chú ý là hội Hướng Thiện đã tổ chức khắc in các sách tiểu học để phổ cập
chữ Hán, sách truyện danh nhân đất Việt như Chu Văn An, Trần Hưng Đạo..., sách
phổ biến kiến thức thông thường như vệ sinh thai nghén, sinh đẻ và nuôi con.
Phương châm làm sách này cũng được Đông Kinh Nghĩa Thục phát huy, và sau ĐKNT
còn được một số người tâm huyết với văn hóa dân tộc và sự học của tầng lớp bình
dân như cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, con trai thứ của sáng lập viên ĐKNT cử
nhân Nguyễn Hữu Cầu, tiếp tục.
-
Từ hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đã bắt đầu hình thức thuyết giảng không phải
thuần tuý tôn giáo như xưa, mà đã là thuyết giảng công khai, mang tính tuyên
truyền xã hội, dẫu mới đầu chỉ là những buổi tụng giảng kinh đạo lý cổ truyền,
đã được diễn Nôm để quảng đại người nghe hiểu ngay. Đông Kinh Nghĩa Thục đã
phát huy vô cùng hiệu quả hình thức hoạt động này.
Một
điều nữa cũng nói lên mối liên quan tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục với hội
Hướng Thiện, đó là: bắt đầu từ đền Ngọc Sơn, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục
triển khai mạnh mẽ với đền Ngọc Sơn là một trong những diễn đàn chính, thì sau
khi ĐKNT bị cấm, các tư tưởng và hình thức tuyên truyền thông qua diễn thuyết lại
trở về đền Ngọc Sơn - đương nhiên, do tình thế mới, trở về dưới vỏ bọc khác là
tụng giảng tại "Hoằng Thiện kinh đàn" các bài kinh "giáng
bút" của chư vị thần thánh đất Việt, trong đó có "Kinh Đạo Nam "
với những đề bài và nội dung không mấy khác các bài giảng ở trường Đông Kinh
Nghĩa Thục trước đây, như "Hợp đoàn thể", "Khuyến công",
"Khuyến thương", "Khuyến nữ học"... kể cả "Ái quốc
ca". Vì thế nên đền Ngọc Sơn mới bị quan lớn Thống sứ thực dân lưu ý bọn mật
thám phải theo rõi, Kinh Đạo Nam mới bị cấm, người giảng bị bắt bớ tù đày. Thì
lại đến lượt kinh tam giáo "Tâm pháp" được Vân Hương thánh mẫu (Liễu
Hạnh) "giáng" và đưa ra giao giảng, dẫu kín đáo hơn, "tôn
giáo" hơn, nhưng đây đó vẫn ẩn hiện cái hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục:
Cùng non nước, cùng hình dáng ấy,
Cùng giống nòi tự bấy nhiêu lâu,
Cùng chung khí huyết một bầu:
Tiên - Long ta vẫn trước sau ghi truyền.
Tình nghĩa lúc sinh tiền khôn xiết,
Cùng màu da, xác thịt trước sau,
Kể chi già, trẻ, nghèo giầu,
Vốn là cùng giống với nhau một loài!
____________________________________________
* Bài viết dựa trên cơ sở các báo cáo khoa học và các
bài báo trong 15 năm qua của tác giả đã công bố tại các hội thảo trong/ngoài nước
và các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Hán Nôm, Xưa & Nay, Thông tin Khoa học
Xã hội, Khoa học Ngoại ngữ.