Bản dịch tiếng Nga hoàn hảo Truyện Kiều của Vũ Thế Khôi
Tháng
12 năm 2015, nhân dịp kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, toàn bộ bản dịch
truyện Kiều song ngữ Nga - Việt của Vũ Thế Khôi đã được nhà xuất bản Thế
giới ấn hành, với hình thức trang trọng đạt mức yêu cầu chất lượng cao
về nghệ thuật dịch tác phẩm văn học, kỹ thuật bình trang, chọn giấy,
trình bày bìa.
Dịch giả Vũ Thế Khôi giới thiệu quả chuông thân phụ Nguyễn Du cung tiến vào Văn Miếu Thăng Long với cô giáo Sophia và con gái của nhà Việt Nam học Nikulin, học giả Nga đầu tiên nghiên cứu Truyện Kiều - Ảnh chụp năm 2010
Tạp chí Russki jazyk za rubezom là cơ quan ngôn luận của
Hiệp hội quốc tế nhà giáo tiếng Nga và văn học Nga, xuất bản từ năm
1967. Đây là tờ tạp chí khoa học có uy tín, với một ban biên tập gồm
những nhà Nga ngữ học, tập hợp từ các nước Nga, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc
v.v… Nhân kỷ niệm 65 năm (1950 - 2015) thiết lập quan hệ ngoại giao
giữa Việt Nam và Liên bang Nga vừa qua, tạp chí đã phối hợp với phân
viện tiếng Nga Puskin Hà Nội, xuất bản một phụ trương đặc biệt, với
nhiều bài của các tác giả Nga và Việt, viết về lịch sử giảng dạy tiếng
Nga ở Việt Nam trong 70 năm qua (1945 - 2015). Ngoài ra, số tạp san này
còn tập trung viết về đất nước, con người, văn hoá Nga và Việt Nam.Biên tập viên người Việt tham gia chuẩn bị số tạp chí, từng dự lễ phát hành bản dịch thơ Truyên Kiều sang tiếng Nga tại Viện Hàn Lâm KHXH VN ngày 06 - 11 - 2015 và vốn là người thông thạo tiếng Nga, đã thấy ngay một số khiếm khuyết của bản dịch này. Việc chuyển tải nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của một tác phẩm lớn của Việt Nam thật không đơn giản chỉ là chuyển ngữ theo phép chiếu lệ thông thường. Trong khi đó, bản dịch của nhà giáo Vũ Thế Khôi tuy chỉ khiêm nhượng đề là “dịch bằng văn xuôi”; nhưng chính nhà thơ - dịch giả Nga cũng đã thừa nhận là “một bản trường ca bằng văn xuôi.” PGSTS. Sophia Kortrikova là thầy dạy của dịch giả Vũ Thế Khôi và nhiều chính khách và nhà khoa học Việt Nam khác hơn nửa thế kỷ trước – ngay khi vừa tiếp cận bản dịch ở dạng bản thảo, đã nhận xét trong thư gửi người học trò cũ: “Tôi rất thích tác phẩm này và bản dịch của em. Nói chung, em cảm nhận tốt văn phong của tác giả và thể hiện vốn từ phong phú. Nhưng có một số lỗi. Tôi đã bắt đầu làm việc…” (tức trực tiếp hiệu đính bản dịch truyện Kiều sang tiếng Nga, theo lời thỉnh cầu của chính dịch giả Vũ Thế Khôi). Vượt qua mọi trở ngại về sức lực, cô giáo 92 tuổi đã miệt mài làm việc liên tục hơn một tháng, chẳng những chỉ thay thế một số câu chữ và cách hành văn tiếng Nga, mà cô còn tỉ mỉ sửa đến từng dấu chấm, phảy ngắt câu, giúp trò hoàn thiện bản dịch “vẫn cố gắng tuân theo giọng điệu chậm rãi tự sự của em, vốn rất phù hợp với những tác phẩm viết ở thời xa cách chúng ta” và đó là “bằng thơ tự do thực sự” trong văn phong Nga.
Cuối cùng PGSTS. Sophia Kortrikova, một biên tập viên văn học từng hiệu đính nhiều tuyển tập thi ca Nga, xác định thể loại văn bản dịch Kiều của nhà giáo Vũ Thế Khôi là “dịch bằng thơ tự do”.
Ban biên tập tạp chí về phía Việt Nam dựa trên cơ sở đánh giá bản dịch của nhà giáo Vũ Thế Khôi vừa thể hiện đầy đủ và sâu sắc hơn nội dung tư tưởng và đặc điểm nghệ thuật của Truyện Kiều, vừa đáp ứng tốt hơn các mục đích học tập tiếng Nga ở Việt Nam, đã đề xuất với ban biên tập tạp chí về phía Nga, trích đăng giới thiệu đoạn đầu của Truyện Kiều trong số chuyên san và đã được phía bạn chấp nhận. Bước đầu công bố bản dịch Truyện Kiều bằng thơ văn xuôi của nhà giáo tiếng Nga Vũ Thế Khôi, trên tạp chí quốc tế Russki jazyk za rubezom được hiệu đính công phu là thử nghiệm giới thiệu kiệt tác của thi hào Nguyễn Du với giới nói tiếng Nga trên toàn thế giới. Nhớ lại, năm 1965 nhân kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, trích đoạn ngót 300 câu Kiều do nhà Việt Nam học Nikolai Nikulin cùng nhà thơ - dịch giả lão thành Arkadi Steinberg chuyển ngữ sang tiếng Nga, lúc đầu in trên Báo ảnh Việt Nam, sau đó được in lại trong Tổng tập văn học phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, như vậy chưa đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc và học tiếng Nga thông qua truyện Kiều.
Tháng 12 năm 2015, nhân dịp kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du, toàn bộ bản dịch truyện Kiều song ngữ Nga - Việt của Vũ Thế Khôi đã được nhà xuất bản Thế giới ấn hành, với hình thức trang trọng đạt mức yêu cầu chất lượng cao về nghệ thuật dịch tác phẩm văn học, kỹ thuật bình trang, chọn giấy, trình bày bìa. Đặc biệt, gần 20 bức tranh minh họa, sơn dầu, màu nước... của các danh họa Việt Nam như: Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Tạ Thúc Bình, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tư Nghiêm, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Thị Hợp, Tú Duyên, Lê Lam đã được chọn in trên nền màu giả điệp đã góp phần tăng thêm vẻ đẹp hoàn hảo của cuốn sách.
Tiếc rằng với khả năng kinh phí có hạn - do một số học trò hiếu nghĩa với thầy và với nghiệp tiếng Nga - chung sức đóng góp, bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga xuất sắc như thế mới in được 1000 bản. Với tầm vóc ý nghĩa lớn của truyện Kiều, với vị trí của Nguyễn Du - một danh nhân văn hóa thế giới và nhất là nhu cầu của thế giới học và đọc tiếng Nga khá rộng, nên chăng nhà nước Liên bang Nga và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cần đầu tư tái bản, tạo điều kiện cho dịch giả sửa chữa nốt một số lỗi kỹ thuật vi tính bộc lộ sau khi sách in xong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét