Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Giới thiệu bài thơ "Chuyện tình cỏ may" của bạn Nguyễn Văn Học

CHUYỆN TÌNH CỎ MAY

Bạn từ thời học đại học vừa tặng cuốn "Kỷ yếu học viên lớp bồi dưỡng viết văn khóa VIII" nhân dịp bạn í chính thức là hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trong cuốn kỷ yếu có bài thơ "Chuyện tình cỏ may" mà có lần bạn đã đọc trong ngày hội lớp N67 của bọn mình. Chuyện trò với bạn mới thấy công việc văn thơ thật lao tâm khổ tứ. Sau khóa học bạn đã phải đốt đi hơn trăm bài thơ gan ruột của mình, chỉ lưu giữ năm sáu chục bài để sửa lại. Trước kia mình cũng ti toe làm một số bài thơ giờ thì không dám nữa. Thôi thì đọc thơ của người khác cũng thấy thú vị rồi. Xin giới thiệu "Chuyện tình cỏ may" của anh Nguyễn Văn Học với lời bình của chị Lê Hà, con gái nhạc sĩ Lê Lôi và là em gái chị Lê Thụy Ánh - người chị, người bạn lớn, một đồng nghiệp yêu quý của mình.

CHUYỆN TÌNH CỎ MAY
                           Nguyễn Văn Học

Nhìn bông hoa cỏ rung rinh
Bồi hồi nhớ lại chuyện tình cỏ may
Trăng thu huyền ảo nên say
Gió thu se lạnh chở đầy hương quê
Ngồi trên triền cỏ ven đê
Áo em trăng trắng bộn bề hoa may
Thì thầm: “Anh nhé, nhẹ tay
Nhặt sao cho hết bên này, bên kia”
Đêm trong lạc lối sang khuya
Trăng thanh thao thức sẻ chia tâm tình
Đời trôi theo cuộc mưu sinh
Triền sông đom đóm soi mình hoa may
Ước gì có được phút giây
Để hoa may... lại vương đầy áo em!
LỜI BÌNH: Lê Hà 
Mùa thu vốn được ví như chàng nghệ sĩ phía sau là nồng nàn nắng hạ, phía trước là cái lạnh mơ hồ... Nóng và lạnh hòa trộn để cho mùa thu vừa đủ nhớ, vừa đủ yêu, vừa đủ để khao khát. Trời ấy, đất ấy, cảnh sắc ấy khiến lòng người như lâng lâng say cũng là điều dễ hiểu và cũng còn dễ hiểu khi mùa thu của cuộc đời gặp gỡ với mùa thu tạo vật. Sự gặp gỡ mang tính quy luật như dịu lại để rồi cộng cảm, rồi ngân lên cung bậc thành thơ: “Nhìn bông hoa cỏ rung rinh/ Bồi hồi nhớ lại chuyện tình cỏ may”.

Cỏ may gần với heo may, gần với mùa thu, mùa đời... Khi cơm áo không còn đè nặng đôi vai, cái có đã có, cái chưa có đã yên bề ấy là lúc con người có ý thức tìm về ký ức, tìm về những gì đã mất. Ý thức thức dậy như chất xúc tác để cân bằng đời sống, nó giúp hồn người hướng thiện, nó neo vào bản ngã, thoát bớt sự xô bồ... Có thể nói hoài niệm là đặc tính của mùa thu. Con người đến với mùa thu chân tình như đến với hoài niệm: ”Ngồi trên triền cỏ ven đê/Áo em trăng trắng bộn bề hoa may”.

Tình đầu không mấy khi viên mãn, nhưng tình đầu quả thật khó nhạt phai. Sau hai cặp lục bát mang đặc trưng của sự kể, tả thì hiện lên cái áo em với cặp từ láy “trăng trắng”, một câu thơ trẻ trung như thời 17 tuổi, ngày tâm hồn mới chơm chớm đam mê, nó run rẩy..., nó hồi hộp thở dài: “Thì thầm:”Anh nhé, nhẹ tay/ Nhặt sao cho hết bên này, bên kia””.

Câu thơ đẹp như bức vẽ, đọc mà ngỡ như được xem hình ảnh 3 chiều : Nghiêng bên này thì câu thơ khác đi. Ngó bên kia câu thơ gợi lại một liên tưởng... Để ở vị trí cội nguồn, câu thơ hiền thục như chưa hề chạm tới đa đoan: “Đêm trong lạc lối sang khuya/Trăng thanh thao thức sẻ chia tâm tình”.

Tình đầu và người làm thơ hình như giống nhau ở chỗ họ không bao giờ hoạch định được con đường và cái đích phải đến. Bởi tình đầu và thơ ca luôn cần đến sự dìu dắt của số phận. Thế nên “Đêm trong lạc lối ...” và cái nguồn vòng vo luôn mới cho những câu chuyện vu vơ không bao giờ cạn... “Đời trôi theo cuộc mưu sinh/Triền sông đom đóm soi mình hoa may”.

Tình đầu đẹp mà tình đầu hay dang dở bởi cái lẽ tình đầu hồn nhiên và rất bản năng. Tuy nhiên cuộc sống không phải như thơ, cuộc sống là toán học (cơm áo không đùa với khách thơ). Chạm vào vòng cần lao, ngoái lại thấy bờ sông gió... và con đom đóm lập lòe: “Ước gì có được phút giây/Để hoa may... lại vương đầy áo em!”

Mùa thu, chàng nghệ sĩ bỏ lại nơi rộng dài xuân, hạ, bỏ lại mưa nắng buồn vui, chỉ còn lại nơi hồn một điều ước giản dị “Chưa tiêu gì ra món/Đã hết veo cuộc đời” (Đoàn Thị Lam Luyến). Trở về bên bờ xưa sông cũ ước thêm mùa heo may. Câu thơ tâm trạng, nó cụ thể như giấc mơ, dẫu biết giấc mơ không bao giờ trở lại. Tuy nhiên, những mối tình đầu vẫn cứ phải mơ bởi cái đẹp cũng không bao giờ quay lại.
Giản dị, chân thành, dễ đọc, dễ hiểu mà có sự khơi gợi xốn xang là tố chất để cho thơ khởi sắc. “Chuyện tình cỏ may”, tôi đọc mà như tôi gặp lại “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên” (Thế Lữ) ./.

Ngô Anh Thơ
Nguồn: http://traudatnhaque.blogspot.com/2015/04/chuyen-tinh-co-may.html

1 nhận xét:

  1. Các nhân vật "Chuyện tình cỏ may" ơi! Các bạn vào mà xem chuyện tình của các bạn đã được đưa vào Blog Nga Văn N67 đây này. Một câu chuyện tình đẹp đáng ngưỡng mộ lắm lắm. Cảm ơn anh Khoa và Mỹ đã đăng bài để Thơ thấy vui vì đã thực hiện được lời hứa với tác giả bài thơ.

    Trả lờiXóa