Gặp mặt đầu xuân 2014 N67 |
Bài đăng phổ biến
-
Tuyết Paustovsky Mùa đông nước Nga - Tranh của Nguyễn Tuấn Kho a Tachiana Pêtơrốpna dọn đến nhà cụ Pôtapốp được một tháng thì cụ mất. N...
-
Xin giới thiệu một số hình ảnh buổi họp mặt N67 tại Nhà hàng Thăng Long, đường Âu Cơ, Hà Nội, sáng 17-3-2012, do bạn Ngọc Mỹ chụp: ...
-
TÌNH BẠN Ba lăm năm trước tự nhiên đến đây, Tự nhiên gặp nhau, nhìn nhau lạ hoắc. Lạ nhau áo quần, lạ nhau nét mặt...
-
Xin giới thiệu bài viết của bạn Anh Thơ trên blog Chúng tôi N67 đăng từ tháng 3 năm 2010, đã được biên tập lại: CHÚNG TÔI N67 N67...
-
Chúng ta cùng nhớ lại những hình ảnh thời sinh viên: Những tấm ảnh kỷ niệm này được cung cấp bởi các bạn Ngọc Mỹ, Trân, Hồng Phương, Hào,...
Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014
Gặp mặt đầu xuân 2014
Hội cựu sinh viên N67 đã có buổi gặp mặt đầu xuân 2014 tại Khu du lịch Tản Đà, Ba Vì, Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2014. Mời các bạn xem videoclip:
Cảm ơn bạn Huy Toàn quay phim và các bạn Quang Huy, Ngọc Mỹ, Anh Thơ, Trịnh Thị Trân đã cung cấp ảnh cho clip này.
Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014
ALEKSANDR BLOK, NHÀ THƠ NGA LỖI LẠC CỦA “THẾ KỶ BẠC” - Nguyễn Xuân Hòa
Thày Nguyễn Xuân Hòa gửi cho N67 một bài viết về nhà thơ Nga Aleksandr Blok, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:
ALEKSANDR BLOK, NHÀ THƠ NGA LỖI LẠC CỦA
“THẾ KỶ BẠC”
Nguyễn Xuân Hòa
Aleksandr Blok (1880-1921) |
Đầu thế kỷ 20 trên bầu trời thi ca Nga của “thế kỷ Bạc”
bừng sáng lên với những ngôi sao lớn nối tiếp nhau xuất hiện: Đó là Aleksandr Blok,
Anna Akhmatova, Sergei Esenin, trong đó A. Blok - nhà thơ của buổi giao thời lịch
sử - có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với toàn bộ nền thơ ca hiện đại Nga.
Cùng với Andrei Belưi, Viacheslav Ivanov..., Blok
thuộc thế hệ thứ hai (phái trẻ) các nhà thơ tượng trưng Nga chịu ảnh hưởng mạnh
mẽ của nhà thơ và triết gia Vladimir Soloviov (1848 - 1901), người có uy tín
rất lớn trong phái trẻ tượng trưng Nga đầu thế kỷ XX, trong đó Blok nổi lên như nhà thơ lớn nhất
chiếm vị trí chủ soái từng được ví như Đante của nước Nga.
Aleksandr Blok (1880 - 1921) là
nhà thơ vĩ đại cuối cùng của nước Nga cũ trước Cách mạng. Sáng tác của Blok là
một trong những hiện tượng xuất sắc nhất của nền thơ ca Nga sau Puskin,
Nekrasov, Tiutchev. Mảng thơ trữ tình của Blok, trong đó có thơ tượng trưng,
chiếm một vị trí nổi bật nhất trong đời sống thơ ca nước Nga cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20.
Xuất thân từ giới thượng lưu đại trí thức, Blok (1880-1921)
sinh ra và lớn lên ở đất đế đô Saint-Petersburg, trung tâm văn hoá và văn minh
của nước Nga cuối thế kỷ 19.
Từ những ngày còn thơ bé Blok đã thích làm thơ và ở
tuổi hoa niên chàng trai Aleksandr đã say mê làm thơ, nhưng mãi đến năm 1901, A.Blok mới cảm nhận được mình
sẽ là nhà thơ.
Từ những bước đi đầu tiên khá vững chắc trên văn đàn của
chủ nghĩa tượng trưng Nga đang ở thời kỳ cực thịnh Blok xuất hiện và được nồng
nhiệt tán thưởng từ phía các nhà văn, nhà thơ có xu hướng bất chấp sự thật tàn
nhẫn của cuộc sống để dựng nên “những huyền thoại ngọt ngào” về thực tại.
Tiếp thu một cách tự nhiên và hào
hứng quan điểm duy tâm thần bí của Soloviov, Blok cùng Andrei Belưi, Viacheslav Ivanov trong phái trẻ tương trưng
nước Nga đã cải biên, phát triển chủ nghĩa tượng trưng của ông đối với thơ Nga
đầu thế kỷ 20. Hình
tượng trung tâm trong triết học và trong thơ Soloviov là “Tâm hồn thế giới”, là “Nữ
tính Vĩnh hằng” đã đánh trúng vào tâm tư của nhà thơ trẻ Blok và phái trẻ tượng trưng Nga. Soloviov đã biểu thị tính nhân bản
rất đời thường trong bài thơ nổi tiếng Das
Ewige Weibliche (Nữ tính vĩnh hằng)
(1898) khi ông bày tỏ “niềm ngưỡng kính nồng cháy đối với cái đẹp thánh thiện
vĩnh hằng song cũng bao dung đôn hậu với cái đẹp phàm trần”(Phạm Vĩnh Cư,
2005). Thừa hưởng những biểu tượng tình yêu trong thơ Soloviov, Blok đã phát
triển và sáng tạo nhiều hình tượng rất đặc trưng về tình yêu và người đọc
thường xuyên bắt gặp những hình tượng triết lý của Soloviov trong thơ Blok như Thiếu nữ Vĩnh hằng, Bà chúa
Vũ trụ, Người Đàn bà Huyền bí ... Ngay từ cuối thế kỷ 19 (1898) Soloviov đã
tạo nên biểu tượng về cái đẹp thuần khiết của Nữ tính Vĩnh hằng bằng những vần thơ: Nhưng hãy biết: Nữ tính Vĩnh hằng/ Trong thân thể bất tử giờ đây đang
giáng thế/ Trong ánh sáng bất tuyệt của nữ thần mới/ Trời với biển hân hoan hòa
làm một
(Phạm Vĩnh Cư dịch)
Blok cũng vậy. Coi vị hôn thê nguyên mẫu của mình -
nàng Liubov Dmitrievna - không chỉ là một thiếu nữ trần thế mà còn là Người Đàn bà Kiều diễm, nên trong thơ Blok không giữ lại những gì hiện hữu của
nguyên mẫu mà muốn đẩy cho những vần thơ bay bổng chạm tới cái đẹp thuần khiết. Bởi chính Liubov Dmitrievna là “hiện thân trần thế của một Tuyệt thế Giai
nhân hay là của Nữ tính Vĩnh hằng” nên Nàng bắt đầu có những nét siêu
nhân. Thông
qua hình tượng Tuyệt thế Giai nhân Blok
đã thi vị hóa người mình yêu rồi nâng lên mức van nài tôn kính của một chàng
trai trần thế đối với Người Đàn bà Siêu
nhân: Dưới bóng cột nhà lồng
lộng cao sang/ Tiếng kẹt cửa cũng khiến tôi run rẩy/ Và soi vào tôi hào quang chói lọi/ Mà bóng dáng nàng chỉ là giấc mơ êm./ Ôi tôi quen những mộng mị dịu hiền/ Của Người Vợ Tôn nghiêm và Vĩnh cửu ( Đăng Bảy dịch); hoặc: Trên mái đầu em mang vương miện/
Tóc còn xanh em biết gì đâu/ Từng bậc ngai vàng đinh ninh tôi nhớ/ Khe khắt lời
em phán xét lần đầu./ Những tà áo sao nhợt nhoà thế/ Và lặng yên đến lạ kỳ sao/
Một vòng tay ôm toàn hoa huệ nước/ Mà mắt em trống rỗng nhìn đi đâu.
Những dòng thơ lãng mạn này lại xuất phát từ một kỷ
niệm thật của cuộc đời trần thế: Lúc bấy giờ chàng trai Blok mới mười bảy tuổi
sắm vai Hoàng tử Hamlet, còn nàng Liubov Dmitrievna ở trang ấp bên cạnh sắm vai
nàng Ofelia mất trí. Blok đã hồi tưởng lại, thực tế như một hình bóng lung linh
trên mặt nước, bục sân khấu biến thành ngai vàng và vòng hoa đồng nội biến
thành vương miện. Rõ ràng lúc này “hình tượng thực tế của thiếu nữ yêu dấu
trong trí óc mường tượng của nhà thơ đã hòa làm một với ý niệm mượn của
Vladimir Soloviov về một căn nguyên nào đấy được thể hiện trong những khái niệm
Tâm hồn thế giới hay Nữ tính Vĩnh hằng”(Orlov).
Mặc dù có thiện cảm với các nhà
thơ tượng trưng thế hệ thứ nhất, cảm phục tài năng của họ, thấy được ở họ các
bậc thầy của ngôn từ thơ ca, song Blok xa lạ với cái bi quan cực đoan của chủ
nghĩa tượng trưng. Từ cách nhìn đời ảm đạm trong những sáng tác đầu tay dần dần
ở Blok đã xuất hiện ước mơ về một cuộc sống khác, nảy sinh một hy vọng lờ mờ về
mối dây liên hệ với thế giới cho dù phải thông qua một hình tượng Tuyệt thế giai nhân siêu phàm.
Trong sáng tác thơ trữ tình mặc dù thiên về lối miêu
tả thần bí, song Blok không quay lưng với thực tại. Ước mơ lãng mạn trong thơ
Blok là tạo nên những biểu tượng gắn với sợi dây của thực tại đời thường. Quả thật Blok “đã tạo nên một thế
giới thi ca độc đáo làm sống dậy
những hoài vọng mang tính biểu tượng. Nhân vật trữ tình của nhà thơ không phải
sống trong hiện thực nước Nga, mà trong một thế giới ước lệ” (Trần Thị Phương
Phương, 2010). Cái tượng trưng trong thơ Blok được hiểu như sự hàm chỉ một bản
chất bí ẩn nào đó, “một thế giới khác” với thế giới khách quan mà chúng ta đang
sống, thế giới của những “cảnh đời trần thế khổ ải”. Các nhà thơ tượng trưng và
Blok tự coi mình là những nhà lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng tách rời khỏi thực tại
họ chỉ là những nhà lãng mạn của cái không giống với thực tại, bởi vậy họ cảm
thấy bất lực khi đứng trước tình huống buộc phải đả động đến thực tại trong sáng
tác thi ca. Mà như thế có nghĩa là cái tượng trưng của họ dù muốn hay không
muốn đã thực sự phản ánh những hiện tượng thực tế.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên
khá thú vị giữa Soloviov và Blok trong tình yêu đam mê. Chàng trai Soloviov năm
23 tuổi đã đem lòng yêu say đắm một mệnh phụ hơn ông nhiều tuổi đã có chồng con
nhưng ông lại coi nàng là hiện thân của Nữ
tính Vĩnh hằng trên thế giới này. Blok cũng có mối tình điên dại tương tự.
Năm 17 tuổi chàng trai Blok ngây thơ trong trắng đã yêu mê mệt một mệnh phụ và
trong thơ Blok đã nhớ lại chất vàng nguyên của mối tình đam mê dai dẳng. Chàng trai mười bảy tuổi lúc bấy giờ vẫn không thể nào
quên được mối tình đầu sau mười hai năm: Hay thiên dáng của
lần đầu say đắm/ Vẫn chưa hề li biệt với hồn anh/ Và anh mãi đến muôn đời đính
ước/ Với bóng hình xưa không quên lãng trong anh.
Đó là mối tình đầu sét đánh của
Blok với một phu nhân 30 tuổi đầy quyến rũ Ksenia Sadovskaia, mẹ của ba đứa
con, diễn ra năm 1897 tại nơi nghỉ mát Bad Nauheim, nước Đức. Mối tình này hằn
sâu trong tâm hồn thi sĩ và ám ảnh mãi khiến Blok không thể không viết ra một
loạt những bài thơ sau 12 năm đã trôi qua. Đó là những bài thơ viết ngay sau đó
và chùm thơ Mười hai năm sau
(1909-1910) viết về mối tình với Ksenia, người phụ nữ đẹp mê hồn có đôi mắt
xanh biếc làm say lòng nhà thơ đa tình: Anh
lại thấy đôi tay em thon thả/ Và nghe thấy giọng của em thánh thót/ Không phải
trong mơ mà trong đời thực/ Anh lại đắm chìm trong thăm thẳm mắt xanh.
Từ nguyên mẫu vị hôn thê Liubov Dmitrievna Blok đã
sáng tạo nên một biểu tượng Người Đàn bà Kiều diễm được nhà thơ dùng để
đặt tên cho tập thơ trữ tình nổi tiếng của mình. Blok viết xong tập thơ này từ
những năm 1901-1902 nhưng đến năm 1903, trước Cách mạng Nga lần thứ nhất 1905,
Blok mới cho ra đời tập thơ đầu tay Thơ về người Đàn bà Kiều diễm và
nhanh chóng trở thành nhà thơ xuất sắc nhất của trường phái tượng trưng Nga. Đây là
tập thơ thể hiện sự hài hòa của Người Đàn bà Kiều diễm, thuần khiết với
Nữ tính Vĩnh hằng.
Tập
thơ Thơ về Người
Đàn bà Kiều diễm tập hợp gần 800 bài thơ trữ tình đã được công bố trên
tạp chí Con đường mới của phái tượng trưng và trên giai phẩm Những
bông hoa phương Bắc. Lúc này toàn
bộ con người Blok bị chế ngự bởi những cảm xúc thần bí của thơ ca Soloviov và
của phái trẻ tượng trưng. Song Blok không đi vào thế giới mộng ảo mà luôn gắn
với thực tại, bởi vậy thơ trữ tình thời trẻ của Blok tuy có những bài còn đậm
chất lãng mạn thần bí, nhưng khi viết về cuộc đời thực tại thì tình cảm tự
nhiên của con người trong thơ Blok vẫn dậy lên, dồn dập, khoẻ khoắn.
Mối tình của Blok với
nàng Liubov Dmitrievna đã làm tuôn trào những vần thơ lãng mạn được tái tạo gắn
với những kỷ niệm của đời thường: đó là ngày 7 và ngày 9 tháng 11 năm 1902,
buổi tối của lần tỏ tình sau hội khiêu vũ tại buổi họp mặt của giới quý tộc do
nữ sinh cao đẳng tổ chức; buổi dạo chơi bên nhau trong khu rừng huyền ảo gần
trang ấp Boblovo, nơi trai thanh gái lịch đến thăm gia đình Liubov Dmitrievna,
con gái nhà bác học Mendeleev, và thường dạo chơi trong khuôn viên trang ấp: Nàng mười lăm. Nhưng nhịp đập trái tim nàng/
Đã là của vị hôn thê tôi đó/ Lời cầu hôn khi tôi vừa kịp ngỏ/ Nàng quầy quả bỏ
đi, đôi má ửng hồng/ Chuyện lâu rồi và kể từ ngày ấy/ Chẳng ai hay bao ngày
tháng đã trôi/ Chúng tôi thưa gặp nhau và chẳng nói nhiều lời/ Nhưng im lặng
thật là sâu lắn/ Rồi một đêm đông tin vào giấc mộng/ Rời căn phòng sáng rực
chật người chen/ Những mặt nạ hoá trang cười và hát/ Tôi đắm say đưa mắt tiễn
theo nàng...
Blok lúc nào cũng tâm niệm “Thi nhân là một hằng
số” và thơ Blok đã nói lên điều đó: Thi nhân lãng mạn nhưng thi nhân trước
sau cũng là con người của thực tại. Chính vì vậy những dòng thơ trữ tình của
Blok dù bay bổng vẫn mang những nét của trần thế: Tôi nghe tiếng chuông. Mùa xuân trên cánh đồng/ Những cửa sổ tươi vui em
rộng mở / Ngày cười vang và lát sau vụt tắt / Chỉ mình em lặng ngắm dải mây
hồng.
Những sắc màu lộng lẫy trong sáng, hứng khởi trong
nhiều bài thơ trữ tình của Blok rất gần gũi với hội hoạ Nga cổ đại lúc bấy giờ,
nền hội hoạ bắt đầu được hé mở trước các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc qua
các lớp bồ hóng và bụi thời gian che phủ, qua các thành lớp trên tượng thánh và
tranh tường. Đây chính là sợi dây nối với cuộc đời thực tại mặc dù nhà thơ vẫn
mộng mơ: Tôi yêu những buổi chầu tối/ Bên
nhà thờ trắng ven sông/ Làng quê trước khi chiều xuống/ Xanh lam mờ bóng hoàng
hôn/ Tấm màn sương đang buông xuống/ Tân lang rời khỏi bệ thờ/ Ửng hồng bình
minh hôn lễ/ Trên rừng cây hình răng cưa (Đặng Dương Đượm dịch).
Đôi khi mượn triết lý thần bí của Soloviov, Blok rũ
sạch giấc mơ nặng nề về nhận thức cuộc đời để đi vào cõi mộng mơ. Năm 1901,
tháng Sáu, Blok đã lấy hai câu thơ của Vladimir Soloviov (1892) “Cả giấc mơ nặng nề về nhận thức cuộc đời/ Em
rũ sạch yêu thương và buồn nhớ” làm lời đề từ để viết bài thơ mộng mơ “Tháng năm trôi tôi vẫn hình dung thấy...”(1901).
Thực tại xã hội sôi động không đơn giản chỉ là cái đối
trọng với cái triết lý duy tâm thần bí trong thơ Blok, mà như mưa lâu thấm dần,
nó tác động đến tâm tư tình cảm của nhà thơ trẻ giàu tính nhân bản. Là “một nhà
thơ chân chính -vốn ở ý trời- và con người của lòng chân thành không biết sợ”
(M. Gorki), Blok hoàn toàn không cấm cung trong “tháp ngà” để sáng tác, bởi vậy
cuối cùng Blok xa lánh dần những nhà thơ trong phái trẻ tượng trưng suy đồi và
hướng tư tưởng sáng tác của mình vào cuộc sống thực tại. Một giai đoạn mới trên
bước đường sáng tác của Blok mở ra, thực tại cuộc sống nước Nga giang tay tiếp
đón nhà thơ đích thực của mình.
Có thể nói, thơ trữ tình của Blok nói chung và tập thơ
“Thơ về Người Đàn bà Kiều diễm” nói
riêng là những vần thơ giàu cảm xúc, có sức
gợi suy nghĩ bền lâu. Đó là mạch ngầm chảy mãi trong suối thơ Blok, phản
ánh chân thật thế giới nội tâm phức tạp của con người, và vì thế ngày nay khi
nước Nga đang vững bước vào thế kỷ 21 đầy sôi động của một nước công nghiệp
phát triển, thơ Blok vẫn mãi mãi là người bạn tâm tình của người dân Nga hôm
nay và của triệu triệu bạn đọc ngoài biên giới nước Nga. Ở Việt Nam thơ Blok
được đón nhận một cách trân trọng và nghiền ngẫm bởi chất trí tuệ lắng đọng của
thơ và những biểu tượng hàm ẩn trong thơ, thế hệ trẻ Việt Nam nhiều người tìm đọc
một cách thích thú vì thấy được trong thơ Blok một tâm hồn đồng điệu về tình
yêu thuần khiết toát ra từ hình tượng Nữ
tính Vĩnh hằng.
Một số bài thơ của A. Blok do Thày Hòa dịch:
THƠ A. BLOK (Liên bang Nga)
Người dịch: Nguyễn
Xuân Hòa
Trên đồng cỏ trăng rằm lơ
lửng
Chiếc đĩa tròn huyền diệu
đứng im,
Trăng
sáng, lặng thinh.
Hoa dại nở nhạt nhoà đồng cỏ
Bóng đêm đen trườn khắp đồng hoa
Ngả
lưng thiếp ngủ.
Thấy rờn rợn khi bước ra đường:
Nỗi lo âu không ai hiểu nổi
Trùm
lấp dưới trăng.
Dẫu ta biết: ngày ngày sáng sớm
Mặt trời ló ra trong mù sương,
Trải
nắng khắp đồng,
Thì lúc ấy ta đi trên con đường mòn,
Nơi dưới từng ngọn cỏ cọng rơm
Sục sôi cuộc sống.
21 tháng Sáu 1898
Đồi cây xanh quanh năm
toả mát,
Bên suối khe trong cánh
rừng hoang.
Sinh bệnh lười khi nghe
suối hát
Xung quanh đồi ngào
ngạt đưa hương.
Hoa, cỏ cây phủ đồi xanh
mướt
Chẳng bao giờ để nắng lọt
qua,
Đồi cây xanh cho ta bóng
mát
Nghe đều đều róc rách
suối xa.
Đôi tình nhân nép mình
thủ thỉ
Quên chẳng nhìn cây cỏ
xanh mơ.
Thì thầm sao hoa không
héo nhỉ?
Sao suối không cạn nước
bao giờ?
Dưới sâu lòng đất cây
đâm rễ
Là nơi chôn mãi nỗi
đau tôi,
Ngày cứ trôi mà chưa
thôi rơi lệ
Ofelia, ôi những đóa
hoa tươi !
3 tháng Mười một 1898
Người yêu dấu! Nơi tâm
hồn thiếu nữ
Em đẹp trắng trong!
Hãy yên ngủ! Tâm hồn anh
bên em
Kiều diễm dung nhan!
Em tỉnh giấc, khuya về
cơn bão tuyết
Giá rét căm căm.
Bởi bên em một tâm hồn
tin cậy
Em không cô đơn.
Mặc bên ngoài gió mùa
đông gào thét, –
Anh luôn bên em!
Che chắn cho em cơn bão
mùa băng tuyết
Bằng cả tâm hồn!
8 tháng Hai 1899
TÔI TỚ HẦU HẠ NỮ HOÀNG
Đừng hô hào
Thánh đường ─ không hô
hào con vẫn đến
Con ngả đầu lặng im
Quỳ dưới chân Người.
Lời răn dạy con sẽ
lắng nghe
Rụt rè con chờ đợi
Để tới buổi viếng
thăm chốc lát
Lại được cầu xin ban
phước chở che.
Sức mạnh đam mê của
Người cuốn hút
Con yếu đuối dưới ách
Người
Lúc làm đầy tớ, lúc
là người yêu,
Nhưng suốt đời là nô
lệ.
14 tháng Mười 1899
NHẬP ĐỀ
(Rút trong “Thơ về Người Đàn bà Kiều diễm”)
Nghỉ ngơi uổng công.
Khắc nghiệt đường xa.
Một chiều đẹp trời.
Tôi lay cổng vu vơ.
Tiếng lay cổng với
nàng nghe xa lạ,
Đầy ngọc trai nàng
tung rắc xung quanh.
Cao ngất nhà tháp gỗ,
đã tắt buổi hoàng hôn.
Lối cổng vào ẩn tàng
điều huyền bí.
Ai đốt lửa buổi bình
minh nhà tháp gỗ?
Đích thân Công chúa gây
dựng điều chi?
Từng nóc nhà chạm
khắc hoa văn
Về phía nàng ánh lửa
hồng hắt bóng.
Mái vòm cao vươn lên
tít trời xanh.
Những ô cửa xanh ánh
lên màu hồng đỏ.
Chuông trên tháp đều
ngân lên gióng giả.
Trang phục đều mang
dáng dấp mùa xuân.
Buổi hoàng hôn Nàng
có đợi tôi chăng?
Nàng đốt nhà tháp
gỗ? Hay mở cổng tôi vào?
28 tháng Chạp 1903
Cả giấc mơ nặng nề của nhận thức cuộc đời
Em rũ sạch yêu thương và buồn nhớ.
V.l. Soloviov
Tháng năm trôi tôi vẫn
hình dung thấy
Dung nhan Em không chút
khác ngày xưa.
Lửa rực cháy chân
trời lòa vầng sáng,
Lặng lẽ tôi chờ, − buồn nhớ với yêu mơ.
Lửa rực cháy chân
trời và bóng Em gần lại
Nhưng tôi hãi hùng: dung
nhan.em khác xưa.
Những dáng nét thân
quen đâu còn nữa
Khiến trong tôi cháy
bỏng nỗi nghi ngờ.
Ôi, tôi gục xuống −
khổ đau và bé nhỏ
Nào có ai cưỡng được
hồn mơ!
Lửa rực cháy chân
trời! Ánh hào quang gần lại,
Nhưng tôi hãi hùng:
dung nhan Em khác xưa.
4 tháng Sáu 1901
...cầu chúc thì đã muộn,
Tất cả đã qua rồi: hạnh phúc lẫn khổ đau.
Vl. Soloviov
Đừng giận dỗi, hãy rộng lòng tha thứ.
Em đẹp tươi trong đơn chiếc lẻ loi,
Sao tôi có thể trả về quá khứ
Những giấc mộng vàng và cả niềm tin...
Con đường tôi vô vọng bến bờ.
Em ngời tươi với ý nghĩ mộng mơ
Lòng xốn xang tràn trề hạnh phúc,
Em tha thiết như màu xanh ngọc bích
Còn với tôi là cuộc sống khác xa,
Con đường tôi đi cũng khác xa.
Tôi nào dám nghĩ đến mộng mơ.
Những tôn thờ thời tôi còn trai trẻ
Em hãy tin, không bất hạnh gì hơn
Nơi thần huyền bí của Em từng yêu và hít thở
Là đất nước rộng lớn bao la,
Nhưng với tôi thần lạnh nhạt thờ ơ.
10 tháng Sáu 1901
S.- Petersburg . Mùa đông và
mùa xuân 1902
* *
*
Cả Thần Linh và cả vị Hôn Thê đều nói:Hãy đến.
Sách Khải Huyền
Tôi tin Thái Dương bất
tận,
Xa xa nhìn thấy rạng
đông.
Ánh sáng thế gian tôi
đợi
Rọi từ mảnh đất mùa
xuân.
Tất thảy ngập tràn
giả dối
Giật mình, run rẩy
toàn thân
Trước mặt tôi một bờ
mương
Dẫn tới vùng hoang lầy lội.
Tôi đi qua những cánh
rừng
Thiêng liêng những bông
huệ trắng.
Trên tôi rợp cả bầu
trời
Thiên thần lượn bay
muôn cánh.
Đã rập rờn muôn tia
sáng
Của nguồn ánh sáng
ảo huyền.
Tôi tin Thái Dương bất
tận
Và nhìn thấy mắt Em
đen.
22 tháng Hai 1902
Mỗi lúc chiều buông
anh gặp em,
Em chèo khua nước
thuyền trôi êm.
Yêu em yêu cả tà áo
trắng,
Giã biệt từ nay giấc
mộng huyền.
Gặp nhau lạ quá chỉ
ngây nhìn
Mờ xa doi cát khuất
trong đêm
Chập chờn ánh nến đêm thanh
vắng
Ai nghĩ về em, nhan sắc em.
Cảnh vắng hoàng hôn êm
đềm quá
Lửa tình trào đến −
dẹp sang bên...
Ta gặp nhau trong chiều
sương giá
Bên bờ lau sậy sóng
lăn tăn.
Tình yêu, hờn dỗi,
buồn man mác
Tất cả trốn đi rồi
mờ tan...
Tiếng nguyện vờn bay
tà áo trắng
Mái chèo khua ánh
nước loang loang.
13 tháng Năm 1902
NỖI LO ÂU
Trái tim hỡi, ngươi nghe thấy chăng
Đằng sau ngươi
Gót sen ai bước nhẹ
nhàng?
Trái tim hỡi, ngươi
nhìn thấy chăng:
Có ai đó giơ tay ra
hiệu
Mà thầm kín có phải
không?
Là em ư? Là em ư?
Ào ào cơn bão tuyết
Trăng lưỡi liềm phủ
băng...
Phải chăng em đang từ
trên cao lao xuống?
Phải chăng em đang cuốn
cơn bão đi, -
Là em, người tôi đã nặng lòng
say đắm?
Nào hai đứa mình, ta
vút bay lên!
Trên khoảng không bao la
trắng tuyết
Nào ta thiêu đốt hết!
Bên kia đại dương che
phủ sương mờ.
Con chim bão tuyết
Có đôi cánh sẫm màu,
Hãy cho ta đôi cánh, chim ơi!
Cùng em dịu hiền với trái tim tôi
Trong vầng trăng màu ánh bạc
Cả tâm hồn tôi mòn mỏi kiệt hơi!
Để ngọn lửa trong mùa đông nắng rát
Đốt cháy thiêu cây thánh giá xa kia!
Để ta bay như mũi tên lao vun vút
Đến vực sâu thăm thẳm những sao đen!
4 tháng Giêng
1907
Giữa những ngôi nhà
những ngày vàng nắng
Tôi và em trong phút
chốc gặp nhau.
Em chăm chắm nhìn tôi
như thiêu đốt
Rồi khuất dần hun hút
cuối ngõ sâu.
Đôi mắt em nhìn tôi
không vô cớ
Lặng thinh nhìn mà
bỏng rát như thiêu,
Không vô cớ tôi lén
thầm cam chịu
Trước mặt em, ôi lừa
dối lặng im!
Rất có thể, những đêm
đông rét buốt
Ném tôi cùng em vào
vũ hội cuồng điên
Và cuối cùng tôi sẽ
là người bị giết
Bởi cái nhìn nơi em – sắc
như lưỡi dao găm!
6 tháng Mười 1909
Rút trong tập
MƯỜI HAI NĂM SAU
Gửi К.М.S.*
Mắt em biếc xanh, Trời
phú cho em sao đẹp thế
Thần mối tình đầu
linh nghiệm trên đầu anh,
Rũ sạch trong cơn mưa
thần lặng im đứng dậy
Cất tiếng ca như ong
vò vẽ giọng trầm.
Thần xóa sạch thời
quá khứ xa xăm
Nhưng thần không có tên
gọi nào thanh thoát,
Anh lại thấy đôi tay em
thon thả
Và nghe thấy giọng của
em thánh thót,
Không phải trong mơ mà
trong đời thực
Anh lại đắm chìm trong
thăm thẳm mắt xanh.
1897 – 1909. Bad Nauheim
_______________________________
* К.М.S.:Ksenia Mikhailovna Sadovskaia
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)