BẠN DẨN
Ngô Anh Thơ
Chuông điện thoại reo. Nhấc máy trả lời, nghe
không rõ hỏi xin lỗi ai ở đầu dây thì nghe hình như nói là Luận đây. Suy ra thì
đúng hơn vì dịp đó hội 8G lớp phổ thông của mình đang hẹn nhau gặp mặt thể theo
nguyện vọng của thầy giáo chủ nhiệm Hoa Thế Đán yêu quý của chúng mình mà mình
và Dung được phụ trách công việc hậu cần. Luận là một cô bạn cùng lớp 8G ở mãi
bên Gia Lâm. Chắc là Luận gọi nên mình vồn vã chào, hỏi thăm
sức khỏe thì nghe thấy tiếng trả lời “Mình đang sắp chết đây”. Ngạc nhiên quá
mình bảo “Cậu đùa đấy à”, thì người ở đầu dây bên kia bảo” Thật đấy, mới đi
Trung Quốc chữa bệnh, sau về 108 và bây giờ thì về nhà”. Mình bảo sao cậu không
báo cho các bạn để mọi người đến thăm, chia sẻ động viên. Người đó nói báo cho
Hồng Liên rồi. Đến đây thì mình mới vỡ lẽ ra đó là Dẩn, một cô bạn học cùng đại
học từ thời ở Cấp Điền, Cấp Thuỷ, Gia Lương, Hà Bắc mà bây giờ đổi tên là
Dẫn, thay dấu hỏi thành dấu ngã chắc để mọi người khỏi nghĩ đến cái nghĩa
không hay của từ này. Ngày xưa các cụ đặt tên thường tránh tên hay, tên đẹp để
cho dễ nuôi mà.
Chân ướt chân ráo từ khắp mọi miền của Tổ
Quốc vượt qua bom đạn lũ học trò vừa tốt nghiệp phổ thông cấp III đến
tập trung ở Lôi Châu, Thuận Thành, Hà Bắc để học Đại học Ngoại ngữ. Đầu tiên
mình được xếp vào học Tiếng Trung Quốc, có lẽ vì Phòng Đào tạo thấy kết quả học
Tiếng Trung Quốc ở phổ thông của mình cũng khơ khớ chăng. Thực lòng mình chỉ
thích học Tiếng Anh nên liều mạng đến gặp các thầy ở phòng Đào tạo xin chuyển
sang Khoa Anh. Các thầy bảo Khoa Anh ba tháng nữa mới tập trung, chỉ có thể học
Tiếng Nga được thôi. Nghĩ đến quãng đường bom đạn dài giằng giặc mà sợ, mà ngại
ngùng nên tặc lưỡi thì Tiếng Nga vậy. Thế là trở thành sinh viên lớp 3N67 học ở
Cấp Điền trong số bốn lớp của khóa ấy. Mình được bố trí ở nhà bác Hốt cùng với
Hồng Liên quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, người trở thành cô bạn thân thiết suốt từ
năm 1967 cho đến tận bây giờ và một cô bạn nữa ở Bình Lục, Nam Hà chính là Dẩn.
Dân thời chiến thật tốt cho những người ở tận đẩu
tận đâu đến ở vô tư, không một chút đòi hỏi. Bây giờ phần lớn mọi thứ đều phải
quy ra thóc. Bác chủ nhà mình ở có hoàn cảnh khá éo le. Ông chồng sống với vợ
lẽ ở ngoài bãi, một mình sống với con trai nhỏ tên Điếm chừng mười hai mười ba
tuổi. Mình cứ buồn cười vì hôm đầu tiên Điếm cứ gọi chúng mình là các
cô bé sinh viên. Thỉnh thoảng cậu bé còn cho các chị ổi nữa. Ở nhà bác
chúng mình chỉ giúp bác quét nhà quét cửa, đun nước uống hàng ngày, gánh nước
khi nước trong bể vơi và đi chặt đay khi đến mùa thu hoạch.
Ba chị em ở với nhau khá hòa thuận, nhưng mình
thân với Hồng Liên hơn bởi tính cách thẳng thắn chân tình của bạn. Dẩn thì quả
thực cũng rất tội vì ngay từ thời ấy cũng không được khỏe lắm. Có lẽ vì một
phần do sức khỏe, một phần vì nhà cũng có kinh tế khá nên Dẩn thường báo
một suất cơm nữa để ăn thêm. Thường chúng mình hay đi lấy cơm từ nhà ăn
về để ăn ở nhà. Lấy bốn suất cơm về thì sẻ một suất cơm vào chiếc ca cho Dẩn.
Chẳng hiểu Dẩn không bằng lòng điều gì đó, không may đến tai Hồng Liên, thế là mỗi
khi lấy cơm về Liên xúc cơm vào ca lèn hết sức tới khi không lèn được mới thôi,
tới khi Dẩn phải phát khóc lên.
Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười quá và cũng chỉ
muốn phát khóc lên. Thương Dẩn và thương cho tất cả chúng mình nữa. Chao ơi là
đói! Đói triền miên, đói khủng khiếp! Đói! Đói! Đói! Nhưng cấm được kêu đói.
Kêu là bị đem ra kiểm điểm. Bao thanh niên cùng tuổi còn phải xông pha nơi trận
mạc, chiến đấu với quân thù, hy sinh đổ xương máu mà ở đây
chúng mình được nhà nước cho đi ăn học như thế này là ưu ái lắm rồi, còn
kêu ca nỗi gì. Nhưng đói vẫn là đói, thanh niên đang tuổi ăn mà chỉ có ít cơm
độn khoai khô với tí canh rau đen kịt mầu chảo gang và hoặc là tí cá, hoặc là
tí đậu, hoặc sang lắm có tí thịt mỡ bèo nhèo. Có đợt ăn bánh bao triền miên.
Không hẳn là bánh bao mà là bột mỳ nắm lại luộc lên có mầu xam xám, ném chó chó
chết liền.
Nhớ có lần Trần Quang Ích, sau là thư ký
của ông giám đốc Thủy điện Sông Đà, đói quá đi qua sân nhà dân, nhặt một bắp
ngô của dân, bị phản ánh thế là bị kiểm điểm, khổ ơi là khổ. Thú thực là có khi
đói quá, không học được chúng mình thi thoảng cũng ăn vụng một vài miếng khoai
lang khô của bác chủ để ở góc nhà. Xin bác tha tội cho chúng con, bé dại xa nhà
và đói quá. Nhưng có đôi lần cũng được ăn tươi. Lần thứ nhất đó là đi lao
động ở Lôi Châu phải đi qua cánh đồng, Na là dân miền trũng ở Lý Nhân, Nam Hà
phát hiện ra có rất nhiều ốc nhồi ở chân các đám bèo, thế là cả bọn thi nhau
bắt được một rổ to tướng. Chẳng có mỡ miếc gì hết, xin bác chủ tí muối và mấy
quả khế chua đun lên ăn, mà sao thấy ngon quá trời. Mình dám chắc không có đặc
sản nào thời nay ngon bằng. Lần thứ hai là một lần đi chợ Đò, Kênh Vàng, Hồng
Liên chắc mới nhận được tiền bố hay anh Tộ cho, dám mua hẳn một con gà về giết
thịt mời cả bác chủ cùng ăn. Một bữa ăn ngon khó có thể quên. Đúng là miếng
ngon nhớ lâu là thế.
Nhớ một hôm chẳng hiểu vì sao Dẩn bị đau bụng
khủng khiếp. Liên cõng nó đi vòng quanh nhà dỗ dành đủ kiểu mà nó chẳng đỡ gì
cả, chỉ khóc kêu trời. Đêm tối rồi, chẳng biết làm gì, mình sợ quá sang nhà
anh My lớp trưởng nói anh xem có cách gì giúp Dẩn với. Anh sang và quyết định
phải đưa Dẩn đi bệnh viện ở Thứa cách Cấp Điền bẩy cây số. Lấy chăn
làm võng, anh My và Đẩu khiêng cáng, còn mình và Hồng Liên cầm đèn lẽo đẽo chạy
theo sau. Tới bệnh viện người ta khám và bảo giun chui cuống mật. Họ cho
thuốc uống, mấy tiếng sau thì đỡ. Đến sáng cả bọn lại lếch thếch kéo nhau về.
Một phen hú hồn hú vía. May mà không sao cả.
Năm ấy Dẩn bị học lại. Chúng mình ít có điều kiện
gặp nhau. Sau này ra trường, mình cũng chẳng biết Dẩn đi làm ở đâu. Cách đây
bốn, năm năm gặp Dẩn trong đám cưới con Hồng Hải mới biết Dẩn làm việc trong
quân đội, nhưng hiện tại nghỉ việc, vẫn hưởng nguyên lương vì phát hiện bị ung
thư đã được hai năm rồi. Mình và Hồng Liên có đến thăm Dẩn một
lần. Dẩn mua được căn hộ chung cư ở Văn Quán. Cũng mừng cho Dẩn, nhất
là bệnh vẫn vậy không tiến triển gì thêm. Trông Dẩn thậm chí còn hồng hào
xinh đẹp hơn thời sinh viên.
Một hôm, Hồng Liên gọi điện báo Dẩn dạo này
yếu lắm rồi, mình và Hồng Liên rủ nhau đến thăm. Trông bạn nằm trên
giường với ống truyền dịch thật đáng thương. Gầy gò da sạm hẳn. Nhìn thấy
chúng mình, nước mắt Dẩn chảy dài làm mình lại nhớ đến hình ảnh cuối cùng của
Ninh khi bạn ấy cũng bị ung thư nằm ở bệnh viện K. Cầm tay chúng mình bạn ấy
cũng nước mắt chảy dài. Con trai mà phải khóc là điều hiếm thấy. Ninh muốn nói
mà không nói được nên chỉ biết khóc trông rất thương tâm. Dẩn ít ra vẫn
còn nói được. Vậy là đã năm năm bạn phải sống chung với căn bệnh
quái ác ấy rồi. Thế là kiên cường lắm đấy. Nắm bàn tay
xương xẩu gầy guộc của bạn, đưa cho bạn chiếc phong bì, bạn ấy bảo không
cần phải thế vì lương của bạn ấy mỗi tháng hơn năm triệu kia. Thôi thì chỉ một
chút tấm lòng của chúng mình. Giá như có thể gánh đỡ nỗi đau cho Dẩn thì chúng
mình cũng sẵn lòng chìa vai ra gánh đỡ. Biết làm sao, mỗi người một số phận.
Dẫu gì thì con cái Dẩn cũng đều trưởng thành, xây dựng gia đình cả rồi. Phải
chi bạn được khỏe mạnh, nghỉ hưu vui vầy cùng con cháu và hàng năm đi hội khóa
Nga văn 67 cùng chúng mình thì sung sướng biết bao!
Thôi, trời cho cái gì thì hưởng cái đó. Một khi
Chúa Trời gọi ta về với Chúa, thì ta cũng thanh thản mà đi, nhẹ lòng mà
đi. Biết đâu ở nơi ấy, cuộc sống của ta lại chẳng tốt đẹp hơn, an lành hơn và
hạnh phúc hơn cõi đời hiện tại này chăng? Khi viết những dòng này về Dẩn, thì
bạn đã ở thế giới bên kia rồi. Nơi vĩnh hằng ấy, chúng mình chỉ còn biết cầu
chúc bạn hãy yên nghỉ ngàn thu. Chúng mình vẫn luôn nhớ về bạn đấy, Dẩn ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét