Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Bạn cùng giường



BẠN CÙNG GIƯỜNG
Ngô Anh Thơ 
Đừng vội nghĩ khác, bạn nhé. Bạn cùng giường ở đây đúng hoàn toàn về nghĩa đen nhưng vô cùng trong sáng. Đấy là tôi muốn nói đến một người bạn ba năm cùng giường thời đại học của tôi -  bạn Nguyễn Hồng Liên,  quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Người bạn cùng giường của tôi thời sinh viên đấy.
Năm 1967, vượt qua bom đạn với quãng đường sáu bẩy trăm cây số, Hồng Liên đến Gia Lương, Hà Bắc để học thứ tiếng Rutski day dứt, mà  tôi thích gọi là thứ tiếng của Puskin hơn là của Lê-nin vĩ đại. Hồng Liên được xếp vào ở nhà bác Hốt với tôi và Dẩn ở Bình Lục, Nam Hà. Tôi gọi Liên là bạn cùng giường vì khi ở sơ tán, bác chủ dành cho 3 chị em một giường, khi về Hà nội tôi với Liên vẫn một giường tầng, Liên tầng trên, tôi tầng dưới. Những hôm rét buốt hai chị em thường ngủ chung, lấy chăn dạ của tôi làm đệm, đắp chăn bông của Liên, ôm nhau ngủ ấm áp vô cùng.
Hồng Liên là người trực tính, thẳng thắn nhưng hết sức khoan dung độ lượng, luôn quan tâm chăm sóc bạn bè.  Hai chị em thân nhau nhưng luôn lo lắng cho Dẩn, cô bạn có hoàn cảnh kinh tế khá hơn nhưng có sức khỏe yếu hơn. (Tội nghiệp Dẩn! Cầu mong bạn bình yên thanh thản nơi suối vàng!). Mọi người hay bảo dân miền trong "cá gỗ" thế này thế kia, nhưng tôi tự thấy mình "cá gỗ" hơn Liên nhiều. Một chi tiết mà tôi phục Liên mãi, dám ra chợ Đò ở Kênh Vàng mua hẳn một con gà về chiêu đãi bác chủ và mấy chị em. Thời đấy khó khăn, ăn chẳng đủ no, có nằm mơ cũng chẳng dám, vậy mà được ăn thịt gà hẳn hoi. Miếng ngon nhớ lâu, bữa cơm gà đặc biệt ấy theo tôi suốt cả cuộc đời.
Hai chị em hay tâm tình kể chuyện nhà, chuyện xóm cho quên nỗi nhớ gia đình. Tôi rất thích những buổi chiều quê Liên, bà con chòm xóm tụ tập uống nước chè xanh, ăn cu-đơ hay củ khoai, củ sắn, mộc mạc giản dị thân tình biết bao. Tôi ở phố thị làm sao có được cảnh ấy. Chị em tôi với anh chị Liên đều coi tôi và Liên như người trong nhà. Mỗi khi Liên về quê nghỉ hè, tôi không quên gửi cho Oanh, Hiền, Phương là các em gái Liên ít vở học sinh. Sau này Oanh học ở Nga về, lại dạy ở Đại học Tổng hợp trường tôi, làm cho tình thân thêm gần gũi. Hiền và Phương cũng thế, sau này mới gặp, nhưng thấy thân thiết như chị em gái vậy. Có lần Liên và Trân còn về quê nghèo phố thị Vân Đình của tôi, phải đi bộ ba cây số từ bến xe ô tô sơ tán về nhà. Thấy nhà tôi nghèo, bố thì mất, lại đông chị em, Liên càng thương tôi nhiều hơn.
Ở sơ tán, xa nhà, thiếu thốn tình cảm kinh khủng. Vì thế mỗi lần chị Huệ hay anh Tộ của Liên đến thăm là chúng tôi mừng quên nhớn. Anh trai, chị gái Liên đến, đồng nghĩa với việc chúng tôi được chăm sóc nhiều hơn, cả vật chất lẫn tinh thần. Chị Huệ coi tôi như em gái, thủ thỉ chuyện trò khuyên nhủ đủ điều. Chị bé nhỏ, mắt to, lông mi cong dài, mặt lấm tấm tàn hương, mái tóc quăn trông dễ thương trong bộ quân phục gọn gàng. Dưới mắt tôi chị thật đẹp, thật hiền. Chỉ buồn cười cái cách chị nhảy lên đạp xe trông rất ngộ, chân chị với với, mãi mới tới cái Pê-đan làm tôi và Liên cứ cười ngặt nghẽo mãi. Vậy mà chị đã đi rất xa, rất xa... Anh Tộ trông đẹp, hiền nhưng sao tôi thấy anh nghiêm thế, cao xa vời vợi, không dám gần. Có lần, một hè ở nơi sơ tán, hai chị em dám lên Thái Nguyên thăm anh. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là núi là rừng, là khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp số một của đất nước thời đấy.  Bọn tôi còn dám bắt tàu hỏa đi xuống tận Hải Phòng thăm người bà con nào đó của Liên. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là biển với thành phố Hoa Phượng đỏ có bến cảng ngày ấy thấy lam lũ đói nghèo. Cũng là lần đầu tiên tôi biết có con dạm trông hơi giống con cua và được ăn các món dạm xào chua ngọt và dạm nấu canh mồng tơi. Chỉ nhớ dạm có nhiều màu hơn cua nhưng không thể sánh với cua đồng quê mình được.
Tốt nghiệp, tôi ở Hà Nội, Liên lên mãi Thác Bà làm phiên dịch. Loanh quanh một thời gian Liên về dạy trường Kiến trúc trên trục đường Nguyễn Trãi gần trường Tổng hợp của tôi. Chị em thân càng thêm thân. Ở gần nhà nhau, hai chị em thường xuyên qua lại, nhất là những dịp Tết Nguyên Đán, hồi bọn trẻ còn nhỏ, lúc thì Liên kéo cả chồng con sang nhà tôi, lúc thì tôi cho cả nhà sang nhà Liên ăn Tết. Ngày ấy nghèo, ăn uống chẳng mâm cao cỗ đầy gì, nhưng tràn ngập tình thương mến vui vẻ.
Con trai Liên, cháu Thông trước đây thường bảo mẹ và cô sao giống nhau thế, có hai con trai như nhau, nhà có ba mặt đường giống nhau (dù diện tích mặt bằng nhà Liên gần gấp đôi nhà tôi), cả hai đều có con chưa chịu lấy vợ...Giờ thì hai chị em hơi khác nhau rồi. Anh Khiêm chồng Liên đã đi xa, cháu Thông lấy vợ có hai con. Liên lên chức bà nội bận rộn suốt ngày. Tôi thì mải đi theo công việc thiện nguyện mà tôi tìm thấy ý nghĩa mới, niềm vui mới trong cuộc đời. Hết dạy lớp Hy vọng cho các bé bị mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị lâu dài ở BV mỗi tuần một buổi, lại tranh thủ dành những thời gian thích hợp đi quyên góp, phân loại, sắp xếp đóng thùng chuẩn bị cho những chuyến đi vùng cao, đến với những em bé nghèo chưa đủ áo ấm và bữa ăn chưa có thịt. Dẫu ít gặp nhau hơn, nhưng trong tôi luôn có một chỗ nồng ấm dành cho người bạn cùng giường một thời năm nào, người bạn từ thuở tóc còn xanh, còn đẹp với một tình cảm thật trìu mến, thật thiết tha.
Người bên phải là bà nội Hồng Liên bây giờ, vẫn đằm thắm đáng yêu như hồi nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét