BẠN
CÙNG GIƯỜNG
Ngô Anh Thơ, 1-4-2012
Đừng vội nghĩ khác,
bạn nhé. Bạn cùng giường ở đây đúng hoàn toàn về nghĩa đen nhưng vô cùng trong
sáng. Đấy là tôi muốn nói đến một người bạn ba năm cùng giường thời đại học của
tôi - bạn Nguyễn Hồng Liên, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Năm 1967, vượt qua
bom đạn với quãng đường sáu bẩy trăm cây số, Hồng Liên đến Gia Lương, Hà Bắc để
học thứ tiếng Rutski day dứt, mà tôi thích gọi là thứ tiếng của Puskin
hơn là của Lê nin vĩ đại, cái mà hồi đó chúng tôi chuyên phải nhồi sọ. Cứ làm
như không có ông Lê nin thì không có Tiếng Nga ấy. Hồng Liên được xếp vào ở nhà
bác Hốt với tôi và Dẩn ở Bình Lục, Nam Hà. Tôi gọi Liên là bạn cùng giường vì
khi ở sơ tán, bác chủ dành cho 3 chị em một giường, khi về Hà nội tôi với Liên
vẫn một giường tầng, Liên tầng trên, tôi tầng dưới. Những hôm rét buốt hai chị
em thường ngủ chung, lấy chăn dạ của tôi làm đệm, đắp chăn bông của Liên, ôm
nhau ngủ ấm áp vô cùng.
Hồng Liên là người
trực tính, thẳng thắn nhưng hết sức khoan dung độ lượng, luôn quan tâm chăm sóc
bạn bè. Hai chị em thân nhau nhưng luôn lo lắng cho Dẩn, cô bạn có hoàn
cảnh kinh tế khá hơn nhưng có sức khỏe yếu hơn. (Tội nghiệp Dẩn! Cầu mong bạn
bình yên thanh thản nơi suối vàng!). Mọi người hay bảo dân miền trong "cá
gỗ" thế này thế kia, nhưng tôi tự thấy mình "cá gỗ" hơn Liên
nhiều. Một chi tiết mà tôi phục Liên mãi, dám ra chợ Đò ở Kênh Vàng mua hẳn một
con gà về chiêu đãi bác chủ và mấy chị em. Thời đấy khó khăn, ăn chẳng đủ no,
có nằm mơ cũng chẳng dám, vậy mà được ăn thịt gà hẳn hoi. Miếng ngon nhớ lâu,
bữa cơm gà đặc biệt ấy theo tôi suốt cả cuộc đời.
Hai chị em hay tâm
tình kể chuyện nhà, chuyện xóm cho quên nỗi nhớ gia đình. Tôi rất thích những
buổi chiều quê Liên, bà con chòm xóm tụ tập uống nước chè xanh, ăn cu-đơ hay củ
khoai, củ sắn, mộc mạc giản dị thân tình biết bao. Tôi ở phố thị làm sao có
được cảnh ấy. Chị em tôi với anh chị Liên đều coi tôi và Liên như người trong
nhà. Mỗi khi Liên về quê nghỉ hè, tôi không quên gửi cho Oanh, Hiền, Phương là
các em gái Liên ít vở học sinh. Sau này Oanh học ở Nga về, lại dạy ở ĐHTH
trường tôi, làm cho tình thân thêm gần gũi. Hiền và Phương cũng thế, sau này
mới gặp, nhưng thấy thân thiết như chị em gái vậy. Có lần Liên và Trân còn về
quê nghèo phố thị Vân Đình của tôi, phải đi bộ ba cây số từ bến xe ô tô sơ tán
về nhà. Thấy nhà tôi nghèo, bố thì mất, lại đông chị em, Liên càng thương tôi
nhiều hơn.
Ở sơ tán, xa nhà,
thiếu thốn tình cảm kinh khủng. Vì thế mỗi lần chị Huệ hay anh Tộ của Liên đến
thăm là chúng tôi mừng quên nhớn. Anh trai, chị gái Liên đến, đồng nghĩa với
việc chúng tôi được chăm sóc nhiều hơn, cả vật chất lẫn tinh thần. Chị Huệ coi
tôi như em gái, thủ thỉ chuyện trò khuyên nhủ đủ điều. Chị bé nhỏ, mắt to, lông
mi cong dài, mặt lấm tấm tàn hương, mái tóc quăn trông dễ thương trong bộ quân
phục gọn gàng. Dưới mắt tôi chị thật đẹp, thật hiền. Chỉ buồn cười cái cách chị
nhảy lên đạp xe trông rất ngộ, chân chị với với, mãi mới tới cái Pê-đan làm tôi
và Liên cứ cười ngặt nghẽo mãi. Vậy mà chị đã đi rất xa, rất xa... Anh Tộ trông
đẹp, hiền nhưng sao tôi thấy anh nghiêm thế, cao xa vời vợi, không dám gần. Có
lần, một hè ở nơi sơ tán, hai chị em dám lên Thái Nguyên thăm anh. Đó là lần
đầu tiên tôi biết thế nào là núi là rừng, là khu gang thép Thái Nguyên, khu
công nghiệp số một của đất nước thời đấy. Bọn tôi còn dám bắt tàu hỏa đi
xuống tận Hải Phòng thăm người bà con nào đó của Liên. Đó cũng là lần đầu tiên
tôi biết thế nào là biển với thành phố Hoa Phượng đỏ có bến cảng ngày ấy thấy
lam lũ đói nghèo. Cũng là lần đầu tiên tôi biết có con rạm trông hơi giống con
cua và được ăn các món rạm xào chua ngọt và rạm nấu canh mồng tơi. Chỉ nhớ rạm
có nhiều màu hơn cua nhưng không thể sánh với cua đồng quê mình được.
Tốt nghiệp, tôi ở Hà
Nội, Liên lên mãi Thác Bà làm phiên dịch. Loanh quanh một thời gian Liên
về dạy trường Kiến trúc trên trục đường Nguyễn Trãi gần trường Tổng hợp của
tôi. Chị em thân càng thêm thân. Ở gần nhà nhau, hai chị em thường xuyên qua
lại, nhất là những dịp Tết Nguyên Đán, hồi bọn trẻ còn nhỏ, lúc thì Liên kéo cả
chồng con sang nhà tôi, lúc thì tôi cho cả nhà sang nhà Liên ăn Tết. Ngày ấy
nghèo, ăn uống chẳng mâm cao cỗ đầy gì, nhưng tràn ngập tình thương mến vui vẻ.
Con trai Liên, cháu
Thông trước đây thường bảo mẹ và cô sao giống nhau thế, có hai con trai như
nhau, nhà có ba mặt đường giống nhau (dù diện tích mặt bằng nhà Liên gần gấp
đôi nhà tôi), cả hai đều có con chưa chịu lấy vợ...Giờ thì hai chị em hơi khác
nhau rồi. Anh Khiêm chồng Liên đã đi xa, cháu Thông lấy vợ có hai con. Liên lên
chức bà nội bận rộn suốt ngày. Tôi thì mải đi theo công việc thiện nguyện mà
tôi tìm thấy ý nghĩa mới, niềm vui mới trong cuộc đời. Hết dạy lớp Hy vọng cho
các bé bị mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị lâu dài ở BV mỗi tuần một buổi, lại
tranh thủ dành những thời gian thích hợp đi quyên góp, phân loại, sắp xếp đóng thùng
chuẩn bị cho những chuyến đi vùng cao, đến với những em bé nghèo chưa đủ áo ấm
và bữa ăn chưa có thịt. Dẫu ít gặp nhau hơn, nhưng trong tôi luôn có một chỗ
nồng ấm dành cho người bạn cùng giường một thời năm nào, người bạn từ thuở tóc
còn xanh, còn đẹp với một tình cảm thật trìu mến, thật thiết tha.
Người bên phải là bà nội Hồng Liên bây giờ, vẫn đằm thắm đáng yêu như hồi nào.
BẠN DẨN
Ngô Anh Thơ, 1-4-2012
Chuông
điện thoại reo. Nhấc máy trả lời, nghe không rõ hỏi xin lỗi ai ở đầu dây thì
nghe hình như nói là Luận đây. Suy ra thì đúng hơn vì dịp đó hội 8G lớp phổ
thông của mình đang hẹn nhau gặp mặt thể theo nguyện vọng của thầy giáo chủ
nhiệm Hoa Thế Đán yêu quý của chúng mình mà mình và Dung được phụ trách công
việc hậu cần. Luận là một cô bạn cùng lớp 8G ở mãi bên Gia Lâm. Chắc là Luận
gọi nên mình vồn vã chào, hỏi thăm sức khoẻ thì nghe thấy tiếng
trả lời “Mình đang sắp chết đây”. Ngạc nhiên quá mình bảo “Cậu đùa đấy à”, thì
người ở đầu dây bên kia bảo” Thật đấy, mới đi Trung Quốc chữa bệnh, sau về 108
và bây giờ thì về nhà”. Mình bảo sao cậu không báo cho các bạn để mọi người đến
thăm, chia sẻ động viên. Người đó nói báo cho Hồng Liên rồi. Đến đây thì mình
mới vỡ lẽ ra đó là Dẩn, một cô bạn học cùng đại học từ thời ở Cấp Điền Cấp
Thuỷ, Hà Bắc mà bây giờ đổi tên là Dẫn, thay dấu hỏi thành dấu ngã
chắc để mọi người khỏi nghĩ đến cái nghĩa không hay của từ này. Ngày xưa
các cụ đặt tên thường tránh tên hay, tên đẹp để cho dễ nuôi mà.
Chân ướt
chân ráo từ khắp mọi miền của Tổ Quốc vượt qua bom đạn lũ học trò vừa tốt
nghiệp phổ thông cấp III đến tập trung ở Lôi Châu Thuận Thành Hà Bắc để
học Đại học Ngoại ngữ. Đầu tiên mình được xếp vào học Tiếng Trung Quốc, có lẽ
vì Phòng Đào tạo thấy kết quả học Tiếng Trung Quốc ở phổ thông của mình cũng
khơ khớ chăng. Thực lòng mình chỉ thích học Tiếng Anh nên liều mạng đến gặp các
thầy ở phòng Đào tạo xin chuyển sang Khoa Anh. Các thầy bảo Khoa Anh ba tháng
nữa mới tập trung, chỉ có thể học Tiếng Nga được thôi. Nghĩ đến quãng đường bom
đạn dài giằng giặc mà sợ, mà ngại ngùng nên tặc lưỡi thì Tiếng Nga vậy. Thế là
trở thành sinh viên lớp 3N67 học ở Cấp Điền trong số bốn lớp của khoá ấy. Mình
được bố trí ở nhà bác Hốt cùng với Hồng Liên quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, người
trở thành cô bạn thân thiết suốt từ năm 1967 cho đến tận bây giờ và một cô bạn
nữa ở Bình Lục Nam Hà chính là Dẩn.
Dân
thời chiến thật tốt cho những người ở tận đẩu tận đâu đến ở vô tư, không một
chút đòi hỏi. Bây giờ phần lớn mọi thứ đều phải quy ra thóc. Bác chủ nhà mình ở
có hoàn cảnh khá éo le. Ông chồng sống với vợ lẽ ở ngoài bãi, một mình sống với
con trai nhỏ tên Điếm chừng mười hai mười ba tuổi. Mình cứ buồn cười vì hôm đầu
tiên Điếm cứ gọi chúng mình là các cô bé sinh viên. Thỉnh thoảng cậu bé
còn cho các chị ổi nữa. Ở nhà bác chúng mình chỉ giúp bác quét nhà quét cửa,
đun nước uống hàng ngày, gánh nước khi nước trong bể vơi và đi chặt đay khi đến
mùa thu hoạch.
Ba
chị em ở với nhau khá hoà thuận, nhưng mình thân với Hồng Liên hơn bởi tính
cách thẳng thắn chân tình của bạn. Dẩn thì quả thực cũng rất tội vì ngay từ
thời ấy cũng không được khoẻ lắm. Có lẽ vì một phần do sức khoẻ, một phần vì
nhà cũng có kinh tế khá nên Dẩn thường báo một suất cơm nữa để ăn thêm.
Thường chúng mình hay đi lấy cơm từ nhà ăn về để ăn ở nhà. Lấy bốn suất cơm về
thì sẻ một suất cơm vào chiếc ca cho Dẩn. Chẳng hiểu Dẩn không bằng lòng điều
gì đó, không may đến tai Hồng Liên, thế là mỗi khi lấy cơm về Liên xúc cơm vào
ca lèn hết sức tới khi không lèn được mới thôi, tới khi Dẩn phải phát khóc lên.
Bây
giờ nghĩ lại thấy buồn cười quá và cũng chỉ muốn phát khóc lên. Thương Dẩn và
thương cho tất cả chúng mình nữa. Chao ơi là đói! Đói triền miên, đói khủng
khiếp! Đói! Đói! Đói! Nhưng cấm được kêu đói. Kêu là bị đem ra kiểm điểm. Bao
thanh niên cùng tuổi còn phải xông pha nơi trận mạc, chiến đấu với quân
thù, hy sinh đổ xương máu mà ở đây chúng mình được nhà
nước cho đi ăn học như thế này là ưu ái lắm rồi, còn kêu ca nỗi gì. Nhưng đói
vẫn là đói, thanh niên đang tuổi ăn mà chỉ có ít cơm độn khoai khô với tí canh
rau đen kịt mầu chảo gang và hoặc là tí cá, hoặc là tí đậu, hoặc sang lắm có tí
thịt mỡ bèo nhèo. Có đợt ăn bánh bao triền miên. Không hẳn là bánh bao mà là
bột mỳ nắm lại luộc lên có mầu xam xám, ném chó chó chết liền.
Nhớ
có lần Trần Quang Ích, sau là thư ký của ông giám đốc Thuỷ điện Sông Đà, đói
quá đi qua sân nhà dân, nhặt một bắp ngô của dân, bị phản ánh thế là bị kiểm
điểm, khổ ơi là khổ. Thú thực là có khi đói quá, không học được chúng mình thi
thoảng cũng ăn vụng một vài miếng khoai lang khô của bác chủ để ở góc nhà. Xin
bác tha tội cho chúng con, bé dại xa nhà và đói quá. Nhưng có đôi lần
cũng được ăn tươi. Lần thứ nhất đó là đi lao động ở Lôi Châu phải đi qua cánh
đồng, Na là dân miền trũng ở Lý Nhân, Nam Hà phát hiện ra có rất nhiều ốc nhồi
ở chân các đám bèo, thế là cả bọn thi nhau bắt được một rổ to tướng. Chẳng có
mỡ miếc gì hết, xin bác chủ tí muối và mấy quả khế chua đun lên ăn, mà sao thấy
ngon quá trời. Mình dám chắc không có đặc sản nào thời nay ngon bằng. Lần thứ
hai là một lần đi chợ đò Kênh Vàng, Hồng Liên chắc mới nhận được tiền bố hay
anh Tộ cho, dám mua hẳn một con gà về giết thịt mời cả bác chủ cùng ăn. Một bữa
ăn ngon khó có thể quên. Đúng là miếng ngon nhớ lâu là thế.
Nhớ
một hôm chẳng hiểu vì sao Dẩn bị đau bụng khủng khiếp. Liên cõng nó đi vòng
quanh nhà dỗ dành đủ kiểu mà nó chẳng đỡ gì cả, chỉ khóc kêu trời. Đêm tối
rồi, chẳng biết làm gì, mình sợ quá sang nhà anh My lớp trưởng nói anh xem có
cách gì giúp Dẩn với. Anh sang và quyết định phải đưa Dẩn đi bệnh
viện ở Thứa cách Cấp Điền bẩy cây số. Lấy chăn làm võng, anh My và
Đẩu khiêng cáng, còn mình và Hồng Liên cầm đèn lẽo đẽo chạy theo sau. Tới bệnh
viện người ta khám và bảo giun chui cuống mật. Họ cho thuốc uống, mấy
tiếng sau thì đỡ. Đến sáng cả bọn lại lếch thếch kéo nhau về. Một phen hú hồn
hú vía. May mà không sao cả.
Năm
ấy Dẩn bị học lại. Chúng mình ít có điều kiện gặp nhau. Sau này ra trường, mình
cũng chẳng biết Dẩn đi làm ở đâu. Cách đây ba, bốn năm gặp Dẩn trong đám cưới
con Hồng Hải mới biết Dẩn làm việc trong quân đội, nhưng hiện tại nghỉ việc,
vẫn hưởng nguyên lương vì phát hiện bị ung thư đã được hai năm
rồi. Mình và Hồng Liên có đến thăm Dẩn một lần. Dẩn mua được căn hộ chung
cư ở Văn Quán. Cũng mừng cho Dẩn, nhất là bệnh vẫn vậy không tiến triển gì
thêm. Trông Dẩn thậm chí còn hồng hào xinh đẹp hơn thời sinh viên.
Một
hôm, Hồng Liên gọi điện báo Dẩn dạo này yếu lắm rồi, mình và Hồng Liên rủ
nhau đến thăm. Trông bạn nằm trên giường với ống truyền dịch thật đáng
thương. Gày gò da sạm hẳn. Nhìn thấy chúng mình, nước mắt Dẩn chảy dài làm mình
lại nhớ đến hình ảnh cuối cùng của Ninh khi bạn ấy cũng bị ung thư nằm ở bệnh
viện K. Cầm tay chúng mình bạn ấy cũng nước mắt chảy dài. Con trai mà phải khóc
là điều hiếm thấy. Ninh muốn nói mà không nói được nên chỉ biết khóc trông
rất thương tâm. Dẩn ít ra vẫn còn nói được. Vậy là đã năm năm bạn phải
sống chung với căn bệnh quái ác ấy rồi. Thế là kiên cường
lắm đấy. Nắm bàn tay xương xẩu gày guộc của bạn, đưa cho bạn chiếc
phong bì, bạn ấy bảo không cần phải thế vì lương của bạn ấy mỗi tháng hơn năm
triệu kia. Thôi thì chỉ một chút tấm lòng của chúng mình. Giá như có thể gánh
đỡ nỗi đau cho Dẩn thì chúng mình cũng sẵn lòng chìa vai ra gánh đỡ. Biết làm
sao, mỗi người một số phận. Dẫu gì thì con cái Dẩn cũng đều trưởng thành, xây
dựng gia đình cả rồi. Phải chi bạn được khoẻ mạnh, nghỉ hưu vui vầy cùng con
cháu và hàng năm đi hội khóa Nga văn 67 cùng chúng mình thì sung sướng biết
bao!
Thôi,
trời cho cái gì thì hưởng cái đó. Một khi Chúa Trời gọi ta về với Chúa,
thì ta cũng thanh thản mà đi, nhẹ lòng mà đi. Biết đâu ở nơi ấy, cuộc sống của
ta lại chẳng tốt đẹp hơn, an lành hơn và hạnh phúc hơn cõi đời hiện tại này
chăng?Khi viết những dòng này về Dẩn, thì bạn đã ở thế giới bên kia rồi. Nơi
vĩnh hằng ấy, chúng mình chỉ còn biết cầu chúc bạn hãy yên nghỉ ngàn thu. Chúng
mình vẫn luôn nhớ về bạn đấy, Dẩn ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét