KHÓA 67 MÌNH
Tặng các em sinh viên
Khóa 1967-1970
Khoa Tiếng Nga, Đại học
Ngoại ngữ Hà Nội
Lê Đức Mẫn,
II-2017
Khóa 67 mình được học chữ đầu tiên
Là “Golod” (голод) có nghĩa là “đói kém”.
Thương các bạn tuổi đời chưa kịp lớn,
Mẹt ngô rang nuôi cả mấy năm trường.
Những năm ấy sao mà lạnh thấu xương,
Lại học chữ “kholod” (холод) là “rét buốt”.
Chăn không có, áo quần thì vá đụp,
Lớp học nhà tranh, cái gió cũng chen vào.
Mình học “temno” (темно) là “tối”, phải không nào?
Chỉ có cây đèn chai thức cùng con chữ.
Rồi cũng nên người, tối trời nhưng sáng dạ,
Nhờ ánh đèn le lói đó theo ta.
Cái năm 67 này “chiến tranh” khắp gần xa,
Chữ “voina” (война) học đúng ngày oanh kích.
Rồi bạn bè tòng quân, có người về không kịp.
Nào ta cúi đầu cho một phút thêm thương.
Chữ “tyazhelo” (тяжело) nay đọc vẫn bàng hoàng,
Thày dịch nghĩa là “gian nan, khổ cực”.
Ốm vàng mắt vẫn mò lên lớp học,
Đường lội ngang đùi không bỏ tối liên hoan.
Chữ “druzhba” (дружба) hồi ấy cứ phân vân,
“Tình bạn” là gì, nửa đời sau mới biết.
Thày đọc cho nghe bài thơ Nga da diết:
“Mẩu bánh mì tôi bạn cũng chia đôi”*.
“Lyubit” (любить) là “yêu”, sao đọc chẳng nên lời?
Ngây ngô quá chia hoài ngôi thứ nhất.
Trăm lần gặp, cả trăm lần tim đập,
Đầu bạc rồi, lại gặp, vẫn bâng khuâng!
67 chúng mình ơi! Thương những tháng năm
Toàn đói rách và chiến tranh nghiệt ngã,
Nhưng tình bạn, tình yêu là tất cả,
Là ánh đèn luôn đỏ giữa tim ta.
* Thơ Prokofiev